Ngày 10/11 (giờ địa phương), bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ không còn coi Nga là một quốc gia có nền kinh tế thị trường, hủy bỏ quy chế đã cấp cho Nga cách đây hai thập niên nhằm hạn chế việc tính thuế chống phá giá với các hàng hóa của Nga, Reuters đưa tin.
Bộ Thương mại cho biết phân tích của họ cho thấy sự can thiệp lâu dài của chính phủ vào nền kinh tế Nga đã dẫn đến giá cả và chi phí bị bóp méo.
"Quyết định này mang đến cho Mỹ khả năng áp dụng toàn bộ luật chống bán phá giá để giải quyết những biến dạng thị trường gây ra bởi sự can thiệp ngày càng tăng từ chính phủ Nga vào nền kinh tế của họ", tuyên bố của bộ Thương mại Mỹ có đoạn.
Washington đã công nhận quy chế kinh tế thị trường vào năm 2002 cho Nga, một bước quan trọng giúp cho Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2012.
Bán phá giá là tình trạng một nhà sản xuất nước ngoài bán hàng hóa tại Mỹ với mức giá thấp hơn khi các sản phẩm ấy bán ở nước sản xuất, hoặc giá sản phẩm thấp hơn chi phí sản xuất.
Việc xác định quy chế kinh tế thị trường được thực hiện dựa trên đánh giá đối với các tiêu chí như khả năng chuyển đổi tiền tệ, các biện pháp kiểm soát của chính phủ áp đặt lên sản xuất và môi trường đầu tư nước ngoài.
Năm 2021, phòng Thương mại Mỹ tại Nga cho biết Moscow sẽ có thể thách thức bất kỳ quyết định nào của Mỹ nhằm tước bỏ quy chế kinh tế thị trường của Nga tại WTO. Tuy nhiên, quan hệ của Moscow với phương Tây đã bị ảnh hưởng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Mỹ cùng với các nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhằm cắt đứt kinh tế với Nga sau khi lực lượng Moscow tiến vào Ukraine hồi tháng 2.
Bích Thảo (Theo Reuters)