Hình ảnh vệ tinh của cơ sở nghiên cứu ở Mỹ cho hay, Trung Quốc đã hoàn thiện hàng chục kho chứa máy bay và radar cao cấp trên những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Các chuyên gia nói với CNN rằng, cơ sở mới sẽ thiết lập hệ thống quân sự, xây dựng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) gây tranh cãi trong khu vực.
Hình ảnh được phát hành bởi Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), chụp từ đầu tháng tháng 3. Cơ sở hạ tầng quốc phòng gần như đã hoàn thành trên 3 hòn đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa: Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn.
Mỗi hòn đảo đều có kho chứa máy bay mới, có khả năng chứa 24 máy bay quân sự. Một số hang lớn hơn thậm chí có thể chứa máy bay ném bom hoặc máy bay giám sát. Mặc dù đã hoàn thành các cơ sở này vào đầu năm 2017, vẫn còn tồn tại những câu hỏi rằng Trung Quốc muốn làm gì?
Kho chứa máy bay, radar của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: CNN |
Hôm qua (28/3), một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, bà không rõ chi tiết của báo cáo nhưng vẫn khăng khăng nhận định quần đảo Trường Sa là của Trung Quốc.
Bà Hua Chunying nói: "Cho dù chúng tôi có quyết định triển khai hoặc không triển khai các trang thiết bị quân sự liên quan, chúng tôi vẫn phải đảm bảo trong phạm vi chủ quyền của mình. Đó là quyền tự vệ theo luật quốc tế".
Được biết, nhà kho chứa mới, hệ thống radar gần như đã được hoàn tất.
Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi là những đảo lớn nhất trong số 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa.
Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền hầu khắp khu vực Biển Đông, chồng chéo lên chủ quyền của một số nước Đông Nam Á khác, bao gồm cả Philippines và Việt Nam.
Bốn hầm lớn đã được hoàn thành trên Đá Subi, AMTI cho biết, cũng như 4 chiếc khác ở Đá Vành Khăn. Hầm chứa 5 máy bay lớn hơn, như máy bay ném bom cũng đang ở giai đoạn xây dựng cuối cùng.
Hiện Bắc Kinh đã có thể triển khai khí tài quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu và các bệ phóng tên lửa cơ động, ra quần đảo Trường Sa vào bất kỳ lúc nào.
“Ba căn cứ không quân của Trung Quốc ở Trường Sa và một căn cứ khác trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa sẽ cho phép các máy bay quân sự nước này triển khai hoạt động trên hầu như toàn bộ Biển Đông”, AMTI cho biết.
Trung Quốc đã duy trì các tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm từ hơn một năm qua và ít nhất một lần triển khai các tên lửa chống hạm tới hòn đảo này. Hiện tại, Bắc Kinh cũng đã cho xây dựng nhiều nhà chứa kiên cố với mái di động dành cho các bệ phóng tên lửa cơ động tại khu vực quần đảo Trường Sa.
(Theo CNN)