CNN đã điểm lại những quyết định quân sự của TT Trump kể từ khi nhậm chức. Điều gây bất ngờ rằng, hầu như những quyết định này đều gây ra phản ứng trái chiều khá dữ dội...
"Hỏi trước, đánh sau" hay "Hỏi sau, đánh trước" ?
Tám mươi sáu ngày sau lễ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như chưa có mục tiêu rõ ràng, trong việc định hình chính sách đối ngoại Mỹ.
Từng tuyên bố trong lễ nhậm chức “chúng ta sẽ khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”, “sẽ chỉ có ưu tiên cao nhất là nước Mỹ, nước Mỹ là trên hết”.
Trong 2 tuần qua, Tổng thống Donald Trump đưa ra những quyết định quân sự cứng rắn, bất ngờ (Ảnh: Reuters). |
Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo Washington sẽ rút lui khỏi “sân khấu” thế giới để tập trung vào những mục tiêu lớn hơn, thúc đẩy nền kinh tế nước này phát triển toàn diện.
Vậy nên sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã ra quyết định cắt giảm ngân sách ngoại giao Hoa Kỳ, đó như một hành động minh chứng cho cam kết của ông.
Nhưng giới quan sát chưa kịp định hình những bước đi tiếp theo trong chính sách đối ngoại của lãnh đạo Nhà Trắng, thì chỉ trong vòng 2 tuần gần đây, ông Trump ra quyết định tấn công quân sự tại Syria và Afghanistan.
Đây thực sự là những yếu tố bất ngờ, đầy mạnh mẽ và là sự thay thay đổi rõ rệt so với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama vốn “hỏi trước, đánh sau”.
Hình ảnh vụ phóng tên lửa từ chiến hạm Mỹ ở Địa Trung Hải ngày 7/4 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ) |
“Vẫn còn quá sớm để khẳng định Tổng thống Trump đang đặt nền móng xây dựng một học thuyết chính trị mới của Mỹ. Nhưng ở thời điểm này, không thể phủ nhận, ông Trump đang cho thế giới thấy một nước Mỹ mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Động thái quân sự mới đây của Tổng thống Trump dường như ‘gần gũi’ hơn với chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ”, Barry Pavel, Phó Chủ tịch Hội đồng Đại Tây Dương nhận định.
Những quyết định bất ngờ
CNN điểm lại những quyết định quân sự của Tổng thống Trump kể từ khi chính thức bước vào Nhà Trắng. Theo đó, cuối tháng Một, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh thực hiện cuộc đột kích tiêu diệt một nhánh al Qaeda tại Yemen khiến 1 lính Mỹ thiệt mạng, 3 người bị thương và hơn 20 dân thường thương vong.
Ông Trump cũng đã gửi hàng trăm binh sĩ tới tham chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Tại châu Phi, Mỹ cũng tuyên bố sẽ tham gia mạnh hơn trong việc tiêu diệt nhóm khủng bố al Shabaab.
Quyết liệt nhất chính là việc dùng tên lửa hành trình Tomahawk đánh phá một căn cứ quân sự của Syria. Giới quan sát cho rằng, cuộc tấn công rạng sáng ngày 7/4 đã khiến cho Nga tức giận và so sánh nó với cuộc xâm lược Iraq năm 2003.
Tiếp đến, Mỹ đã sử dụng “bom mẹ”, vũ khí được coi là mạnh nhất trong các loại vũ khí phi hạt nhân của Mỹ xuống Afghanistan. Dù Tổng thống Trump đã từ chối nhận trách nhiệm về việc ra lệnh cho Lầu Năm Góc sử dụng loại bom này, song người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: “Điều tôi làm là trao thẩm quyền cho quân đội... Tôi đã trao cho họ toàn quyền, đó là lý do họ đã gặt hái được thành công trong thời gian gần đây”.
Tổng thống Trump còn tự hào nhấn mạnh đến thắng lợi của quân đội Mỹ: “Nếu các bạn nhìn vào những gì diễn ra trong 8 tuần qua, so với những gì diễn ra trong 8 năm qua, các bạn sẽ thấy có một sự khác biệt lớn”.
Theo Giáo sư Peter Mansoor của trường đại học bang Ohio, người đứng đầu Nhà Trắng đã thực hiện động thái cứng rắn để buộc các đối thủ của Mỹ cần “tính toán” lại cuộc chơi với quốc gia này. “Hàng loạt quyết định quân sự của Mỹ đã khiến Nga ‘giật mình’ và hơn nữa Trung Quốc và đồng minh Triều Tiên cũng ‘thất kinh’”, ông Mansoor nói.
Triều Tiên: Vẫn là bài toán khó giải quyết
Liên quan đến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, gần đây, giới quân sự lo lắng rằng, một cuộc chiến tranh Mỹ - Triều rất dễ xảy ra với tình hình hiện nay. Bình Nhưỡng đã tổ chức một lễ duyệt binh lớn nhất từ trước đến nay, phô diễn nhiều loại tên lửa “chưa từng được công bố”.
Không dừng lại ở đó, sáng ngày 16/4, bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận, Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng thử tên lửa nhưng thất bại, “tên lửa phát nổ ngay lập tức sau khi rời bệ phóng”. Đáng lưu ý, vụ thử tên lửa thất bại diễn ra chỉ vài giờ trước thềm chuyến viếng thăm Seoul, Hàn Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
Triều Tiên đã phóng tên lửa vào sáng sớm ngày 16/4 gần Sinpo, bờ biển phía Đông nước này nhưng kết quả thất bại. (Ảnh minh hoạ) |
Tổng thống Trump từng nhiều lần khẳng định, sẽ ngăn chặn tham vọng chế tạo tên lửa hạt nhân có khả năng bay đến Mỹ của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong đối sách với một đối thủ khó nắm bắt như Triều Tiên, dường như Nhà Trắng vẫn chưa có giải pháp cụ thể.
Quay ngoắt 180 độ trong quan hệ với các đồng minh
Theo CNN, mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khen ngợi NATO một cách nồng nhiệt, trái ngược hoàn toàn với những ngôn từ gay gắt mà ông dành cho liên minh quân sự này khi còn tranh cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo sau cuộc gặp ngày 12/4 (Ảnh: CNN) |
Trong cuộc họp báo với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12/4, ông Trump đã xác nhận cam kết của Mỹ với liên minh, khen ngợi 7 thập niên lịch sử của tổ chức này. “Ngài Stoltenberg và tôi đã có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về những điều NATO có thể làm hơn nữa trong chống khủng bố. Tôi đã từng phàn nàn về điều đó và họ đã thay đổi. Tôi từng nói nó lỗi thời, nhưng giờ NATO không còn lỗi thời nữa”, ông Trump nói.
Còn với các đồng minh châu Á, có vẻ như họ đang “hoang mang” tìm đối sách riêng trước các tuyên bố đẩy bất ngờ của tân Tổng thống Mỹ. Nhưng trước sự “khiêu khích” từ phía Triều Tiên, Mỹ lại “trấn an và tái khẳng định” cam kết bảo vệ an ninh châu Á.
Trong quan hệ với Nga, các động thái gần đây của Mỹ dường như đưa ra thông điệp rằng chính quyền Trump sẽ cứng rắn hơn với Nga trong tương lai. Đặc biệt cuộc tấn công tên lửa vào Syria rạng sáng ngày 7/4 có thể là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy, chính sách đối ngoại Donald Trump có mục tiêu được xác định rõ ràng, hành động có giới hạn.
Đưa ra một lời giải thích về những thay đổi trong cách tiếp cận của mình, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Tôi nghĩ mình là một con người linh hoạt. Tôi đi theo con đường của mình, tôi thay đổi linh hoạt và tôi tự hào về điều đó”, ông Trump tuyên bố trong cuộc hội đàm với Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz al-Saud của Saudi Arabia.
PHƯƠNG ANH