“Ba Lan sẽ nhận được 96 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache từ nhà sản xuất Boeing”, Bộ Ngoại giao cho biết trong một thông báo gửi Quốc hội về việc bật đèn xanh cho thương vụ này.
Từ năm 2022, Ba Lan đã quyết định tìm kiếm Apache để thay thế phi đội trực thăng cũ kỹ thời Liên Xô, do lo ngại về các hành động quân sự của Nga ở nước láng giềng Ukraine.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thương vụ "sẽ cải thiện khả năng của Ba Lan trong việc đối phó với các mối đe dọa ở hiện tại và tương lai, bằng cách cung cấp một lực lượng đáng tin cậy có khả năng ngăn chặn mọi kẻ thù và tham gia vào các hoạt động của NATO".
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak xác nhận thương vụ nói trên. Nếu thành công, điều này sẽ đưa quân đội Ba Lan trở thành lực lượng sở hữu phi đội Apache lớn thứ 2 thế giới.
Ba Lan là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Lầu Năm Góc đã gửi thông báo cho Quốc hội Mỹ về thoả thuận bán lô trực thăng cho Ba Lan. Theo quy định, Quốc hội Mỹ sẽ có 30 ngày để xem xét, phê chuẩn hợp đồng.
AH-64E Apache Guardian là phiên bản mới nhất của dòng trực thăng tấn công nổi tiếng Apache. Nhờ công nghệ MUM-T, trực thăng AH-64E Guardian có khả năng bám đuổi và tấn công các mục tiêu tốc độ cao ở khoảng cách xa bằng các cảm biến của UAV.
Sự khác biệt giữa AH-64E Guardian so với các phiên bản máy bay AH-64 Apache trước đó là việc sử dụng cánh quạt chính làm bằng vật liệu composite cho phép giảm thiểu tiếng ồn phát ra. Bên cạnh đó, AH-64E Guardian còn được trang bị động cơ mới mạnh hơn và các trang thiết bị điện tử hàng không tiên tiến nhất.
AH-64E Guardia đạt tốc độ tối đa lên tới 300km/h khi bay thấp, tầm hoạt động vào khoảng 2.000km. Loại phương tiện này chính là mối hiểm họa đối với bộ binh và các phương tiện cơ giới của đối phương trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm.
Trang bị vũ khí chính của trực thăng AH-64E Guardian là một súng đại bác bắn nhanh 30mm điều khiển tích hợp qua mũ phi công và rocket Hydra 70. Tùy vào nhiệm vụ, máy bay có thể trang bị thêm tên lửa Hellfire, Stinger hay Sidewinder.
Tính đến nay, trên 2.100 chiếc AH-64 Apache các đời khác nhau đang có mặt trong biên chế quân đội các nước: Mỹ, Ai Cập, Hy Lạp, Indonesia, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Saudi Arabia, Singapore, UAE và Anh...
Năm 2022, Ba Lan từng mua thêm 250 chiếc Abrams thuộc biến thể M1A2, dự kiến sẽ được giao vào cuối năm 2024. Đây sẽ là quốc gia đầu tiên ngoài Mỹ sở hữu xe tăng này.
Tháng 1/2023, Ba Lan đã công bố kế hoạch chi 4% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng trong năm nay - cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của NATO.
Tháng 6 vừa qua, quốc gia này đã nhận được những chiếc xe tăng Abrams đầu tiên như một phần của thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD về việc mua các phương tiện chiến đấu trước đây được Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng.
Chiến sự tại Ukraine đã củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và Ba Lan, nơi chính phủ bảo thủ trước đó từng đối đầu với chính quyền của Tổng thống Joe Biden về các vấn đề bao gồm quyền LGBTQ và tự do báo chí.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ gọi Ba Lan là "một lực lượng cho sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở châu Âu".
Mộc Miên (Theo France24)