Trong thời điểm Bình Nhưỡng đang cố gắng nối lại một phần không phận của mình cho các chuyến bay ra nước ngoài, Mỹ lại nỗ lực ngăn chặn kế hoạch đó của họ
Mỹ không muốn Triều Tiên có đường bay quốc tế khi chưa đưa ra các cam kết theo ý họ - Ảnh : Reuters. |
Ngày 18/2, hãng thông tấn Reuters của Anh dẫn lời của ba nguồn tin thân thuộc với sự việc cho biết động thái của Mỹ là một chiến thuật đàm phán nhằm duy trì sức ép với Triều Tiên trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27-28/2 sắp tới.
Washington đang tìm kiếm những cam kết rõ ràng từ Bình Nhưỡng tại hội nghị lần 2 để từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên Hợp quốc (ICAO) đang phối hợp với Bình Nhưỡng để mở một tuyến đường bay mới, kết nối không phận Triều Tiên và Hàn Quốc. Hiện các hãng hàng không đều bay gián tiếp, tránh không phận Triều Tiên do lo ngại mối đe dọa được báo trước từ các vụ phóng tên lửa của nước này, vốn từng được tận mắt chứng kiến bởi một số hành khách trên các chuyến bay dân dụng.
Nếu vùng không phận này được đánh giá an toàn, các hãng hàng không quốc tế có thể tiết kiệm chi phí và thời gian di chuyển trên một số tuyến giữa châu Á và châu Âu, Bắc Mỹ. Mặt khác, Triều Tiên cũng có thể bắt đầu khôi phục lại ngành hàng không thương mại quốc gia.
Theo thông tin Reuters nắm được, ICAO - trụ sở tại Montreal (Canada) - đã lên kế hoạch chuẩn bị để giúp cải thiện hệ thống hàng không của Triều Tiên bằng cách tổ chức các cuộc đào tạo nhân viên hàng không quân sự và dân sự. Bình Nhưỡng cũng đã đề nghị được truy cập vào các biểu đồ hàng không do Mỹ sản xuất.
Tuy nhiên, Mỹ đã ngăn cản cơ quan trên giúp Triều Tiên khôi phục đường bay vì Washington muốn muốn “tịch thu lại tất cả những điều thuận lợi khích lệ” cho đến khi Bình Nhưỡng đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình phi hạt nhân hóa của mình.
“Họ sẽ siết chặt tất cả các thuận lợi có sẵn và đảm bảo không còn kẽ hở nào, cho đến khi Triều Tiên thực thi các hành động thích đáng,” các nguồn tin này cho biết.
Giới chức Bộ ngoại giao Mỹ và người phát ngôn của ICAO hiện vẫn chưa có bình luận gì về vấn đề trên, cũng như chưa có sự phản ứng nào từ phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, cũng như của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
Vào năm 2017, Mỹ đã từng gửi đề xuất lên Liên Hợp Quốc về việc đóng băng tài sản của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo, như một phần trong lệnh trừng phạt mới với chính quyền Bình Nhưỡng, song biện pháp này đã bị bãi bỏ trong cuộc đàm phán giữa 15 nước thành viên của Liên Hợp Quốc.
Theo thống kê mới được công bố trong tháng 1 vừa qua của Trung tâm Hàng không CAPA, các hãng hàng không bao gồm Air Koryo và Air China Ltd mới chỉ phục vụ dưới 200,000 chỗ ngồi/năm tại thị trường Triều Tiên. Số lượng này thấp hơn rất nhiều so với 13 triệu chỗ ngồi/năm tại thị trường Hàn Quốc.
Cũng theo CAPA, những bên được hưởng lợi nhiều nhất nếu việc hạn chế đường bay tại Triều Tiên được gỡ bỏ sẽ là những máy bay chở khách của các hãng hàng không Korean Airlines và Asiana Airlines Inc.
Minh Minh (T/h)