Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington hiện đang sở hữu 1.419 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng triển khai, giảm so với 1.515 đầu đạn vào tháng 3/2022 và nằm trong giới hạn 1.550 do Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) đặt ra.
Số đầu đạn này được gắn trên 662 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các hệ thống phóng khác, giảm so với 686 hệ thống một năm trước đó và nằm trong giới hạn 700 của New START.
Ngoài ra, Mỹ tuyên bố đang duy trì tổng cộng 800 hệ thống phóng, cả sẵn sàng chiến đấu và dự bị, giống như một năm trước và cũng là mức tối đa được hiệp ước New START cho phép.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay việc công khai dữ liệu hạt nhân này là tự nguyện và kêu gọi Nga có hành động tương tự.
"Mỹ tiếp tục coi sự minh bạch giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là điều quan trọng để giảm khả năng nhận thức, tính toán sai lầm và các cuộc cạnh tranh vũ khí tốn kém. Mỹ kêu gọi Nga tuân thủ các nghĩa vụ ràng buộc pháp lý của mình bằng cách quay trở lại thực hiện đầy đủ hiệp ước New START và tất cả các biện pháp xác minh trong đó", Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Trước đó, hồi năm 2022, Nga cho biết nước này sở hữu 1.474 đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng triển khai và 526 hệ thống triển khai đầu đạn hạt nhân.
Theo giới chuyên gia, việc công bố dữ liệu đầu đạn hạt nhân đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ, khi hồi tháng 3 vừa qua, Washington tuyên bố sẽ không chia sẻ thông tin theo New START nhằm đáp trả việc Nga đình chỉ tham gia hiệp ước này.
Hôm 28/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua luật đình chỉ tham gia New START, thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moscow và Washington, sau khi được Hạ viện và Thượng viện phê duyệt. Nga khẳng định sẽ không tham gia New START tới khi nào Mỹ lắng nghe lập trường của Moscow.
New START được ký tại Cộng hòa Czech năm 2010 dưới thời tổng thống Nga Dmitry Medvedev và tổng thống Mỹ Barack Obama. Hiệp ước có hiệu lực 10 năm, bắt đầu từ 2011, và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, cũng như số tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để mang chúng.
New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới, sau khi Mỹ hồi năm 2018 quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF) ký với Nga.
Nga rút khỏi New START với cáo buộc Mỹ và phương Tây vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, nhưng cam kết vẫn duy trì các nghĩa vụ được quy định trong hiệp ước. Moscow chưa bình luận về lời kêu gọi minh bạch thông tin hạt nhân của Washington.
Mộc Miên(Theo Aljazeera)