(ĐSPL) - Tổng thống Obama kết thúc chuyến công du Châu Á với việc ký kết một thỏa thuận quốc phòng quan trọng cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ Philippines.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Philippines, chặng dừng cuối cùng của chuyến công du Châu Á. |
Ký “Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng” Mỹ-Philippines
Vài giờ trước khi Tổng thống Obama đặt chân tới Manila, đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazman đã ký “Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng” có thời hạn 10 năm, cho phép Mỹ hiện diện quân sự lớn hơn ở quốc đảo này. Thỏa thuận này được đàm phán từ mùa hè năm 2013, có hiệu lực trong vòng 10 năm và bổ sung cho Hiệp ước phòng thủ chung mà hai nước đã ký từ năm 1951.
Một nguồn tin quân sự Philippines nói với Reuters rằng binh lính, tàu chiến, máy bay Mỹ có thể hiện diện tối đa 2 tuần, thời gian để quân đội hai nước tiến hành các cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Mỹ dự tính trong thời gian tới sẽ từng bước đưa tàu chiến, một phi đội chiến đấu cơ F-18 hoặc F-16 cũng như các máy bay tuần tra biển tới Philippines.
Thỏa thuận cũng cho phép quân đội Mỹ lưu giữ tại Philippines các thiết bị, để phục vụ cho việc triển khai nhanh khi cần, nhất là trong trường hợp xảy ra thiên tai. Tuy nhiên, thỏa thuận không cho phép Mỹ đưa vũ khí hạt nhân vào Philippines hoặc thiết lập các căn cứ quân sự thường trực.
Theo VOA, thỏa thuận này thiết lập khuôn khổ cho việc luân phiên bố trí binh sĩ Mỹ và các thiết bị như tàu chiến và máy bay chiến đấu tại các căn cứ quân sự Philippines. “Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng” cho phép các lực lượng Mỹ huấn luyện và tiến hành các cuộc tập trận với quân đội Philippines.
Tổng thống Obama nói mục đích của thỏa thuận là giúp huấn huyện và tăng cường hợp tác không chỉ về an ninh mà còn chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các thiên tai. Tại một cuộc họp báo với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Tổng thống Obama tuyên bố: “Tôi muốn khẳng định rõ ràng rằng Mỹ không tìm cách lấy lại các căn cứ cũ hay xây dựng các căn cứ mới. Theo lời mời của Philippines, các quân nhân Mỹ sẽ luân phiên tới các cơ sở của nước này”.
Tổng thống Aquino tuyên bố Trung Quốc không nên quan ngại vì sự hiện diện gia tăng của Mỹ trong khu vực và nói rằng Philippines không gây ra bất kỳ đe dọa nào cho các nước khác trong khu vực.
Các giới chức Mỹ cũng nói “Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng” này không có ý định kiềm chế Trung Quốc mà nhằm mục đích trang bị cho đồng minh Philippines để đối phó với nhiều mối đe dọa.
Khẳng định chính sách “xoay trục” sang Châu Á
Một trong những mục tiêu chính của chuyến công du Châu Á của Tổng thống Obama là khẳng định quyết tâm của Washington đứng bên cạnh các đồng minh trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và có thái độ hung hăng trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời giáo sư Hugh White - chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra – cho rằng việc ký kết hiệp định quốc phòng mới với Philippines “rất phù hợp với cam kết của Obama tăng cường sự hiện diện chiến lược của Mỹ tại Châu Á, để đối phó với cường quốc Trung Quốc đang trỗi dậy”.
Mặc dù đang phải bận tâm với nhiều vấn đề như cuộc khủng hoảng Ukraina, chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan, tìm cách thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng Tổng thống Obama cho biết Mỹ sẽ không giảm cam kết tại Châu Á.
Năm ngoái, Hải quân Mỹ đã thực hiện 149 cuộc thăm viếng Philipines, thay vì 68 chuyến trong năm 2012. Với hiệp định vừa ký, các cuộc thăm viếng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Thỏa thuận này sẽ càng khiến cho Bắc Kinh nghĩ rằng chính sách “xoay trục” của Mỹ sang Châu Á-Thái Bình Dương là nhằm kiềm tỏa Trung Quốc.
Tác động đến tranh chấp Biển Đông
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ lên án “Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng” Mỹ-Philippines vì Bắc Kinh luôn phản đối sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Trong khi đó, theo báo Washington Post, thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới giữa Mỹ và Philippines sẽ phần nào trấn an các nước đang tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc, gay gắt nhất là giữa Manila với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario gọi đây là “cột mốc trong lịch sử chung giữa hai nước với tư cách là đồng minh có hiệp ước bền vững”.
Trước khi đến Manila, Tổng thống Obama đã nói với kênh truyền hình ABS-CBN của Philippines rằng tranh chấp chủ quyền ở khu vực nên được giải quyết thông qua đối thoại. Tổng thống Obama phát biểu: “Tôi đã nói rất rõ và nhất quán rằng Mỹ và Trung Quốc cần phải hỗ trợ các nỗ lực của các bên tranh chấp nhằm kiểm soát và giải quyết các vấn đề lãnh hải và lãnh thổ một cách hòa bình bằng con đường đối thoại chứ không phải bắt nạt, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-philippines-tang-cuong-lien-minh-quan-su-a31090.html