+Aa-
    Zalo

    Mỹ bắt gián điệp Trung Quốc: Hành động "chưa có tiền lệ trong lịch sử"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỹ khẳng định, vụ án gián điệp Trung Quốc không phải là đơn lẻ. Quan chức bộ phận chống gián điệp FBI cho biết, đây là một hành động "chưa có tiền lệ trong lịch sử.

    Mỹ khẳng định, vụ án gián điệp Trung Quốc không phải là đơn lẻ. Quan chức bộ phận chống gián điệp Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết, đây là một hành động "chưa có tiền lệ trong lịch sử.

    Từ Diên Quân, người được phía Mỹ cho là gián điệp Trung Quốc, đang bị xét xử tại Mỹ. Ảnh: FOX19.

    Tờ Sohu Trung Quốc ngày 12/10 có bài viết cho rằng, Bloomberg vài ngày qua đã liên tiếp "bôi nhọ" Trung Quốc với những thông tin về việc Trung Quốc cấy "chip gián điệp" vào máy chủ của công ty Mỹ.

    Ngày 11/10, báo chí Mỹ cũng đồng loạt cho hay, hôm 10/10, Bộ Tư pháp nước này đã đệ đơn kiện một người tình nghi là gián điệp Trung Quốc, lên án người này "tìm cách đánh cắp bí mật thương mại hàng không vũ trụ của Mỹ", đồng thời cho rằng "đây là lần đầu tiên gián điệp Trung Quốc bị dẫn độ đến Mỹ xét xử".

    Tờ Russia Today Nga ngày 11/10 nhận định: "Cùng với việc Washington coi Trung Quốc là đối thủ chủ yếu mới, một vụ bê bối gián điệp chắc chắc sẽ tăng thêm màu sắc cho cuộc hoảng loạn đỏ".

    Giáo sư Tín Cường, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Đại học Phục Đán, Trung Quốc cho rằng, Mỹ tiến hành thổi phồng vụ việc là để đẩy lên cao tối đa giá trị chính trị và giá trị ngoại giao của vụ việc này, đổi lấy lợi ích chính trị cho họ ở trong nước và sự thỏa hiệp của Bắc Kinh trên các phương diện khác.

    "Hành động chưa từng có"

    Theo báo chí Mỹ ngày 11/10, người bị xác định là gián điệp Trung Quốc có tên là Từ Diên Quân, là một phó giám đốc sở an ninh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tháng 4/2018, Từ Diên Quân đã bị bắt ở Bỉ, đến ngày 9/10 bị dẫn độ đến Mỹ.

    Có quan chức Mỹ cho rằng, động thái dẫn độ Từ Diên Quân đánh dấu việc "gián điệp Trung Quốc lần đầu tiên bị dẫn đến Mỹ để đưa ra tòa". Bill Priestap, quan chức bộ phận chống gián điệp của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết, đây là một hành động "chưa có tiền lệ trong lịch sử".

    Herb Stapleton, trợ lý đặc vụ của FBI công bố vụ án gián điệp Từ Diên Quân. Ảnh: AP.

    Theo tờ Washington Post, Từ Diên Quân hoạt động gián điệp bắt đầu từ năm 2013 và cho đến tháng 4/2018 mới bị bắt, ông ta đã nhằm đến một số công ty hàng không của Mỹ, thu lấy thông tin công nghệ "rất nhạy cảm".

    Những công ty hàng không này bao gồm GE Aviation, thậm chí có những công ty chưa được phía Mỹ chỉ rõ tên như "công ty hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới", nhà chế tạo chủ yếu máy bay phản lực thương mại và hệ thống quốc phòng, vũ trụ và an ninh, người đi tiên phong về công nghệ máy bay không người lái.

    Trong thời gian hoạt động, Từ Diên Quân luôn coi các chuyên gia làm việc ở các công ty hàng không trong và ngoài lãnh thổ Mỹ là mục tiêu. Ông ta dùng thân phận là quan chức khoa học công nghệ để che đậy, thường xuyên lấy lý do mời đối phương đến trường đại học phát biểu để tuyển mộ chuyên gia đến Trung Quốc.

    Ngày 10/10, Từ Diên Quân lần đầu tiên bị xét xử ở toàn án liên bang ở Cincinnati, bang Ohio, Mỹ. Ông ta bị tố cáo 4 tội danh, trong đó bao gồm tội thông đồng và có ý đồ tiến hành hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật thương mại.

    Theo hãng tin CNN Mỹ ngày 11/10, tại Mỹ, trách nhiệm hình sự cao nhất của tội thông đồng và có ý đồ tiến hành hoạt động gián điệp là 15 năm tù, còn âm mưu đánh cắp bí mật thương mại sẽ có hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Nếu bị định tội, Từ Diên Quân có thể đối mặt với hình phạt nhiều nhất 25 năm tù và bị xử phạt về kinh tế.

    Bị Mỹ gài bẫy?

    Thông tin Từ Diên Quân bị bắt và xét xử đã gây xôn xao cho cộng đồng người Hoa tại Mỹ. Từ ngày 10 - 11/10, không ít cư dân mạng đã tiến hành bình luận trên trang mạng tiếng Trung tại Mỹ.

    Mỹ chỉ trích gián điệp Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ hàng không. Ảnh: Sohu.

    Một học giả Trung Quốc làm việc lâu dài ở Mỹ cho rằng, Washington liên tiếp bắt "gián điệp" cho thấy, hầu như "Chiến tranh Lạnh" đã thực sự nổ ra. Người Trung Quốc ở Mỹ đều lo ngại sẽ trở thành người bị hại, học giả này cho biết.

    Người này cũng nói rằng, vụ án này đã cung cấp "minh chứng" cho những chỉ trích, lên án của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đối với Trung Quốc. Theo học giả này, bản thân vụ án này có rất nhiều điểm đáng ngờ, rất miễn cưỡng.

    Tài liệu của tòa án Cincinnati cho biết, đầu năm 2018, Từ Diên Quân "không ngừng gây sức ép với một cựu nhân viên của GE Aviation, yêu cầu người này cung cấp thông tin tình hình ứng dụng các dữ liệu nghiên cứu liên quan trong sản xuất động cơ, đồng thời gặp mặt anh ta ở châu Âu". Tài liệu của tòa án cho thấy, Từ Diên Quân đã bị bắt ở Bỉ khi đang tìm cách tiến hành cuộc gặp này.

    Tuy nhiên, tờ Nhật báo Phố Wall Mỹ ngày 11/10 cho hay, một đại diện của Tập đoàn General Electric, công ty mẹ của GE Aviation cho hay, đối tượng tuyển của Từ Diên Quân là một "cựu nhân viên" của GE Aviation, có ảnh hưởng rất nhỏ đến công ty này.

    Trong một tuyên bố, công ty GE Aviation cho biết, vài tháng qua, GE Aviation luôn phối hợp điều tra với FBI; những thông tin nhạy cảm liên quan đến các chương trình quân sự chưa trở thành mục tiêu và cũng chưa thu được.

    Giáo sư Tín Cường cho rằng, hiện chưa rõ Mỹ có bằng chứng xác thực để chứng minh người này thực sự đã đánh cắp bí mật của Mỹ và đã gửi cho Chính phủ Trung Quốc hay không.

    Căn cứ vào nội dung đơn khởi tố do báo chí tiết lộ, những việc như mời một số chuyên gia tham gia hội nghị, du lịch thì đều thuộc những hoạt động thương mại rất bình thường và thường thấy, "cho dù anh có chứng cứ nói người này có thân phận đặc biệt thì cũng không thể từ đó khẳng định anh ta đã tiến hành hoạt động gián điệp".

    Không phải vụ việc riêng lẻ

    Khi nói về vụ án này, ngày 10/10, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John C. Demers cho biết: "Đây không phải là một sự kiện riêng lẻ. Đây là một phần trong chính sách kinh tế tổng thể được Trung Quốc áp dụng để tìm cách phát triển bằng cách hy sinh lợi ích của Mỹ. Chúng tôi không thể cho phép một nước đánh cắp hỏa lực của nước tôi và thành quả trí tuệ của chúng tôi. Chúng tôi không thể cho phép một nước không chịu trồng trọt mà lại có thu hoạch".

    Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John C. Demers. Ảnh: EPA.

    Theo tờ Sputnik Nga, ngày 11/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, việc Mỹ chỉ trích công dân Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp kinh tế chỉ là bịa đặt. Hy vọng Mỹ có thể xử lý công bằng theo pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc.

    Trong phát biểu của Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John C. Demers chắc chắn có một câu không sai. Thực sự, bất kể từ góc độ của người Trung Quốc hay người đứng ngoài, đây không phải là một vụ việc đơn lẻ.

    Đúng như những tờ báo như hãng AP Mỹ đã chỉ ra, vụ án này diễn ra đúng vào thời điểm quan hệ Trung - Mỹ trở nên căng thẳng, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đang leo thang. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp tục đe dọa áp thuế quan lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại.

    Trong ngày tòa án Mỹ thẩm vấn Từ Diên Quân, Bộ Tài chính Mỹ còn công bố quy định mới, yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài phải đệ trình lên Chính phủ Mỹ để xem xét vấn đề an ninh khi tiến hành các giao dịch tại Mỹ có liên quan đến công nghệ then chốt của Mỹ.

    Tờ Nhật báo Phố Wall ngày 11/10 cho rằng, quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung trên nhiều phương diện đang trầm trọng hơn, thể hiện rõ ở đối thoại gay gắt giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng như những chỉ trích hiếm có nhằm vào Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong tuần qua.

    Hãng tin Reuters Anh ngày 11/10 cho rằng, để tăng thêm con bài đánh chiến tranh thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gắn cho Trung Quốc cái mác "thao túng tỷ giá hối đoái". Các chỉ tiêu của Trung Quốc hiện nay vẫn không phù hợp với tiêu chuẩn "nước thao túng tỷ giá hối đoái" do Mỹ định nghĩa trước đây.

    Nếu lần này Trung Quốc bị xác định là nước thao túng tỷ giá hối đoái, thì chỉ có thể có một giải thích đó chính là sự tính toán về chính trị.

    Ngoài ra, theo Reuters, hôm 10/10 vừa qua, quan chức an ninh Washington cho biết, cùng với cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ đến gần, Trung Quốc "đang phát động một chiến dịch chưa từng có để gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ".

    Ngày 10/10, tại phiên điều trần ở Ủy ban An ninh nội địa, Thượng viện Mỹ, Cục trưởng FBI Christopher Wray khẳng định: "Trung Quốc đã đại diện cho mối đe dọa chống gián điệp phức tạp nhất, lâu dài nhất của chúng tôi, lớn hơn cả Nga".

    Trong khi đó, trước các nghị sĩ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen cho rằng, quan chức Trung Quốc đang "sử dụng các biện pháp của họ để gây ảnh hưởng tối đa lên Mỹ".

    Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen. Ảnh: AP.

    Một học giả Trung Quốc giấu tên cho rằng, đối đầu Trung - Mỹ hiện đã vượt qua phạm trù thương mại, đã lan sang nhiều lĩnh vực của quan hệ Trung - Mỹ, "có chút cảm giác khói lửa cháy khắp nơi". Trọng điểm hiện nay của Mỹ là trong lĩnh vực kinh tế thương mại, họ làm nhiều việc như vậy với mục tiêu là muốn gây sức ép tối đa với Trung Quốc, đổi lấy sự nhượng bộ của Bắc Kinh về vấn đề kinh tế thương mại.

    Theo học giả này: "Chính quyền ông Donald Trump thông qua làm căng thẳng vụ án gián điệp để tiến hành huy động rộng rãi hơn, tăng cường ấn tượng về Trung Quốc, huy động nhiều hơn các nguồn lực tạo không khí cho cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ".

    ĐÔNG PHONG(Theo Sohu)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-bat-gian-diep-trung-quoc-hanh-dong-chua-co-tien-le-trong-lich-su-a247491.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan