+Aa-
    Zalo

    Mục sở thị quy trình làm son handmade giá rẻ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong một không gian rộng khoảng 15m2 cùng với nhiều vật liệu, những thỏi son giá rẻ được ra đời...

    (ĐSPL) -  Trong một không gian rộng khoảng 15m2 cùng với nhiều vật liệu, những thỏi son giá rẻ được ra đời...

    Làm đẹp với phụ nữ chưa bao giờ là đủ. Phương châm “đẹp nữa, đẹp mãi” luôn luôn có trong từ điển làm đẹp đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tiền để “trang trải” cho công cuộc làm đẹp với những sản phẩm có thương hiệu, tên tuổi. Chính vì lí do đó, son handmade cũng như mỹ phẩm tự chế lên ngôi…

    Mục sở thị quy trình làm son...

    Vào vai một khách hàng có nhu cầu nhập lô son về bán ở tỉnh và muốn tận mắt chứng kiến sự chế tác an toàn, thiên nhiên 100\% như quảng cáo mới mua, PV liên hệ với một nick name P.A trên facebookvà được sự đồng ý.

    Đúng như bản chất của “tự chế”, dụng cụ để điều chế, sản xuất son môi rất đơn giản, gồm toàn những vật dụng sẵn có trong gia đình.

    Nguyên liệu chính cho những thỏi son môi giá rẻ là sáp ong, dầu oliu, dầu hạnh nhân hoặc dầu cám gạo, dầu bơ, la liệt những lọ nhỏ màu khoáng đỏ, cam , hồng, vàng… được để trên giá. Và thêm những chai hương như mùi nho, táo, chanh…

    Không gian sản xuất mỹ phẩm tự chế là một căn phòng nhỏ, chật hẹp khoảng 15m2, dưới nền nhà 2 người đang ngồi “chế biến” son.

    Đầu tiên, 2 người này cho một chiếc bát con đựng sáp ong và dầu oliu đun cách thủy lên chảo nóng, đun cho hỗn hợp tan chảy.

    Một bếp khác, màu khoáng (màu tạo màu son) được đổ ra bát trộn lẫn oliu và được đun nóng trên bếp.

    Các màu son chuẩn bị được ra lò...

    “Hàng của em chế tác được nhiều màu son, không như một số bạn khác chỉ xoay quanh cam, đỏ, hồng thông thường. Ngoài ra em cũng làm được nhiều màu độc lắm…”, vừa làm 2 người này vừa chào hàng.

    Sau khi nấu xong, những thỏi son dự định bán giá rẻ hơn, cô gái cho biết chỉ việc dùng thìa đổ vào cái lõi son mua sẵn trước đó và để vào tủ lạnh 20 phút là được.

    Với những thỏi son đắt tiền hơn một chút và cần mẫu mã đẹp thì có dụng cụ riêng biệt, đó là các khuôn đúc thỏi với đa dạng kích thước ngắn dài, to nhỏ tùy vào thẩm mỹ của người sản xuất.

    ... đến đồ phụ gia giá rẻ

    Bình thường, loại son tự chế này chỉ sử dụng các loại màu tự nhiên nhưng nhiều người vì món lời trước mắt nên sẵn sàng mua các loại màu hóa học, không rõ nguồn gốc.

    Đặc biệt, do dùng thảo dược không bền màu nên nhiều người bán đã pha trộn giữa màu hóa học và màu khoáng thiên nhiên, không nắm rõ được liệu như vậy có phản ứng hóa học xấu nào xảy ra không?

    Qua lời giới thiệu của P.A, PV liên lạc với một trang web chuyên bán phôi, nguyên liệu, vật liệu bao bì, màu… để làm mỹ phẩm thủ công có địa chỉ tại Hà Nội. Theo chủ trang web này thì có đầy đủ màu khoáng để phụ vụ khách hàng. Ngoài ra, còn có màu tổng hợp (màu hóa học) để cho màu được đẹp hơn.

    Màu son được chế xong và cho vào những chiếc lọ.

    Sau đó, PV theo chân một số nhà mỹ phẩm tự phát đến chợ Đồng Xuân (Hà Nội) để xem giá cả. Được biết, giá của màu khoáng một số nơi rao bán với giá từ 12 -15.000đ/g, tùy cửa hàng. Một số cửa hàng bán giá 18.000đ/g, mua nhiều sẽ có giá 70.000đ/5g. Màu tổng hợp có giá rẻ hơn, khoảng 10.000đ - 18.000đ/1ml tùy cửa hàng.

    Các chất tạo màu, giữ màu cũng được bán tràn lan. Các loại chất này đều đựng trong các chai thủy tinh hoặc can nhựa không rõ nguồn gốc.

    Các vỏ son đủ mọi thể loại dài, dẹp, có nắp mở, nắp vặn, muôn vàn màu sắc được bán theo lô giá rẻ làm bằng nhựa, kim loại cũng được bày bán tràn lan không rõ nguồn gốc xuất sứ.

    Theo một số chuyên gia mỹ phẩm chuyên nghiệp, dùng màu khoáng, màu tự nhiên dễ bị bay màu khi sử dụng nên nhiều người pha trộn hoặc dùng màu tổng hợp để pha chế cho bền màu. Màu tổng hợp chỉ cần một chút xíu, đã lên màu rất tươi, khi rửa mặt, ăn uống đều rất khó bay màu nên nhiều người sử dụng.

    Về vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa - Trường ĐHKHTN - ĐHQG Hà Nội) cho biết, tất cả những màu dùng được cho ngành dược, thực phẩm và mỹ phẩm đã được quy định.

    “Việc sử dụng màu hóa học không rõ nguồn gốc, không đúng khuyến cáo, gây nguy hại khôn lường như thâm môi, dị ứng… nhưng ngay với màu tự nhiên, không phải bất cứ loại nào cũng sử dụng được. Thông thường, người ta dùng các củ, quả, hoa, hạt, rễ cây… để tạo màu theo kinh nghiệm ngày xưa ông cha ta để lại. Tuy nhiên, kinh nghiệm của chúng ta về việc điều chế này là không nhiều. Nhiều loại cây củ tự nhiên có chất độc, gây dị ứng, khô da… hay không, không phải ai cũng biết. Vì thế, không nên sử dụng đồ “handmade” quá vì không phải sản phẩm tự nhiên nào cũng tốt”, ông Côn nói.

    (Còn tiếp)

    KIỀU LINH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muc-so-thi-quy-trinh-lam-son-handmade-gia-re-a109068.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.