(ĐSPL) - Choáng váng trước sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Obama đã phản ứng mạnh. Nhưng nước Mỹ có thể làm gì ngoài những lời đe dọa?
Hiện chưa rõ ai, Tổng thống Mỹ Barack Obama hay Tổng thống Nga Vladimir Putin, là người đầu tiên nhấc điện thoại lên. Nhưng có một điều chắc chắn, đây là một cuộc điện đàm bất thường kéo dài tới 90 phút. Khốn nỗi, mấu chốt của thông điệp mà Tổng thống Obama gửi tới Tổng thống Putin chỉ là Mỹ cực lực lên án sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine.
|
Tổng thống Obama gọi điện cho Tổng thống Putin cực lực lên án sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine. |
Trong cuộc điện đàm ngày 1/3, Tổng thống Obama đã yêu cầu Tổng thống Putin rút hết binh sĩ của Nga khỏi Crimea, hoặc sẽ phải đối mặt với sự "cô lập về chính trị và kinh tế". Một thời gian ngắn sau cuộc điện đàm này, Nhà Trắng đã tiến một bước đầu tiên theo hướng đó, khi tuyên bố hủy bỏ quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Sochi dự kiến tổ chức vào tháng 6/2014.
Thủ tướng Stephen Harper tạm thời triệu hồi đại sứ Canada tại Moscow về nước để tham vấn. Hôm 2/3, các thành viên còn lại của Nhóm G-7 cũng thông báo bị hủy bỏ công việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Sochi, Liên bang Nga.
Tìm kiếm một giải pháp chung
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thậm chí còn đe dọa khai trừ Nga khỏi Nhóm G-8. Trong một cuộc phỏng vấn với mạng Mỹ ABC, ông Kerry nói: "Đó là một hành động của thế kỷ 19 trong thế kỷ 21. Hành động này đặt ra nghi vấn về vai trò của Nga trong G-8". Ông Kerry cho biết Nga đã mạo hiểm và hậu quả là "rất nghiêm trọng".
Cho thời điểm này, sự can thiệp quân sự của Mỹ vẫn chưa được tính đến. Tuy nhiên, Tổng thống Obama sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và Quốc hội Mỹ đã được yêu cầu thực hiện công tác chuẩn bị cần thiết.
Ngoại trưởng John Kerry đã nêu ra những "hậu quả rất nghiêm trọng về thương mại, đầu tư, phong tỏa tài sản, cấm thị thực và các hành động toàn cầu, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng Washington muốn làm việc với Nga để tìm một giải pháp cho Ukraine.
Tư lệnh Các lực lượng Mỹ ở Châu Âu, tướng không quân Philip Breedlove, đã được lệnh gửi về Washington tất cả các hình ảnh vệ tinh và thông tin tình báo về hoạt động quân sự ở Crimea. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với CBS, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói điều này không có nghĩa là người Mỹ có kế hoạch đơn phương đối với bán đảo Crimea.
Ông Hagel cho biết Mỹ sẽ phải tham khảo ý kiến với các đồng minh Châu Âu và nói: "Đây có thể là một tình huống rất nguy hiểm... Chúng tôi có nhiều lựa chọn. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết bằng biện pháp ngoại giao. Đó là cách tiếp cận có trách nhiệm thích hợp".
Mỹ đang gây sức ép với Nga tại Liên hợp quốc, hỗ trợ tuyên bố của Tổng thư ký Ban Ki-moon, người đã bác bỏ mọi sự sự can thiệp bên ngoài vào cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nhưng trên thực tế, Mỹ bắt buộc - ít ra về mặt đạo đức - tuân thủ các điều kiện của Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Vào thời điểm đó, Ukraine đã đồng ý trao hơn 1.600 đầu đạn hạt nhân sau khi Liên Xô tan rã. Trong hai thập kỷ qua, Mỹ đã sử dụng uranium lấy từ số đầu đạn hạt nhân đó để làm nguyên liệu cho các nhà máy phát điện. Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga cam kết sẽ đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, Biên bản ghi nhớ Budapest lại không ràng buộc về mặt quân sự, không giống như Điều 5 của Hiệp ước NATO.
Tổng thống Putin có trong tay nhiều "con chủ bài"
Đối với cố vấn Lầu Năm Góc Bob Maginnis, tình hình hiện nay ở Ukraine khiến người ta nhớ lại cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Ông Maginnis nói: "Đây là thời đại cần tiến hành các cuộc đàm phán bí mật đằng sau hậu trường và sử dụng đòn bẩy kinh tế. Nhưng chúng ta không nên nói đến vạch đỏ và đối đầu quân sự".
Vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc xung đột Nga-Grudia năm 2008, Mỹ đã gửi tàu chiến tới khu vực. Cố vấn Maginnis chống lại hành động như vậy trong trướng hợp Crimea. Ông nói: "Nếu chúng ta đưa quân vào các nước NATO láng giềng, tất cả những gì sẽ làm là kích động chính phủ không ổn định ở Kiev và chúng ta thậm chí còn không rõ liệu chính phủ đó có toàn quyền kiểm soát quân đội hay không".
Ngoài ra, Tổng thống Putin vẫn còn nắm giữ quá nhiều "con chủ bài". Hiện thời, Tổng thống Obama vẫn phải dựa vào Nga trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran và cuộc khủng hoảng Syria. Theo giới phân tích, người ta có cảm giác rằng Nhà Trắng không biết sẽ phải làm gì sau những lời đe dọa. Đối với nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, Tổng thống Obama vẫn "giơ cao, đánh khẽ".
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton nhận định: "Bài học về sự yếu kém của Mỹ đang được phổ biến và sẽ lây lan trên toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này, ông Putin đang nắm giữ tất cả các con chủ bài và tôi nghĩ rằng tất cả những gì mà chúng ta nhận được từ Tổng thống Obama chỉ là những lời hùng biện".
Minh Đức (theo Deutsche Welle)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-co-the-lam-gi-duoc-nga-lien-quan-den-ukraine-a24039.html