Quản trị nhân lực (hay quản lý nhân sự) là ngành học chuyên đào tạo các kiến thức và kỹ năng về quản lý nguồn nhân lực trong các tổ chức, DN. Quản trị nhân lực đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng như thu hút, đào tạo, tuyển dụng, đánh giá và sắp xếp nhân viên phù hợp với vị trí công việc; đồng thời giám sát, lãnh đạo và bảo đảm tuân thủ các quy định về luật lao động và quyền lợi của nhân viên. Tất cả những công việc trên đóng góp vào việc xây dựng và duy trì một đội ngũ nhân lực chất lượng, hỗ trợ cho sự thành công và bền vững của đơn vị, tổ chức.
Theo học ngành quản trị nhân lực, sinh viên được trang bị các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để tiếp thu kiến thức giáo dục chuyên nghiệp; các kiến thức nền tảng về kinh doanh, quản trị và vận hành DN/tổ chức như quản trị học, quản trị chiến lược, quản trị văn phòng, quản trị vận hành, quản trị marketing, quản trị bán hàng, quản trị tài chính, khởi nghiệp…
Cùng với đó, sinh viên cũng được cung cấp những kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực nhân sự thông qua các môn học: quản trị nguồn nhân lực, định mức lao động tiền lương, an toàn lao động, Luật Lao động, hành vi tổ chức, nghệ thuật lãnh đạo, quản trị nhân lực trong môi trường đa văn hóa…
Các kiến thức này sẽ giúp người học có đủ kiến thức, năng lực, kỹ năng thực hành nghề nghiệp quản trị nhân lực; từ khâu hoạch định đến thu hút, tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đến động viên, đãi ngộ, đánh giá nhân sự với kỹ năng giao tế nhân sự chuyên nghiệp và biết thực hiện các chính sách quản lý nguồn nhân lực cho các tổ chức, DN.
Mức lương ngành Quản trị nhân lực có cao không?
Quản trị nhân lực là ngành khai thác, quản lý tài nguyên, con người trong một tổ chức. Người làm việc trong ngành này cần kỹ năng quản lý nhân sự, giúp nhân sự phát huy được tối đa năng lực chuyên môn, cùng tạo ra các giá trị cho công ty, đơn vị.
Theo khảo sát chung của các trường đại học, với sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thì mức lương khởi điểm chỉ rơi vào khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng. Mức lương này sẽ còn có thể tăng lên nếu bạn làm việc tốt, hiệu quả.
Với những người kinh nghiệm 2 - 5 năm tùy theo quy chính sách của công ty, doanh nghiệp hoặc tổ chức khi làm việc ở vị trí Chuyên viên nhân sự tổng hợp sẽ có mức lương dao động 5 - 12 triệu đồng/tháng.
Mức lương quản trị nhân lực của vị trí Giám sát nhân sự tầm trung sẽ cao hơn, dao động khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng. Khi bạn thêm kinh nghiệm và năng lực sẽ được bổ nhiệm làm Trưởng phòng nhân sự với mức lương trung bình từ 15 - 45 triệu đồng/tháng.
Ở vị trí phó phòng nhân sự, trung bình mức lương hiện nay mọi người nhận được khoảng 12 - 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vị trí này đòi hỏi phải từ 3 - 6 năm kinh nghiệm. Trong khi đó, chức vụ Trưởng phòng nhân sự có mức lương dao động từ 15 - 45 triệu đồng/tháng.
Hiện mức lương cao nhất của ngành Quản trị nhân lực đang nằm ở hai vị trí việc làm: Giám đốc khu vực và giám đốc nhân sự. Riêng giám đốc khu vực có mức lương hàng tháng dao động từ 25 - 80 triệu. Trong khi đó, giám đốc nhân sự có thể nhận mức lương lên đến 100 triệu đồng/tháng.
Với phương thức xét tuyển thông qua kết quả thi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể lựa chọn nhiều tổ hợp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân, gồm: A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, tiếng Anh), D01: toán, văn, tiếng Anh; D07 (toán, hóa, tiếng Anh...). Hiện có khá nhiều cơ sở đại học đào tạo và tuyển sinh ngành này, phổ biến như: Đại học (ĐH) Công đoàn, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Lao động xã hội, ĐH Thương mại…