(ĐSPL) – Mặc dù “bật đèn xanh” không kích ở Iraq, nhưng Tổng thống Obama cũng cố tránh sa vào vết xe đổ của cuộc chiến “hao người tốn của” trước đây.
|
Tổng thống Obama nói Mỹ cần hỗ trợ các lực lượng ôn hòa có thể giúp mang lại ổn định cho đất nước Iraq |
Tổng thống Obama cho phép không kích ở Iraq
Tổng thống Barack Obama cho phép không quân tiến hành oanh tạc vào các mục tiêu phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” ở miền bắc Iraq, nếu lực lượng này đe dọa lợi ích của Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố bộ binh Mỹ sẽ “không quay trở lại Iraq”.
Tổng thống Obama cho biết Mỹ sẽ ngăn chặn hành động diệt chủng nhằm vào các cộng đồng thiểu số, nhưng loại trừ khả năng bộ binh Mỹ sẽ “quay trở lại Iraq”. Ông tuyên bố: "Hoa Kỳ không thể và không nên can thiệp vào tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Chúng ta có thể hành động một cách cẩn thận và có trách nhiệm để ngăn chặn hành động diệt chủng”.
|
Mỹ sẽ không kích, nếu lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" tiến về phía thành phố Irbil. |
Ông cho biết Mỹ sẽ thực hiện các cuộc không kích nhằm vào IS, nếu lực lượng này tiến về phía thành phố Irbil.
Phiến quân IS đã chiếm thị trấn Qaraqosh, nơi có cộng đồng Thiên chúa giáo lớn nhất ở Iraq, khiến cư dân ở đây phải chạy loạn. Khoảng 100.000 người Thiên chúa giáo đã phải rời bỏ nhà cửa. Hầu hết trong số này được cho là đang tiến về phía Vùng tự trị Kurdistan. Quân đội Kurdistan đã chiến đấu chống lại các đợt tiến công của IS gần thị trấn Qaraqosh nhiều tuần nay. Tuy nhiên đêm 7/8, lực lượng này đã rút khỏi các vị trí đang trấn thủ.
Khoảng 50.000 người Yazidi theo đạo Thiên chúa đã bị mắc kẹt trên các ngọn núi sau khi chạy khỏi thị trấn Sinjar hồi cuối tuần qua.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã có cuộc họp khẩn để bàn về tình hình Iraq. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói ông "vô cùng kinh hãi" trước khủng hoảng hiện nay.
Đức Giáo hoàng Francis cũng đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực để giải quyết khủng hoảng nhân đạo này.
Can thiệp một cách khôn ngoan
Trong một bài viết, Phó tổng biên tập tạp chí The National Interest, ông John Allen Gay, cho rằng "trở lại vào Iraq" là một quyết định khó khăn đối với Tổng thống Obama, ở bất kể quy mô nào. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nhà nước Hồi giáo (IS) là không thể tránh khỏi, nếu không phải bây giờ thì cũng là trong tương lai.
Mục tiêu của IS gây bất ổn định nghiêm trọng đối với khu vực, gây ra sự xáo trộn lớn và dòng chảy tị nạn khổng lồ. Khu tự trị của người Kurd đang bị đe dọa, khi sức mạnh của các lực lượng thánh chiến đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Nga và Iran đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng đối với chính phủ ở Baghdad.
Xét theo khía cạnh này, Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn. Chỉ có điều, Mỹ nên can thiệp như thế nào và ở mức độ nào cho hợp lý.
Sẽ là thiếu khôn ngoan, nếu Mỹ lại cầm đầu một cuộc chiến chống nhà nước Hồi giáo “hao người, tốn của” ở Iraq. Khôn ngoan nhất là Mỹ đứng ở phía sau hỗ trợ một cuộc chiến chống IS so Thổ Nhĩ Kỳ phát động. Thổ Nhĩ Kỳ vốn quen thuộc với chính trị-văn hóa địa phương và là một trong những nhân tố không thể thiếu đối với một giải pháp bền vững trong khu vực. Dù sao đi chăng nữa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên của NATO và có công dân đang bị “Nhà nước Hồi giáo” cầm giữ.
Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) có liên quan đến chính sách thất bại, chia rẽ phe phái của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki. Chính phủ Maliki đã đàn áp, ngược đãi những người Hồi giáo Sunni thiểu số. Chính vì vậy mà tổ chức “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria” (ISIS) trước đây, hiện đổi tên thành “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đã nhận được sự ủng hộ của các nhóm vũ trang người Sunni chống chính phủ ở Baghdad, nhưng không có cùng mục đích với ISIS.
Một sự can thiệp thông minh phải nhận ra sự khác biệt này. Mục tiêu của các cuộc không kích sẽ nhắm vào các lực lượng Nhà nước Hồi giáo đang chiến đấu với các nhóm vũ trang người Sunni chống lại chúng. Song song với các cuộc không kích, Mỹ cần hối thúc việc thành lập một chính phủ hòa giải dân tộc ở Baghdad.
Một cuộc can thiệp ngu ngốc sẽ bỏ qua những vấn đề của người Hồi giáo dòng Sunni.
Một cách tiếp cận hợp lý cho các cuộc không kích hạn chế, có chọn lọc của Mỹ là tập trung vào các đạo quân IS ở chiến trường, chứ không phải là các thành phố mà lực lượng này chiếm giữ (với nguy cơ tổn thất cao về sinh mạng dân thường). Việc sử dụng máy bay không người lái có thể mất nhiều thời gian để xác định mục tiêu, nhưng đó lại là phương tiện hợp lý để gây cho IS tổn thất đau đớn nhất. Mối đe dọa thường trực của các cuộc không kích sẽ buộc Nhà nước Hồi giáo phải thay đổi chiến thuật.
|
Việc sử dụng máy bay không người lái có thể gây cho IS tổn thất đau đớn nhất. |
Mục tiêu cuối cùng của can thiệp quân sự là để đạt được một giải pháp. Tổng thống Obama nên đặt ra mục tiêu và ranh giới rõ ràng để tránh sa vào một cuộc chiến “hao người, tốn của” như trước đây. Nỗ lực đạt được một giải pháp ngoại giao giữa các quốc gia trong khu vực phải là mục tiêu trung tâm của các cuộc không kích hiện nay và Mỹ phải tạo điều kiện cho việc đạt được giải pháp đó. Ngoài ra, nước Mỹ cũng cần cảnh giác trước việc đám chiến binh thành chiến Hồi giáo người phương Tây “chuyển lửa về quê nhà”, sau khi Nhà nước Hồi giáo bị đánh bại.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-cam-dau-hay-hau-thuan-cuoc-chien-iraq-20-a45124.html