Theo số liệu, hơn 47 triệu con gia cầm đã chết do nhiễm virus cúm gia câm và bị tiêu hủy. Điều này đã thúc đẩy các lệnh cấm xuất khẩu, giảm sản lượng trứng và gà tây, đồng thời góp phần làm tăng giá kỷ lục của các mặt hàng chủ lực trước kỳ nghỉ lễ của Mỹ. Đợt bùng phát này đã làm trầm trọng thêm "nỗi đau" kinh tế khi người tiêu dùng đang phải vật lộn với lạm phát tăng cao.
Trước đó, vào năm 2015, trong đợt bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất, 50,5 triệu con gia cầm tại Mỹ đã chết.
Bà Rosemary Sifford, giám đốc thú y của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết nông dân đang chống lại một biến chủng phụ của virus H5N1 tồn tại qua mùa hè, khi nhiệt độ tăng thường làm giảm dịch cúm gia cầm.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, bà cho biết biến thể phụ tương tự đang lan rộng ở châu Âu. Châu Âu hiện cũng đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng cúm gia cầm tồi tệ nhất, với gần 50 triệu con gia cầm bị tiêu hủy.
Các quan chức cũng đã tìm thấy biến thể virus này ở một loạt các loài gia cầm khác, chẳng hạn như vịt, so với trước đây và virus dường như sống lâu hơn trong các loài gia cầm này. Bà nói thêm mối đe dọa về các bệnh nhiễm trùng có thể tồn tại cho đến mùa hè năm 2023 khi chúng di cư.
Bà Sifford nói: "Loại virus này có thể xuất hiện trong các loài chim hoang dã trong tương lai gần".
Đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trong năm nay đã lan ra 42 bang kể từ tháng 2, gấp đôi so với năm 2015. Các ca lây nhiễm đã chậm lại trong mùa hè này nhưng không dừng lại như năm 2015.
Minh Hạnh(Theo Reuters)