Trận động đất mạnh 5,8 độ richter đã xảy ra ngoài khơi bờ biển phía Bắc Triều Tiên hôm 13/7 khiến nhiều người nghi ngờ rằng nước này tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới.
Trận động đất xảy ra lúc 4h18 ngày 13/7 (giờ Triều Tiên) ở độ sâu 537.6 km dưới đáy biển Nhật Bản, cách Hoemul-li, Triều Tiên 176 km về phía Đông, theo cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).
Theo tính toán ban đầu của USGS, trận động đất mạnh 6 độ richter, sau đó giảm xuống xuống còn 5,8 độ richter.
John Bellini, nhà địa vật lý tại USGS nói với hãng thông tấn Yonhap qua điện thoại: "Nó xảy ra ở khoảng 500 km dưới đáy biển, không thể nào gây ra bởi một cuộc thử nghiệm hạt nhân”.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jamie Davis cũng bác bỏ khả năng thử nghiệm hạt nhân, chỉ ra vị trí và chiều sâu của nó, theo Reuters.
Một trận động đất 5,8 độ richter đã xảy ra ở khu vực ngoài khơi biển Nhật Bản. Ảnh: Inquirer News |
Bên cạnh đó, nhà địa chấn Julie Dutton cũng nói rằng động đất mạnh như vậy là bất thường ở biển Nhật Bản nhưng không phải chưa từng xảy ra. Hơn nữa, trên thực tế thì Bình Nhưỡng luôn thử hạt nhân trên đất liền
Triều Tiên đã tiến hành 5 cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất từ năm 2006, lần gần nhất diễn ra vào tháng 9/2016. USGS khi đó ghi nhận một cơn địa chấn 5,3 độ richter sát mặt đất và gần khu vực thử hạt nhân Punggye-ri.
Nhiều người lo ngại rằng quốc gia này sẽ tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm hơn nữa sau khi phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi tuần trước. Mục tiêu chủ yếu của Triều Tiên là tấn công vào bờ Tây nước Mỹ.
Những vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của chính quyền ông Kim Jong-un vẫn diễn ra, bất chấp lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và cả Trung Quốc đều đã lên tiếng phản đối và tuyên bố sẽ kiên quyết ngăn chặn.
Washington cho rằng Bắc Kinh cần làm nhiều hơn để kiềm chế Bình Nhưỡng, tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức lên tiếng, đề nghị các bên liên quan ngừng đổ lỗi cho chính quyền ông Tập Cận Bình.
(Theo Korea Times)