Trừng phạt kinh tế, can thiệp công nghệ, ngăn chặn chương trình hạt nhân?, hay tấn công quân sự...đâu là chiêu bài Mỹ dùng để "hạ gục" Triều Tiên.
Chỉ trong hai tuần trở lại đây, không chỉ đưa ra những lời cảnh báo, Mỹ còn tăng cường hiện diện quân sự gần Bình Nhưỡng. Giới quan sát đánh giá, đây là sự hiện diện lớn chưa từng có trong một năm trở lại đây của quân đội Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Cụm tàu sân bay chiến đấu USS Carl Vinson của Mỹ (Ảnh: US Navy). |
Nhưng Mỹ gần như không thu được hiệu quả khi Triều Tiên xác nhận đã “sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân”. Không những vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song-ryol ngày 17/4 còn tuyên bố, Triều Tiên sẽ tiến hành thêm các vụ thử tên lửa hàng tuần, hàng tháng và hàng năm. Nhà ngoại giao Triều Tiên cảnh báo, Bình nhưỡng “sẵn sàng chiến tranh” nếu Mỹ “đủ liều lĩnh để dùng tới sức mạnh quân sự".
Theo Reuters, dù có nhiều lựa chọn giải quyết vấn đề Triều Tiên, song với bất cứ giải pháp nào, Tổng thống Donald Trump đều sẽ gặp khó khăn để thực hiện nó.
Trừng phạt kinh tế
Theo Reuters, hiện nay, Triều Tiên là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề như hạn chế các hoạt động thương mại, tham gia vào hệ thống tài chính quốc tế, buôn bán vũ khí và nhiều mặt hàng khác.
Nhưng các nhà phân tích đều thừa nhận rằng: “Các lệnh trừng phạt đa phương hay đơn phương của Mỹ cũng như các quốc gia trên thế giới đều không ngăn được năng lực phát triển hạt nhân của Triều Tiên”, báo cáo nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho hay.
Trong tuần trước, nhiều nguồn tin tiết lộ, Tổng thống Trump dự kiến sẽ áp đặt những biện pháp cứng rắn mới, nhằm vào Bình Nhưỡng bao gồm cấm vận dầu khí, ngăn cản các hoạt động của hàng không Triều Tiên, cản trở hoạt động các tàu chở hàng và gây áp lực hơn nữa lên Bắc Kinh để nước này "cứng rắn" với Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy, Bình Nhưỡng ngày càng lạnh nhạt với chính phủ Bắc Kinh. Bloomberg ngày 17/4 dẫn một vài nguồn tin ngoại giao cho hay, đặc phái viên của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ông Wu Dawei là một trong những người đề nghị được đối thoại với chính quyền Triều Tiên, nhưng không nhận được hồi đáp.
Theo nguồn tin ngoại giao, bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã 2 lần thông báo họ không có bất kì thông tin gì về cuộc gặp giữa ông Wu với các quan chức Triều Tiên. Phải chăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc lên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không còn được như xưa?
Mặc khác, chính Bắc Kinh cũng lo sợ, nếu kinh tế Triều Tiên sụp đổ sẽ kéo theo làn sóng người tị nạn từ Triều Tiên tràn sang nước này. Và trên tất cả, Bắc Kinh là một trong những quốc gia đầu tiên phải gánh chịu hậu quả nếu một cuộc xung đột quân sự nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Can thiệp công nghệ, ngăn chặn chương trình hạt nhân?
Với sự giúp đỡ của “quốc gia công nghệ” Israel, Mỹ từng thành công trong việc đối phó với chương trình hạt nhân của Iran bằng các hoạt động tấn công mạng. Mỹ can thiệp vào hoạt động phát triển hạt nhân của Iran bằng một loại virus máy tính có tên gọi Stuxnet, giúp phá hủy hàng nghìn máy ly tâm, hệ thống máy được Iran sử dụng trong quá trình làm giàu uranium.
Phải chăng Mỹ đã sử dụng tấn công mạng, can thiệp thành công trong việc vô hiệu hóa các tên lửa Triều Tiên trong và ngay sau khi chúng chuẩn bị rời bệ phóng? |
Tuy nhiên, Mỹ đã không thành công khi áp dụng công nghệ trên với Triều Tiên. Washington đã từng cố gắng thực hiện “giải pháp” công nghệ trên trong khoảng thời gian từ năm 2009-2010, nhưng đều nhận thất bại.
Theo Reuters, một cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ từng tiết lộ lý do khiến Washington thất bại trong việc cản trở chương trình hạt nhân của Triều Tiên là bởi sự tách biệt hoàn toàn của hệ thống thông tin Triều Tiên với bên ngoài. Đây chính là mấu chốt khiến các chuyên gia công nghệ Mỹ không thể tiếp cận bộ máy hoạt động, xử lý hạt nhân của Triều Tiên.
Gần đây, một số nguồn tin cho rằng, Mỹ đã thành công trong việc sử dụng công nghệ nhằm vô hiệu hóa các tên lửa Triều Tiên trong và ngay sau khi chúng chuẩn bị rời bệ phóng. Và thực tế cho thấy, tần suất các vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên trong thời gian gần đây càng chứng minh điều đó.
Nối lại đàm phán 6 bên để giải quyết
Mặc dù Tổng thống Trump từng tuyên bố, sẽ sẵn sàng giải quyết vấn đề hạt nhân, thậm chí cùng ăn hamburger với lãnh đạo Triều Tiên, song nhiều quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng, ông chủ Nhà Trắng hiện vẫn chưa cho thấy có ý định tham gia vào các cuộc đàm phán với Triều Tiên về các chương trình phát triển hạt nhân của nước này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một vụ phóng thử tên lửa (Ảnh: KCNA) |
Năm 2012, Mỹ và Triều Tiên từng thông báo về thỏa thuận chung giữa hai nước về vấn đề hạt nhân. Theo đó, Triều Tiên sẽ dừng mọi hoạt động của nhà máy Yongbyon, nhà máy làm giàu uranium, cho phép các cơ quan điều tra quốc tế tới xác minh việc tạm dừng này và đồng ý tạm dừng các vụ thử tên lửa tầm xa cũng như hạt nhân. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ nhận được các gói viện trợ lương thực từ Mỹ.
Nhưng tới tháng Tư năm đó, Triều Tiên bị cáo buộc rằng đã cố gắng phóng một vệ tinh lên quỹ đạo, Mỹ đã “tố” Bình Nhưỡng vi phạm thỏa thuận giữa hai nước. Trong khi nước này phủ nhận việc vi phạm thỏa thuận, tuy nhiên việc này đã khiến các đàm phán ngoại giao bị đóng băng kể từ đó đến nay.
Hiện tại, giới quan sát cũng nhận thấy, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên sẽ được nối lại trong thời gian tới.
Tấn công quân sự
Các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết, Mỹ đang cân nhắc một số “biện pháp quân sự để đối phó với Triều Tiên” nhằm đáp trả, kiềm chế các chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ đều mang lại hậu quả nghiêm trọng cho các nước đồng minh Mỹ ở Đông Bắc Á, tiêu biểu là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hình ảnh một vụ thử tên lửa của Triều Tiên do hãng thông tấn KCNA công bố (Ảnh: Getty Images). |
“Hiện có khoảng 20 triệu dân Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của đạn pháo Triều Tiên. Biện pháp quân sự là không khả thi, nó có thể dẫn đến những hậu quả ngoài tầm kiểm soát của chúng ta”, cựu Đại sứ Mỹ Chris Hill cảnh báo.
Đồng quan điểm, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump ông H.R. McMaster cũng cho rằng, biện pháp quân sự nên là phương sách cuối cùng của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên sẽ phản ứng ra sao nếu Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào nước này. Tuy nhiên, quan chức Bình Nhưỡng đã đe dọa sẽ “đáp trả mạnh mẽ” nếu Mỹ tiến hành các “hành động quân sự khiêu khích” nhằm vào Triều Tiên.
Phương Anh