(ĐSPL) - Những cuộc không kích vào các vị trí quân sự của "Nhà nước Hồi giáo" trên lãnh thổ Iraq và Syria… là chưa đủ đối với giới quân sự Mỹ.
Lầu Năm Góc đòi phải tiến hành các chiến dịch trên mặt đất. Một số quốc gia đã tuyên bố sẵn sàng ủng hộ sáng kiến của Washington. Trong khi đó, nhiều nước khẳng định rằng nếu không có sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì các hành động quân sự của phương Tây trong khu vực có thể khởi đầu cho Chiến tranh thế giới thứ III.
|
Tướng Mỹ Martin Dempsey: "Để đòn không kích chống chiến binh IS thành công, cần phải tiến hành các hoạt động mặt đất trên lãnh thổ Iraq và Syria". |
Theo đài Tiếng nói nước Nga, kể từ khi Mỹ bắt đầu không kích các vị trí của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Syria mà không có sự ủy thác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Damascus, Washington ngày càng đi xa hơn nữa. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, tuyên bố: "Để đòn không kích chống chiến binh IS thành công, cần phải tiến hành các hoạt động mặt đất trên lãnh thổ Iraq và Syria". Và mặc dù Lầu Năm Góc vẫn chưa được đưa ra yêu cầu chính thức về hoạt động mặt đất, người Mỹ cũng cho rằng điều đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Kết quả cuộc thăm dò dư luận được thực hiện bởi đài truyền hình Mỹ NBC và báo The Wall Street Journal cho thấy 72\% dân số Mỹ nghi ngờ việc Tổng thống Barack Obama sẽ giữ lời hứa không đem lục quân chống chiến binh IS.
Vương quốc Anh bày tỏ thông cảm với quan điểm của Lầu Năm Góc. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí sẽ cho một lực lượng quân đội của mình tham gia hoạt động mặt đất chống IS ở Iraq và Syria. Damascus cũng sẽ không phản đối chiến dịch của liên minh quốc tế chống chiến binh IS. Chỉ có điều là mục tiêu, thời gian và phương tiện hoạt động quân sự ở Iraq và Syria cần được thoả thuận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhưng đó chính là điều kiện mà Washington lại bỏ qua. Điều này cho thấy rằng song song với cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ dự định thực hiện dự án lâu dài nhằm lật đổ chế độ Bashar al-Assad.
Chủ tịch Viện Trung Đông Evgeny Satanovski cho biết: “Mỹ không từ bỏ ý tưởng lật đổ Tổng thống Assad và thay đổi chính quyền ở Syria. Vấn đề là không thể tách biệt hoạt động mặt đất chống chiến binh Hồi giáo và đòn tấn công giáng vào lực lượng Assad. Không ai có thể nói được lệnh tấn công nào là do tổng thống Mỹ đưa ra”.
Nhưng nếu song song với các hoạt động chống khủng bố, Washington cố tìm cách thay đổi chế độ Syria, phương Tây và Mỹ sẽ phải đối mặt với những khó khăn rất lớn.
Chuyên gia Đông phương học thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và phân tích Sergey Demidenko nói: “Nếu Washington lật đổ Bashar al-Assad, thì các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan sẽ xuất hiện nhiều gấp 3-4 lần. Bởi vì Bashar al-Assad là một trong những lực lượng lớn trong khu vực cản trở sự lây lan của Hồi giáo cực đoan. Chế độ Bashar al-Assad, Iran, người Shiite ở Iraq, người Kurd… là những lực lượng đang chiến đấu chống ‘Nhà nước Hồi giáo’ tích cực nhất. Về mặt dân tộc thiểu số, Syria thậm chí còn tồi tệ hơn Iraq. Và nếu Washington lật đổ Bashar al-Assad, sẽ bắt đầu một mớ hỗn độn mà Israel sẽ không bao giờ tha thứ cho Mỹ”.
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng nếu thay đổi chính phủ tại Syria bằng bạo lực, cuộc xung đột Trung Đông sẽ biến thành một cuộc chiến tranh thế giới. Sau đó, tất cả các nước trong khu vực và những nước đang ở xa cũng sẽ lãnh đủ hậu quả.
Chủ tịch Viện Trung Đông Yevgeny Satanovski cảnh báo: “Chiến tranh thế giới thứ ba sẽ là cuộc chiến tranh của các nền văn minh. Cuộc chiến của phe Hồi giáo cực đoan chống lại tất cả các nhóm Hồi giáo khác ở Trung Đông, đồng thời chống tất cả những gì không thuộc về thế giới Hồi giáo - bất kể đó là Ấn Độ, Trung Quốc, Nga hoặc Kitô giáo ở châu Phi. Các cuộc tấn công khủng bố sẽ được nhân rộng. Trong bối cảnh đó, Syria là pháo đài cuối cùng. Chính phủ Syria đã thu hút vào đất nước này một lực lượng khủng bố khổng lồ. Trong trường hợp ngược lại, khủng bố sẽ xảy ra tại các khu vực khác”.
Washington vẫn chưa chính thức công bố kế hoạch khởi động giai đoạn cơ bản của chiến dịch mặt đất chống chiến binh IS. Nhưng mấy hôm trước, Tổng thống Obama đã thừa nhận rằng mối đe dọa của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" đã bị đánh giá thấp và khả năng quân đội Iraq đối đầu với các chiến binh được đánh giá quá cao. Vì vậy, các hoạt động ở Iraq và Syria sẽ không chỉ kéo dài trong một vài tháng như tuyên bố ban đầu và ít nhất cũng phải mất 3 năm.
Nhật báo Pháp Libération ghi nhận rằng Mỹ đã tập hợp được một liên minh chống IS, nhưng liên minh này lại biến thành đối tượng trả thù của mọi tổ chức khủng bố tự khoác áo thánh chiến. Bị liên quân quốc tế oanh kích gây rối loạn hàng ngũ, các nhóm liên kết với al-Qaeda và tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” bắt tay nhau để đối phó.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chiến thắng các tổ chức thánh chiến?
Theo nhà phân tích Dominique Morsi của báo Les Echos thì cuộc chiến này chỉ thành công khi nào khối Arập Hồi giáo đoàn kết chống những kẻ dã man và phương Tây tạo lập được một liên minh thật sự với các quốc gia theo đạo Hồi trong khu vực. Để tiêu diệt được “Nhà nước Hồi giáo” đang kiểm soát một phần Iraq và Syria, cần phải có Iran tham chiến.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-mo-rong-cuoc-chien-chong-is-o-syria-a52981.html