Ngày 22/7 (giờ địa phương), Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận các trường hợp mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở trẻ em, bao gồm một trẻ nhỏ ở bang California và một trẻ sơ sinh không phải công dân Mỹ.
Theo Giám đốc CDC Mỹ, Rochelle Walensky, hai ca mắc đậu mùa khỉ ở trẻ em có thể là do lây nhiễm trong gia đình và các chuyên gia y tế đang tìm hiểu cách thức virus lan truyền sang trẻ nhỏ như thế nào. Cả hai trường hợp này đều có các triệu chứng lây nhiễm và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus, tình trạng sức khỏe tốt.
Trước nay, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi nhưng từ tháng 5 vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài 2 khu vực này và bắt đầu lây lan nhanh. Tính đến nay đã có hơn 15.000 trường hợp được báo cáo mắc bệnh đậu mùa khỉ ở những nước trước đây không hề phát hiện căn bệnh này. Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù các quan chức y tế nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm loại virus này.
Theo số liệu của CDC Mỹ, trên toàn nước Mỹ đã có 1.814 ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận tính đến ngày 15/7. Về số ca mắc đậu mùa khỉ ở trẻ em, tính đến nay ở châu Âu đã có ít nhất 6 trường hợp mắc bệnh trong nhóm từ 17 tuổi trở xuống. Ở châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em phổ biến hơn và tỷ lệ bệnh nặng, tử vong cũng cao hơn.
Hiện Mỹ đang tăng cường năng lực xét nghiệm và nguồn cung vaccine để ứng phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay. Chính phủ Mỹ đã phân phối 300.000 liều vaccine đậu mùa khỉ, cũng như đang xúc tiến chuyến hàng 786.000 liều vaccine từ Đan Mạch.
CDC Mỹ vẫn đang đánh giá để xem liệu đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay có nên được công bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe công cộng.
Trước đó một ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp thứ hai của ủy ban chuyên gia về đậu mùa khỉ để quyết định xem đợt bùng phát hiện nay có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không. Hiện WHO vẫn chưa công bố kết quả cuộc họp nói trên.
Linh Chi(T/h)