+Aa-
    Zalo

    Mỹ, Trung chuẩn bị cho lkhủng hoảng Triều Tiên?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trung Quốc đang tăng cường lực lượng dọc khu vực biên giới dài hơn 1.400 km với Triều Tiên do lo sợ khủng hoảng nổ ra trong khu vực.

    Trước thềm lễ kỷ niệm ngày đình chiến (27/7) trong Chiến tranh Triều Tiên và khả năng Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo vào dịp này, cả Trung Quốc và Mỹ đều không ai bảo ai, tự có động thái riêng đề phòng khả năng xảy ra khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

    Trung Quốc hoạt động mạnh ở biên giới Triều Tiên

    Theo tờ New York Post, Trung Quốc đang tăng cường lực lượng dọc khu vực biên giới dài hơn 1.400 km với Triều Tiên do lo sợ khủng hoảng nổ ra trong khu vực. Theo một báo cáo công bố ngày 24/7, Trung Quốc lo ngại Mỹ có thể tấn công Triều Tiên dù khả năng này còn xa vời.

    Trung Quốc tăng cường để mắt tới khu vực biên giới với Triều Tiên.

    Nhật báo Phố Wall dẫn thông tin từ các trang web chính phủ, quân sự cùng với phỏng vấn chuyên gia và đưa ra nhận định Trung Quốc ngày càng tăng cường để mắt tới vùng biên giới thông qua sử dụng thiết bị không người lái.

    Trung Quốc cũng đã di chuyển vũ khí mới tới khu vực và tổ chức tập trận cho các lực lượng đặc biệt, binh sĩ không vận và các đơn vị bộ binh.

    Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh muốn tăng cường biên giới và ngăn chặn dòng người tị nạn Triều Tiên vào Trung Quốc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

    Ông Mark Cozad, cựu quan chức tình báo Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, nhận xét: “Nếu bạn muốn tôi đặt cược vào địa điểm mà tôi cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ xung đột đầu tiên, thì đó không phải là Đài Loan, Biển Đông hay Biển Hoa Đông. Tôi nghĩ đó là bán đảo Triều Tiên”.

    Theo Nhật báo Phố Wall, mặc dù Trung Quốc sẽ không cần thiết phải nhảy vào bảo vệ Triều Tiên nhưng nước này ít nhất muốn Mỹ tham vấn mình trước khi kích hoạt bất kỳ hành động quân sự nào nhằm vào chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

    Trung Quốc thực sự muốn Triều Tiên và Mỹ giảm giọng điệu khiêu khích lẫn nhau. Thiếu tướng Lục quân Trung Quốc về hưu Vương Hải Vận (Wang Haiyun) nói: “Thời gian đang cạn dần. Chúng ta không thể để lửa chiến tranh cháy lan vào Trung Quốc”.

    Trước thông tin của báo chí, giới chức Trung Quốc ngày 24/7 đã bác bỏ rằng họ đang chuẩn bị cho xung đột dọc biên giới với Triều Tiên. Một đại diện của Bộ Quốc phòng nói rằng hiện các lực lượng Trung Quốc vẫn duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức bình thường.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì nói: “Biện pháp quân sự không nên là một lựa chọn để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên”.

    Các chuyên gia đều nhất trí rằng ít có khả năng Mỹ tấn công Triều Tiên. Nhưng nếu Mỹ buộc phải dùng biện pháp quân sự thì Trung Quốc sẽ “cực kỳ thất vọng” khi bom rơi gần biên giới.

    Mỹ “sơ tán” căn cứ ra xa Triều Tiên?

    Trong khi Trung Quốc lo ngại dòng người tị nạn Triều Tiên kéo qua biên giới thì Mỹ dường như lo “ngay ngáy” về căn cứ quân sự ở Seoul, Hàn Quốc, cách không xa Triều Tiên.

    Binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc dọn đến căn cứ mới. Ảnh: Stripes

    Tân Hoa Xã (Trung Quốc) ngày 11/7 đưa tin lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc đã chuyển tới một căn cứ quân sự mới ở phía nam Seoul. Căn cứ mới tên là Trại Humphreys ở Pyeongtaek, cách Seoul 70 km.

    Đây là một phần trong kế hoạch tái bố trí của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK). Theo đó, trụ sở của USFK và đơn vị Lục quân Mỹ số 8 đồn trú ở Yongsan tại trung tâm Seoul cũng như lữ đoàn bộ binh số 2 ở phía bắc Seoul sẽ chuyển tới các căn cứ mới ở Pyeongtaek. Bộ Chỉ huy USFK sẽ chuyển tới căn cứ mới cuối năm 2017. Phần lớn trong số 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây sẽ chuyển tới Pyeongtaek trong năm nay.

    Kế hoạch này bắt đầu từ đầu năm 2003 khi tổng thống hai nước nhất trí kế hoạch tái bố trí. Theo đó, 91 căn cứ quân sự Mỹ khắp Hàn Quốc sẽ được tái bố trí tại hai căn cứ chính quanh Pyeongtaek và trong khu vực Đông Nam Hàn Quốc.

    Tổng diện tích của hai căn cứ Mỹ này sẽ giảm từ hơn 240km2 xuống còn hơn 76 km2.

    Với Mỹ, việc chuyển căn cứ là tái bố trí theo kế hoạch. Với Triều Tiên, động thái này một mặt là hành động khiêu khích, một mặt là dấu hiệu cho thấy sự hèn nhát của Mỹ. Triều Tiên coi Mỹ chuyển căn cứ tại Hàn Quốc là “sơ tán”.

    Tờ Rodong Sunmun của Triều Tiên nhận định mục đích của Mỹ là chuẩn bị tấn công Triều Tiên: “Mục tiêu nguy hiểm của việc tái bố trí là kích hoạt xâm lược Triều Tiên và đẩy lực lượng bù nhìn Hàn Quốc ra tiền tuyến làm mục tiêu đỡ đạn”.

    Triều Tiên vạch âm mưu của Mỹ: Lý do Mỹ đồn trú binh sĩ ở Pyeongtaek gần biển là không chỉ để triển khai lực lượng phản kháng trong trường hợp khẩn cấp mà còn để nhanh chóng trốn thoát nếu tính toán đó là động thái có lợi.

    Triều Tiên đe dọa: “Một khi chúng tôi bắn phát súng đầu tiên, mục tiêu trước hết sẽ là lực lượng xâm lược Mỹ”.

    Nếu như động cơ tái bố trí căn cứ của Mỹ chưa hẳn đã là vì “sơ tán” như Triều Tiên nói, thì động thái triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) chắc chắn là để đối phó với Triều Tiên. Hiện tại, hai bệ phóng của THAAD cùng với radar X-band và một số thiết bị khác đã được lắp đặt tại vị trí triển khai ở Seongju. Phía Mỹ cho rằng THAAD sẽ bảo vệ 10 triệu dân Hàn Quốc.

    Theo một nghiên cứu, trong những giờ đầu bị tấn công, Hàn Quốc sẽ mất 3.000 quân nhân nếu Triều Tiên tấn công mục tiêu quân sự và 30.000 người dân nếu Triều Tiên nhằm vào mục tiêu dân sự.

    Thùy Dương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-trung-chuan-bi-cho-lkhung-hoang-trieu-tien-a197323.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan