Trước việc Lầu Năm Góc đã huy động động 3 tàu sân bay tới bán đảo Triều Tiên sau vụ phóng thử tên lửa thất bại của Bình Nhưỡng, nhiều người tự hỏi liệu chính quyền Donald Trump có liều lĩnh tấn công Bình Nhưỡng hay không?
Dù những diễn biến tiếp theo của quan hệ Mỹ-Triều như thế nào, cộng đồng quốc tế cuối cùng cũng phải chấp nhận và học cách “sống chung” với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vì 3 lý do dưới đây:
Thứ nhất, dường như Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình bằng bất kỳ giá nào.
Thứ hai, những biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng tỏ ra không có hiệu quả trong việc thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Thứ ba, những giải pháp quân sự cho vấn đề Triều Tiên có nguy cơ sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh toàn diện và thực sự trở thành thảm họa cho an ninh khu vực và toàn cầu.
Chính quyền ông Trump tỏ ra đồng ý với hai lý do đầu tiên được nêu ra trên đây. Tuy nhiên, ở lý do thứ ba, Nhà Trắng có thể có cái nhìn trái ngược về mối đe dọa chiến tranh toàn diện, cũng như việc sử dụng sức mạnh quân sự để trấn áp Triều Tiên.
Mỹ và Triều Tiên đang căng thẳng sau những đối đầu trong thời gian gần đây. (Ảnh: Daily Star). |
Không còn kiên nhẫn chiến lược?
Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ năm vào tháng 9/2016 và từ đó Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành thêm một số vụ thử tên lửa. Triều Tiên tiến hành những cuộc thử nghiệm này nhằm báo hiệu sự không hài lòng với các cuộc tập trận chung hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời đó cũng là một phép thử với chính quyền mới của ông Trump và nhằm tăng cường công nghệ để phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Hàn Quốc. (Ảnh: Getty). |
Để đáp trả, Mỹ đã tăng cường gấp đôi sự hiện diện quân sự và những mối đe dọa với Bình Nhưỡng. Trong chuyến thăm Hàn Quốc gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định, “chính sách kiên nhẫn chiến lược với Bình Nhưỡng đã kết thúc” và Mỹ quyết định “đưa mọi phương án lên bàn cân” nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Donald Trump tuyên bố trên Twitter: “Triều Tiên đang tự tìm đến rắc rối”.
Trước đây, các nhà lãnh đạo Mỹ đã từng triển khai các loại máy bay chiến đấu tàng hình và máy bay ném bom tới bán đảo Triều Tiên như một tín hiệu khẳng định Triều Tiên sắp phải gánh chịu những hậu quả của sự khiêu khích liên tục. Tuy nhiên, ông Trump đã “mạnh tay” hơn khi triển khai một nhóm tàu sân bay tới khu vực, trong một động thái còn trên cả tuyên bố về ý định tấn công.
Trong bối cảnh Mỹ ném hàng chục quả tên lửa vào căn cứ không quân ở Syria để cảnh báo chính quyền Assad, Triều Tiên sẽ phải nghiêm túc xem xét về mối đe dọa này. Nguy cơ leo thang một cuộc chiến tranh toàn diện ngày càng gia tăng.
Tấn công chớp nhoáng và chính xác
Những cuộc không kích bất ngờ, diễn ra trong thời gian ngắn, nhắm chính xác mục tiêu, tương tự như cuộc tấn công của Mỹ tại Syria hôm 6/4, là kiểu tấn công mà Washington luôn ưa thích.
Hồi tháng 7/2016, hai cựu quan chức quốc phòng Ashton Carter và Willam Perry đã gợi ý rằng, Lầu Năm Góc có thể ngăn chặn những vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng và gửi thông điệp mạnh mẽ tới lãnh đạo Triều Tiên bằng những đợt tấn công tên lửa chớp nhoáng và chính xác như trên. Nhưng những đề nghị đó chưa bao giờ được thông qua do kế hoạch quá mạo hiểm, không thể chắc chắn rằng Triều Tiên sẽ không tìm cách trả đũa.
Mỹ đã tấn công chớp nhoáng nhằm vào căn cứ không quân tại Syria ngày 6/4 vừa qua. (Ảnh: AP). |
Ngoài ra, cái khó của Nhà Trắng còn nằm ở chiến thuật quân sự, nếu muốn thực hiện những cuộc tấn công kiểu đó. Để thành công, Mỹ cần phải chắc chắn rằng những địa điểm quan trọng nhất như các nhà kho chứa tên lửa hay những cơ sở hạ tầng hạt nhân phải bị phá hủy.
Trong giai đoạn đầu, chương trình hạt nhân của Triều Tiên tập trung vào các lò phản ứng và các cơ sở sản xuất tại Yongbyon. Bom và những nơi dự trữ nhiên liệu phân rã sau đó có thể đã được Bình Nhưỡng bí mật chôn sâu dưới lòng đất để tránh bị ảnh hưởng từ các cuộc không kích.
Nếu muốn tấn công theo kiểu chớp nhoáng, tốt nhất Mỹ nên thực hiện từ giai đoạn đầu của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Bởi nếu sau đó mới bắt đầu tấn công, nhiều khả năng các chất phóng xạ sẽ lan rộng và gây ô nhiễm cũng như ảnh hưởng tới người dân sống tại Triều Tiên cũng như những nước láng giềng.
Nguy cơ phóng xạ từ lâu đã được cho là một trong những lý do khiến các cuộc không kích nhằm vào Triều Tiên trở thành một lựa chọn thiếu tính khả thi. Tóm lại, Mỹ khó thực hiện được một cuộc tấn công chớp nhoáng với Triều Tiên như Lầu Năm Góc đã làm với Syria. Ông Trump hiểu rõ những nguy cơ và sẽ không làm điều đó.
Thận trọng bảo vệ đồng minh
Trong hai thập kỷ qua, Hàn Quốc không tiến hành trả đũa chống lại bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Triều Tiên, ngay cả khi Bình Nhưỡng nã pháo vào đảo Yeonpyeong và đánh chìm tàu hộ tống Cheonan của hải quân Hàn Quốc.
Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cực kỳ dễ bị tổn thương trước cuộc tấn công của Triều Tiên vì nó nằm rất gần với khu vực phi quân sự. Seoul hầu như không có khả năng đối phó với pháo binh và tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. Chính quyền Donald Trump liệu có sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Triều Tiên, đồng nghĩa với việc đưa sinh mệnh của hàng triệu người Hàn Quốc ở Seoul vào vòng nguy hiểm?
Câu trả lời là không. Sự leo thang đó là thảm họa cho khu vực. Quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn cũng từ đó mà tiêu tan. Thảm kịch nhân đạo và khủng hoảng tị nạn ở Syria sẽ lặp lại ở Đông Bắc Á. Chính quyền Donald Trump không hề muốn điều đó xảy ra.
Kịch bản trên cũng là ác mộng đối với Trung Quốc. Đó chính là lý do khiến Bắc Kinh tiếp tục thể hiện sự ủng hộ Bình Nhưỡng và luôn luôn phủ quyết bất kỳ đề nghị nào đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về hành động quân sự chống lại Triều Tiên.
Răn đe vẫn là lựa chọn số một
Mỹ sẽ kiềm chế tình hình, không để căng thẳng leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện. (Ảnh: Getty). |
Qua những phân tích trên có thể thấy, Washington không nên gây leo thang căng thẳng quá mức, biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện với Triều Tiên trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn sẽ phô diễn sức mạnh nhằm răn đe Bình Nhưỡng ở mức cân bằng.
Hơn nữa, cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên đối đầu với Mỹ hoặc các đồng minh trong khu vực cũng không có ý nghĩa gì với Bình Nhưỡng. Từ quan điểm đó, các chiến lược gia của Nhà Trắng nhận thấy, Washington cần kiềm chế Triều Tiên dựa trên cơ chế ngăn chặn chứ không phải gồng mình quá sức để gây ảnh hưởng tới ổn định của khu vực.
Danh Tuyên