(ĐSPL) - Thời gian gần đây, trên tuyến QL 1A thuộc địa phận tỉnh miền Tây, tài xế xe tải đường dài liên tục bị đối tượng lừa đảo diễn kịch, chiếm đoạt tài sản ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
Trên tuyến QL1A thuộc địa phận tỉnh miền Tây, hàng loạt tài xế xe tải đường dài liên tục bị nhóm đối tượng lừa đảo “diễn kịch”. |
Vờ làm người tốt
Theo phản ánh của nạn nhân Nguyễn Văn Bình (SN 1977, ngụ Vĩnh Long, tài xế xe tải chạy tuyến Cần Thơ – TP.HCM), sáng 7/3/2015, khi ô tô tải của anh di chuyển về TP.HCM, đến địa phận huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) thì bị kẹt xe. Do sợ việc giao hàng chậm trễ, nên anh Bình đánh lái sang phải, chạy sát làn đường dành cho xe máy.
Khi ô tô của anh Bình đang chầm chậm tiến về trước được khoảng 300m, thì bất ngờ xuất hiện một nam thanh niên trạc 35 tuổi điều khiển xe máy chạy với tốc độ cao, bấm còi inh ỏi rồi ép xe, ra tín hiệu dừng xe.
“Chẳng hiểu có việc gì nên tôi bật xi – nhan phanh gấp. Nam thanh niên kia tiến sát đến tôi với vẻ mặt khó chịu, hất hàm: “Chạy gì dữ vậy cha nội, quẹt xe người ta bị thương phải nhập viện, ông định chạy bỏ trốn à, tôi gọi cảnh sát giao thông bây giờ(?!)”. Trước sự việc này, tôi chỉ biết giải thích, làm gì có va quẹt xe, tôi chạy chậm và rất cẩn thận.
Dứt lời, nam thanh niên kia phán tiếp: “Ông đụng chiếc xe đạp, té đập đầu xuống đường, hàng chục công nhân bốc vác gạo làm chứng kìa. Tôi cũng là dân tài xế, không làm khó dễ gì ông đâu”, anh Bình kể.
“Tôi dường như bị mất cảnh giác hoàn toàn. Cùng lúc này, xuất hiện thêm một người phụ nữ che kín khẩu trang nói với giọng bênh vực tôi: “Người ta chạy xe có tiền bạc gì mà ông làm khó người ta, xem thế nào rồi cho người ta đền tiền thuốc là được rồi để người ta còn phải chạy xe giao hàng nữa”.
Thấy người phụ nữ nói hợp lý, hơn nữa trên xe đầy hàng hoá, không thể chậm trễ nên tôi quay sang thương lượng với nam thanh niên lạ mặt, với nguyện vọng được đền tiền thuốc. Người thanh niên kia cũng dịu giọng nói: “Được rồi, để tôi điện thoại cho vợ tôi xem con trai của tôi thế nào, nếu không có gì nghiêm trọng thì tôi cho ông đi. Liền sau đó, nam thanh niên rút ra chiếc điện thoại di động rồi bấm số gọi”, anh Bình kể.
Tài xế Bình đang trao đổi cùng PV. |
Sau cú điện thoại, hắn buồn bã nói: “Tôi thì muốn cho ông đi lắm, bởi mình đều là dân tài xế, dễ thông cảm. Nhưng con tôi giờ nặng lắm rồi, vợ tôi không chịu cho ông đi, buộc phải gọi cảnh sát giao thông đến xử lý thôi. Nhưng nếu gọi giao thông thì chuyến giao hàng của ông sẽ gặp nhiều khó khăn. Giờ tôi còn cách duy nhất để “cứu” ông, tất cả các khoản chi phí mà vợ tôi vừa thông báo là 1,8 triệu đồng, ông thu xếp đưa tôi ngay”.
“Vì lo cho việc giao hàng nên tôi chẳng chút do dự, lập tức mượn thêm phụ xe 500 nghìn đồng để giao đủ tiền cho hắn. Nhận tiền xong, hắn phóng như bay theo hướng ngược lại. Xâu chuỗi lại diễn biến, thời gian diễn ra chưa đầy 5 phút thì làm sao đưa nạn nhân kịp vào bệnh viện, và thông báo các khoản chi phí điều trị”, anh kể thêm.
Lợi dụng trạm giao thông, ma cô hù dọa moi tiền tài xế
Một chiêu lừa đảo trắng trợn kiểu khác khiến hàng loạt tài xế đường dài chỉ biết ngậm ngùi. Anh Nguyễn Văn Vân (SN 1975, ngụ huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) kể: “Tôi làm nghề lái xe tải vận chuyển hàng hoá từ nhiều năm nay, mỗi ngày phải va chạm rất nhiều chiêu trò lừa đảo mới.
Gần đây nhất, trong chuyến đưa hàng từ miền Tây đi TP.HCM, do xe tôi chở quá trọng tải nên bị CSGT tuýt còi. Khi xe tôi vừa tấp sát vào lề đường thì đột nhiên xuất hiện một người đàn ông ngoài 40 tuổi, điều khiển xe máy từ hướng chốt CSGT rồi dừng lại trước mặt tôi rỉ tai: “Xe ông chở quá tải, mệt à nghe, chỗ quen biết không hà, tôi cũng từng làm tài xế nhưng “đuối” quá nên nghỉ, ra đây chạy chọt kiếm vài đồng bạc sống qua ngày. Ông đưa tôi “5 xị” (500 nghìn đồng – PV), tôi xin nộp phạt cho, CSGT ở đây đều là người một nhà”.
Sau khi lấy tiền từ tay tôi, người đàn ông được cho là “chim lợn” nhảy vội lên xe máy phóng đi mất dạng về hướng CSGT đang làm nhiệm vụ. Riêng tôi thì cay cú, vì sau đó vẫn phải nhận một biên bản xử phạt vi phạm luật Giao thông. Đến khi tôi thắc mắc về việc mình vừa đưa tiền “nộp phạt” cho một người đàn ông lúc nãy, thì CSGT cho biết tôi đã bị đối tượng ma cô lừa đảo. Đồng thời, các đồng chí CSGT khẳng định, không hề biết những đối tượng trên là ai.
Cũng theo anh Vân, những đối tượng này rất am tường về luật Giao thông. Chúng luôn đưa con mồi vào tròng một cách hết sức tự nhiên. Khi biết con mồi đã cắn câu, bọn chúng từ từ ra tay nên chỉ vài phút thiếu cảnh giác là đám tài xế dễ dàng sập bẫy.
“Sợ đồng nghiệp mắc lừa, lập tức tôi gọi điện thoại thông báo và kể lại việc mình vừa mới “trúng kế” của bọn gian manh, thì những người bạn này cũng nói rằng mình từng là nạn nhân của những chiêu lừa đảo nêu trên. Để cảnh giác, nhiều tài xế đường dài luôn truyền miệng nhau, đoạn đường có trạm giao thông thường là địa điểm bọn lừa đảo lợi dụng để hù dọa moi tiền cánh lái xe, mọi người nên đề cao cảnh giác”, anh Vân nói thêm.
Video tham khảo:
Clip: Ổ nhóm lừa đảo qua điện thoại hơn 6 tỷ đồng
iPhone 5 giá... 1 triệu đồng?
Nói về những chiêu trò lừa đảo trên những cung đường, anh Vân kể thêm: “Sau dịp Tết Ất Mùi, tôi cùng người phụ xe Nguyễn Văn Huy (SN 1993, quê Cần Thơ) đang ngồi uống cà phê ngay bến xe An Sương (TP.HCM) chờ hàng. Một lúc sau xuất hiện một người đàn ông trung niên trong bộ áo quần dính đầy dầu nhớt bước nhanh vào quán, bắt chuyện làm quen: “Anh cũng là tài xế hả, tôi chạy xe khách tuyến Trà Vinh – TP.HCM, chạy cả đêm qua giờ mệt, giao xe cho “lính” trông coi, ra đây cho thư thả”.
Dứt lời, người đàn ông này nói tiếp: “Đêm qua, bị mấy trạm CSGT, rồi thêm kẹt xe ở địa phận Cái Bè nữa. Đến lúc rạng sáng mới bò tới vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM), nhưng tới đây thấy toàn là Quản lý thị trường bắt hàng lậu quá trời luôn, ông có biết không(?!)”.
“Thấy tôi có vẻ thắc mắc, người đàn ông này nói tiếp: “Tội nghiệp chủ hàng, chắc chuyến này trắng tay. Toàn là hàng điện tử thứ thiệt và điện thoại iPhone 5 mà không có chứng từ nguồn gốc. Trong lúc “hỗn loạn” phía chủ hàng có chạy sang xe khách của tôi cầu cứu xin gửi thùng hàng đựng iPhone 5, đồng thời chủ hàng còn dặn “giữ giùm, tôi sẽ để lại cho anh năm chiếc điện thoại xài kỷ niệm, 1 triệu đồng/chiếc”.
Thấy vậy, hai phụ xe của tôi đã tậu hai chiếc iPhone 5, còn ba chiếc nữa thôi là hết phần. Tôi cũng định lấy một cái xài chơi, ông có lấy không, gửi xe tải ở bãi đi xe buýt cùng tôi ra bến xe miền Tây lấy luôn nè”, anh Vân kể tiếp.
“Cách dẫn dắt bắt chuyện làm quen của vị khách lạ này khiến tôi không chút nghi ngờ gì, nên liền theo chân đến bến xe miền Tây mua điện thoại iPhone 5 giá 1 triệu đồng. Đến nơi, người đàn ông đưa tôi vào quán nước ven đường ngồi chờ, yêu cầu tôi đưa tiền đi lấy điện thoại. Vì đã nhiều lần mắc lừa nên tôi đáp nhanh: “Ông cứ đi lấy máy đi, có bao nhiêu chiếc iPhone 5 mang về đây, mỗi chiếc tôi trả thêm tiền công cho ông 2 triệu đồng”.
Biết không thể thuyết phục được tôi đưa tiền, người đàn ông này đành lặng lẽ đi và không thấy quay trở lại. Khi tôi về bãi xe An Sương thì mọi chuyện vỡ lẽ, người đàn ông lúc trước không phải là tài xế xe khách mà là tên lừa đảo chuyên nghiệp, nhờ cảnh giác cao độ nên tôi thoát cú lừa ngoạn mục”, anh Vân cho biết.
Chưa nhận được trình báo của nạn nhân Ngày 7/3, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, đại diện Đội điều tra Công an huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Hiện vẫn chưa nhận được trình báo nào từ các nạn nhân là tài xế xe đường dài. Chúng tôi sẽ rà soát lại thông tin trên và có hướng xử lý phù hợp”. |