Lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua, Quốc hội Mỹ quyết định xem xét lại thẩm quyền hạt nhân của Tổng thống Mỹ trong việc khởi động một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Hôm qua (14/11), Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần tập trung vào xem xét quyền ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân. Một số thượng nghị sĩ bày tỏ lo ngại rằng Tổng thống có thể sẽ “vô trách nhiệm” khi quyết định tấn công hạt nhân, trong khi những người khác nói nhà lãnh đạo Mỹ phải có quyền ra lệnh mà không cần tham khảo ý kiến từ các nhà làm luật.
Được biết, lần cuối cùng Quốc hội Mỹ thảo luận về vấn đề này vào tháng 3/1976.
Hồi tháng 8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ khiến Triều Tiên phải đối mặt với "lửa và giận dữ chưa từng thấy" nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Thượng viện Mỹ xem xét lại thẩm quyền của Tổng thống khi ra lệnh tấn công hạt nhân. Ảnh: Bussiness Insider |
Đến tháng 10 vừa qua, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Bob Corker cáo buộc Tổng thống Mỹ đang "trên con đường dẫn tới Thế chiến thứ III". Khi cuộc điều trần được tổ chức, ông Corker nói: "Cuộc thảo luận như thế này đáng ra phải được tiến hành từ lâu rồi".
Alex Wellerstein, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ Stevens, nói ông hy vọng buổi điều trần "có thể làm sáng tỏ các khía cạnh liên quan đến thủ tục sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống.
Phát biểu tại buổi điều trần công khai, Thượng nghị sĩ Ben Cardin nhấn mạnh: "Đây không phải là một cuộc thảo luận giả thuyết". Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ khác nói rằng họ đang gặp rắc rối trong việc dự đoán quyết định của Tổng thống liên quan đến một vụ tấn công hạt nhân bất kỳ.
Đại tướng không quân C. Robert Kehler, chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ từ năm 2011-2013 tuyên bố nếu vẫn còn giữ vị trí trước đây, ông chắc chắn sẽ nghe theo lệnh của Tổng thống để thực hiện cuộc tấn công - nếu nó hợp pháp.
Buổi điều trần của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn đang có những cuộc khẩu chiến kéo dài, không hồi kết, chủ yếu tập trung vào công kích cá nhân và đe dọa về một vụ tấn công có sức mạnh “hủy diệt” trong tương lai gần.