Nhiều năm qua, dường như Mỹ vẫn nuôi mưu đồ lật đổ chính quyền Syria. Cáo buộc tấn công vũ khí hóa học, dẫn đến tấn công tên lửa vẫn được xem là có nhiều uẩn khúc. Liệu Mỹ có lật đổ được Assad?
Vì sao không có cuộc điều tra sau cáo buộc tấn công hóa học?
Nga khẳng định, việc Mỹ và các đồng minh phương Tây ngăn cản Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) mở cuộc điều tra vụ việc nghi sử dụng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib, đồng thời tiếp tục cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, là mưu toan nhằm thay đổi chế độ hợp pháp ở Syria.
Thông tin trên được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra ngày 21/4 bên lề Hội nghị Ngoại trưởng các nước Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SOC) ở Astana (Kazakhstan).
Nga khẳng định,việc Mỹ và các đồng minh phương Tây ngăn cản Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) điều tra vụ việc nghi sử dụng vũ khí hóa học ở tỉnh Idlib là mưu toan nhằm thay đổi chế độ hợp pháp ở Syria. |
"Hành động của Mỹ và các đồng minh Phương Tây cản trở việc gửi các thanh sát viên điều tra tại chỗ nơi xảy ra vụ việc nghi có sử dụng vũ khí hóa học gây quan ngại sâu sắc. Đây là cái cớ để không thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tiến trình chính trị tại Syria và nhằm thu hút dư luận quốc tế, hòng tạo cớ hướng tới lật đổ chế độ hợp pháp tại Syria", ông Lavrov cho hay.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, phần lớn các nước trong Hội đồng Bảo an không đồng ý với ý định này.
Ông Lavrvov cho biết, đề xuất của Nga và Iran về việc điều tra vụ việc trên đã bị phái đoàn của các nước phương Tây trong OPCW bác bỏ ngày 20/4. Như vậy, các nước phương Tây đã ngăn cản OPWC gửi chuyên gia tới điều tra tại hiện trường.
Nga yêu cầu vụ việc này cần phải được điều tra tại chỗ, tức là tại Idlib và sân bay Shayrat đã bị Mỹ tấn công bằng tên lửa chứ không chỉ dựa trên các thông tin trên mạng Internet và phe đối lập.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố, Tổng thống Syria Bashar al-Assad “sẽ không có vai trò lãnh đạo đối với người dân Syria” và Washington đang lên kế hoạch hình thành một liên minh quốc tế nhằm loại bỏ ông Assad. Tuy nhiên, điều này xem ra không khả thi.
Moscow và Tehran vẫn đang hợp tác trong chiến dịch quân sự ở Syria, dù mối quan tâm lợi ích của hai bên không giống nhau. Moscow có thái độ cương quyết và cứng rắn hơn về việc Assad buộc phải là người nắm quyền lực ở Syria sau khi giải quyết xong vấn đề khủng bố và các nhóm đối lập. Trong khi đó, quan điểm của Iran là giữ chủ quyền cho Syria, còn vận mệnh chính trị của Assad có thể hi sinh.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. |
Ngay cả khi ông Tillerson bằng cách nào đó thỏa thuận được với điện Kremlin về việc loại bỏ vai trò của Assad trong chính quyền, thì bản thân ông Assad vẫn có thể tìm kiếm sự ủng hộ từ những nhà bảo thủ Iran để chống lại áp lực từ Moscow. Hơn nữa, ông Assad vẫn giành được nhiều sự ủng hộ từ những lá phiếu cử tri. Do vậy, không có lý do gì khiến Moscow muốn tìm người thay thế ông.
Cuộc nội chiến ở Syria vẫn chưa đi đến một giải pháp nào khả dĩ, mặc dù Mỹ đã đưa vào nước này hàng trăm nhân viên quân sự cũng như cung cấp hàng tỷ USD tiền viện trợ. Cuộc xung đột tàn khốc này hẳn sẽ không thể kết thúc bằng các điều khoản được áp đặt từ bên ngoài, mà phải do người trong cuộc cùng nhau đi đến thỏa thuận về chính trị.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington không chấp nhận vai trò của ông Bashar al-Assad tại Syria. |
Những lý do khiến "âm mưu thất bại"
Theo cây bút Joey L. của tờ National Interest, có nhiều lý do khiến mưu đồ thay đổi chế độ Syria của Mỹ thất bại thảm hại.
Trước hết, cuộc nội chiến ở Syria không giống như nội chiến Bắc-Nam ở Mỹ. Các nhóm phiến quân như IS, Mặt trận al-Nusra, Ahrar al-Sham và một số nhóm phiến loạn liên quan đến cái gọi là quân đội Syria Tự do (FSA) hiện thời có thể xung đột với nhau, nhưng lại rất khó tách biệt về ý thức hệ. Các sự kiện ở Serekaniye, Til Kocher và Tell Hamis cho thấy các nhóm này đã hợp tác với nhau chống lại lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Lực lượng thánh chiến Hồi giáo có thể tạm thời liên kết với nhau chống lại kẻ thù chung nhưng sau đó lại quay ra chiến đấu, tranh giành quyền lực và lãnh thổ.
Thứ hai, Quân đội Syria Tự do (FSA) là một tổ chức ô hợp, lỏng lẻo. Trong giai đoạn đầu của cuộc nổi dậy chống chế độ Assad, rất nhiều nhóm nổi dậy thuộc về những người yêu nước, chống lại sự áp bức và muốn sống trong hòa bình. Bên cạnh đó có nhiều nhóm khác lại thuộc về những kẻ tội phạm, lợi dụng sự rối ren của đất nước để chuộc lợi, làm giàu bất chính.
Một lý do khác khiến cuộc nội chiến Syria trở nên nan giải và phức tạp là do lòng trung thành của các nhóm chống chế độ nhưng đa phần là do sự can thiệp của các nước bên ngoài như Qatar, Kuwait, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Vào thời điểm này, thường xảy ra xung đột giữa các nhóm được Lầu Năm Góc hậu thuẫn trong SDF và các nhóm do CIA hậu thuẫn trong chiến dịch “Lá chắn Euphrates” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính vì những lý do trên mà giải pháp thay đổi chế độ ở Syria là không khả thi và cuộc nội chiến ở nước này không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự.
Bởi vậy nên theo nhận định của giới chuyên gia, giải pháp tốt nhất cho tình hình phức tạp này ở Syria chỉ được tìm thấy từ chính nội bộ nước này và Mỹ phải thừa nhận rằng thay đổi chế độ là một chiến lược đã thất bại.
Mỹ nên cam kết tăng cường nỗ lực ngoại giao để giúp các bên tham chiến tìm ra giải pháp, trước khi cung cấp thêm vũ khí và đào tạo các nhóm phiến quân. Nỗ lực của FBI, CIA và các cơ quan khác của bộ An ninh Nội địa phải đảm bảo rằng các mối đe dọa từ Syria không lan sang nước Mỹ.
Liệu Mỹ có đạt được ý đồ của mình ở Syria? |
Tổng thống Assad lên tiếng
Trong số các lực lượng tham chiến ở Syria, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd cầm đầu xem ra là lực lượng có khả năng đánh bại IS nhất. Nhưng phía Mỹ phải cam kết bảo đảm cho tương lai của lực lượng này ở Syria.
Vì lẽ đó nên, Mỹ cần xóa bỏ chính sách cũ và áp dụng một chiến lược mới ở Syria mới mong có cơ hội khả thi và thành công.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputniknews của Nga ngày 21/4 Tổng thống Assad nói: “Mục đích của họ (Mỹ) là nhằm gây bất ổn Syria, mục đích của họ là nhằm thay đổi chính quyền, nhằm lật đổ Chính phủ."
Rõ ràng, câu chuyện Syria sẽ không thể một sớm, một chiều đi đến hồi kết cho dù Mỹ có muốn gì đi chăng nữa...
Đào Vũ