Ở Hawaii, nơi người dân phải trả thêm 30% chi phí vật dụng gia đình thì 1 triệu USD chỉ đủ để sử dụng trong 10 năm.
Theo CNBC, Chủ tịch Potomac Wealth Advisors kiêm tác giả quyển Đếm ngược đến tự do tài chính Mark Avallone đưa ra ví dụ: một người 67 tuổi thuộc thế hệ baby boomer (những người sinh ra trong giai đoạn 1946 - 1964) nghỉ hưu bây giờ với 1 triệu USD trong tài khoản sẽ có 40.000 USD/năm trang trải chi phí sinh hoạt.
Nếu như một người khác 42 tuổi, thuộc thế hệ X (những người sinh ra trong giai đoạn 1964 - 1980) có 1 triệu USD trong tài khoản hưu trí. Người này chỉ nhận 19.000 USD/năm sau khi điều chỉnh lạm phát.
Một người 32 tuổi thuộc thế hệ millennial (những người sinh ra trong giai đoạn 1980 - 2000) muốn về hưu ở tuổi 67 với 1 triệu USD sẽ phải sống dưới mức nghèo khó.
Đây là thực trạng mà ông Avallone gọi là “nghèo đói triệu đô”.
1 triệu USD từ lâu được xem là tiêu chuẩn vàng để tiết kiệm hưu trí; song hiện nay, con số trên chỉ là một phần nhỏ so với khoản tiền mà người Mỹ cần. Ảnh minh họa |
Được biết, GoBankingRates tiến hành nghiên cứu trong năm nay để tính xem liệu 1 triệu USD có thể kéo dài được bao lâu thì hết.
Trang web tài chính cá nhân này đã so sánh chi phí trung bình của người từ 65 tuổi trở lên, trong đó có chi phí tạp hóa, nhà ở, tiện ích, giao thông vận tải và chăm sóc sức khỏe.
Theo đó, 1 triệu USD là nhiều hay ít còn tùy thuộc vào nơi chủ nhân của nó sinh sống. Đơn cử, vật giá rẻ hơn ở bang Mississippi, Arkansas và Tennessee sẽ giúp người về hưu sống thoải mái trong ít nhất 1/4 thế kỷ. Tuy nhiên, ở Hawaii, nơi người dân phải trả thêm 30% chi phí vật dụng gia đình thì 1 triệu USD chỉ đủ cho một chục năm. Chi phí sinh hoạt và bất động sản ở đây cũng đắt đỏ.
Xét đến việc nhiều gia đình chi nhiều hơn 100% thu nhập sau thuế của họ để trang trải chi phí hằng tháng, hiện chỉ có hai cách để người Mỹ vượt qua tình cảnh “nghèo đói triệu đô”: kiếm nhiều hơn và chi ít đi.
Vũ Đậu (T/h)