Tính tới ngày 10/5, khoảng 112,6 triệu người, tương đương 34% dân số Mỹ, đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Nhiều bang đang phải nghĩ ra những cách mới và sáng tạo để tiêm chủng cho những người khó tiếp cận hay chần chừ tiêm vaccine.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy cứ 4 người Mỹ được hỏi thì có 1 người từ chối tiêm vaccine. Lý do là họ muốn chờ xem liệu vaccine có thực sự hiệu quả, hay các tác dụng phụ của vaccine có đáng lo ngại không.
Hiện một số bang đã yêu cầu cắt giảm, thậm chí ngừng nhận thêm vaccine. Bắc Carolina yêu cầu giảm 40%. Connecticut chỉ yêu cầu giao 26% phần của mình và Nam Carolina chỉ yêu cầu 21%.
Theo tính toán, cần tới 70-85% dân số Mỹ tiêm vaccine mới tạo được kháng thể cộng đồng. Việc tiêm chủng vaccine ở tỷ lệ 50-60% tổng dân số, hai nước Anh và Israel đã làm được.
Một số quan chức y tế công cộng lo ngại rằng nhu cầu tiêm vaccine giảm có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài như số ca tử vong và nhập viện không giảm.
Thực tế cho thấy, những người đã được tiêm chủng có nguy cơ rất thấp mắc COVID-19, thậm chí ngay cả khi bị nhiễm virus thì tình trạng bệnh cũng nhẹ hơn nhiều và ít có nguy cơ truyền virus cho người khác. Tuy nhiên, khi chỉ một phần dân số được tiêm chủng thì mối đe dọa cộng đồng vẫn còn hiện hữu.
Việc phát triển thành công một số loại vaccine hiệu quả ngừa COVID-19 trong vòng chưa đầy một năm thực sự là kỳ tích của nhân loại. Song cũng từ đó mà tranh đối lập giữa nước giàu và nước nghèo được khắc họa rõ nét hơn.
Trong khi Mỹ phải ứng phó với cuộc khủng hoảng thừa vaccine và thậm chí là kén chọn vaccine thì rất nhiều quốc gia khác từ châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh… vẫn đang vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận với vaccine.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ đưa ra tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, tạo điều kiện chia sẻ công thức giúp những nước nghèo có thể tiếp cận các nguồn vaccine an toàn.
Tiến sĩ Antony Fauci, Cố vấn Y tế trưởng của Tổng thống Biden, cho rằng việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không phải là cách tốt nhất để thực sự cải thiện khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19. Thay vào đó, các công ty phương Tây nên được khuyến khích tăng cường sản xuất và xuất khẩu số liều vaccine dư thừa, các nước cũng nên tặng số vaccine dư thừa cho những nước đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vaccine.
Những người có quan điểm cứng rắn bày tỏ lo ngại rằng việc loại bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 sẽ vô tình giúp hai “đối thủ” là Trung Quốc và Nga vượt lên, đồng thời làm xói mòn lợi thế của Mỹ trong nghiên cứu, phát triển các loại vaccine mới.
Washington đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc điều phối vaccine, với số lượng thừa dự kiến lên tới hàng trăm triệu liều.
Tháng 4, ông Biden cam kết sẽ phân phối 60 triệu liều AstraZeneca cho Ấn Độ, quốc gia đang chìm trong khủng hoảng COVID-19. Trước đó, Nhà Trắng cho biết họ đã cho nước láng giềng Mexico và Canada vay 4 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Mộc Miên (Theo New York Times)