Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ tiếp tục thúc đẩy hàng loạt các tập đoàn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc và dịch chuyển sản xuất sang khu vực ASEAN và Việt Nam.
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ không ngừng leo thang. Ảnh: DWnews. |
Nhiều tập đoàn rút khỏi Trung Quốc
Ngày 24/9, đợt đánh thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD của Mỹ đã có hiệu lực, mức thuế hiện là 10%, nhưng cuối năm nay sẽ tăng lên 25%. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa có thể đánh thuế quan lên toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD.
Những cú đánh liên tiếp về thương mại của Mỹ đã đe dọa nghiêm trọng đối với ưu thế sản xuất chi phí thấp của Trung Quốc. Trong vài chục năm qua, do chi phí lao động thấp, thị trường rộng lớn, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến Trung Quốc mở nhà máy.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ leo thang đang thúc đẩy các tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Chẳng hạn, Tập đoàn SK Hynix Semiconductor Inc (Hàn Quốc), các tập đoàn của Nhật Bản như Mitsubishi Electric, Toshiba Machine hiện đang thực hiện kế hoạch rút nhà máy khỏi Trung Quốc.
Để tránh ảnh hưởng từ thuế quan trừng phạt từ Mỹ, Tập đoàn SK Hàn Quốc chuyển một số cơ sở sản xuất chip về Hàn Quốc, còn Tập đoàn Micron Technology (Mỹ) cũng đang di dời một số cơ sở sản xuất chip từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác.
Trong khi đó, một số tập đoàn khác như Compal Electronics Inc, Samsung (Hàn Quốc) đã đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp, để có thể lập tức hành động nếu như chiến tranh thương mại Trung - Mỹ tiếp tục leo thang.
Tuy nhiên, bên cạnh tiến hành sản xuất chip ở các nước khác, SK Hynix Semiconductor Inc và Micron Technology vẫn giữ lại khâu đóng gói và thử nghiệm chip ở Trung Quốc. Thậm chí, có nguồn tin cho hay, SK vẫn để phần lớn việc sản xuất chip ở lại Trung Quốc. Bởi vì, Trung Quốc là cơ sở sản xuất chủ yếu nhất của máy tính và điện thoại thông minh. Vì vậy, Trung Quốc cũng là thị trường chip quan trọng nhất.
Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm cách rút khỏi Trung Quốc để tránh ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Ảnh: Reuters/DW. |
Tập đoàn Toshiba Machine (Nhật Bản) cho biết, họ có kế hoạch đến tháng 10/2018 di chuyển sản xuất máy ép nhựa hướng tới thị trường Mỹ từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang Thái Lan. Loại máy ép nhựa này được dùng cho sản xuất linh kiện nhựa, chẳng hạn bộ phận chống va chạm của xe hơi.
Người phát ngôn của Toshiba Machine cho biết: “Chúng tôi quyết định di dời một số khâu sản xuất khỏi Trung Quốc, bởi vì ảnh hưởng của thuế quan đối với chúng tôi rất lớn”.
Đồng thời, Mitsubishi Electric cũng cho biết, nhà máy sản xuất máy công cụ cho thị trường Mỹ của công ty này tại Đại Liên, Trung Quốc cũng sẽ được di dời về Nagoya, Nhật Bản.
Một số doanh nghiệp nhỏ cũng đang nghiên cứu phương án rời khỏi Trung Quốc. Nhà sản xuất thiết bị y tế IM (Hàn Quốc) đang cân nhắc, một khi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ leo thang, việc sản xuất các sản phẩm như máy lọc không khí sẽ chuyển sang Việt Nam hoặc Hàn Quốc.
Cơ hội và thách thức cho các nước ASEAN
Tờ Business Times dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia Darell Leiking ngày 25/9 cho hay, Malaysia đang áp dụng các biện pháp thận trọng ngăn chặn bán phá giá hàng hóa trên thị trường cục bộ do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.
Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia Darell Leiking. Ảnh: New Straits Times. |
Hiện nay, các thương nhân trên toàn cầu đang tìm cách tránh ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Đông Nam Á là láng giềng của Trung Quốc, dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên không thể không chịu ảnh hưởng.
Mặc dù kinh tế bị tác động nhưng Bộ trưởng Darell Leiking thừa nhận, sự biến động thương mại sẽ gây ảnh hưởng tích cực đến thị trường Malaysia, làm cho toàn bộ Đông Nam Á trở thành điểm đến đầu tư khác của Trung Quốc và Mỹ.
Ông Darell Leiking cho rằng, trong tình hình căng thẳng thương mại Trung - Mỹ hiện nay, nguồn vốn nước ngoài đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc sẽ di chuyển sản xuất hàng hóa đến các nước Đông Nam Á, đây là thời cơ tốt nhất để khu vực này giải phóng tiềm năng.
ASEAN với 640 triệu dân trở thành thị trường rộng lớn của các nhà chế tạo toàn cầu. Ông Darell Leiking kêu gọi các nước ASEAN cùng nhau nỗ lực để làm giảm khả năng chiến tranh thương mại gây ảnh hưởng tới toàn cầu.
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ cũng đem lại một cơ hội hiếm có cho Việt Nam thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Việt Nam có lực lượng lao động giá rẻ sẽ thu hút nhiều hơn các ngành tập trung lao động.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, để tránh ảnh hưởng từ việc Mỹ tăng thuế quan, Việt Nam sẽ có khả năng trở thành sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc hơn. Nếu Việt Nam biết cách nắm bắt cơ hội, đầu tư của Trung Quốc sẽ hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam phát triển.
Thái Lan cũng cảm nhận được cơ hội đang đến. Tổng thư ký sáng kiến Hành lang kinh tế phía đông (EEC) Thái Lan Kanit Sangsubhan cho rằng, sự chuyển dịch công nghệ và dòng vốn của Trung Quốc có thể đem lại lợi ích cho Thái Lan.
Được biết, dự án EEC có kế hoạch đầu tư 45 tỷ USD nhằm tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Thái Lan. Tháng 8/2018, EEC mời khoảng 800 đại diện doanh nghiệp tại Trung Quốc tham gia khu công nghiệp ở miền đông Thái Lan. Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục xúc tiến đầu tư Thái Lan đã tổ chức 7 hoạt động thu hút đầu tư ở Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ kéo dài đe dọa tăng trương kinh tế toàn cầu. Ảnh: Business Times. |
Hơn nữa, một báo cáo nghiên cứu của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết, đợt đánh thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD của Mỹ gần đây dự đoán sẽ có lợi cho xuất khẩu các mặt hàng của Thái Lan như hoa quả khô, hạt điều, mật ong, hoa quả chế biến, đem lại cơ hội cho Thái Lan thay thế Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
Từ ngày 11 - 12/9/2018, tại Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN tổ chức ở Việt Nam, một chủ đề gây chú ý là ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đối với ASEAN. Lãnh đạo các nước tham dự hội nghị đã đưa ra các quan điểm về cách thức ứng phó tích cực của toàn thể ASEAN.
Mặc dù tranh chấp thương mại Trung - Mỹ sẽ kích thích đầu tư nước ngoài ở Đông Nam Á nhưng có chuyên gia cảnh báo, ảnh hưởng lâu dài sẽ không lạc quan.
"Có người lo ngại, chủ nghĩa bảo hộ không có lợi cho châu Á, là một khu vực phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu, có nhiều hàng rào thương mại hơn hoàn toàn không phải là việc tốt" - một nhà kinh tế hàng đầu của tổ chức tư vấn thương mại HIS nói.
Tờ Business Mirror Philippines ngày 27/9 dẫn báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) chỉ ra, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có thể sẽ phá hoại xu thế tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của các nước ASEAN như Philippines.
Những năm gần đây, do tiêu dùng cá nhân và đầu tư cơ sở hạ tầng không ngừng tăng lên, các nước ASEAN có triển vọng tăng trưởng kinh tế khá cao, đặc biệt là Philippines và Indonesia.
Tuy nhiên, dư luận ngày càng lo ngại xu thế này có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy thoái của kinh tế thế giới và căng thẳng quan hệ thương mại Trung - Mỹ. Đồng thời, việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ cũng đe dọa đến tính bền vững của tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN.
UNCTAD cho biết, từ năm 2010 đến nay, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines và Thái Lan tăng trưởng kinh tế ổn định. Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Indonesia đạt 5,1%. Trong các năm 2016 và 2017, tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển châu Á lần lượt là 5,7% và 5,5%, dự tính năm 2018 cũng sẽ duy trì mức tăng trưởng này.
Năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân của Đông Á dự tính đạt 5,9%, còn tăng trưởng bình quân của Đông Nam Á dự tính giảm từ 5,2% năm 2017 xuống 4,8%. Đồng thời, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ có thể sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại còn 6,7%, trong khi đó Ấn Độ có thể đạt 7%.
ĐÔNG PHONG(Theo Business Times, UDN, Epochtimes, DW, Chinatimes, ETtoday)