+Aa-
    Zalo

    Mùa xuân ấm áp ở khu tái định cư của người dân tộc Đan Lai

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi đối mặt trước một cuộc di dân lịch sử nữa, với người Đan Lai là cả một thử thách, vượt qua khó khăn.

    Khi đối mặt trước một cuộc di dân lịch sử nữa, với người Đan Lai là cả một thử thách, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cuối cùng người dân cũng đã thấu hiểu, đi xây dựng một cuộc sống yên ổn và no ấm hơn.

    Những ngôi nhà khang trang, kiên cố được xây dựng tại khu tái định cư mới của người Đan Lai.

    Chuyến “di dân” lịch sử

    Những ngày cuối tháng 7/2019, 22 hộ dân tộc người Đan Lai ở bản Cò Phạt và bản Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã tạm biệt nơi chôn rau cắt rốn để đến nơi ở mới. Đây là những hộ dân nằm trong dự án tái định cư thuộc tộc người Đan Lai được thực hiện theo Quyết định 280/2006/QĐ-TTg ngày 16/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông”.

    Sau những bỡ ngỡ ban đầu, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hiện nay cuộc sống của người dân Đan Lai bắt đầu đi vào ổn định. Tuy nhiên, để được thành công như hiện nay là sự vào cuộc, chung tay của các cấp chính quyền từ địa phương đến huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ngoài ra còn lực lượng Kiểm lâm vườn Quốc gia Pù Mát, đồn Biên phòng Môn Sơn.

    Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng cho biết, đây là chính sách đúng đắn của Nhà nước. Do sống biệt lập trong rừng sâu, người Đan Lai còn bị đe dọa bởi tảo hôn và hôn nhân cận huyết kéo dài, làm suy vong giống nòi. Cả bộ tộc hiện nay khoảng hơn 3.000 người. Vì vậy, đề án này như một cuộc giải cứu thực sự khi đặt mục tiêu 146 gia đình tộc người Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt sẽ được di dời ra khỏi rừng sâu.

    Năm 2007, 42 hộ dân đầu tiên đã được đưa đến bản tái định cư Thạch Sơn, ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông cách chỗ ở cũ khoảng 60km. Nhưng phải đến 12 năm sau, 22 hộ dân tiếp theo mới tiếp tục di chuyển đến nơi ở mới. Nguyên nhân do người Đan Lai nơi đây sống quen với vùng lõi Vườn Quốc gia Phù Mát, quen với núi rừng và khe suối nên công tác tuyên truyền, thuyết phục đồng bào về nơi ở mới gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian dài, các cấp các ngành, đặc biệt đích thân Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng vào tận thôn bản động viên, chia sẻ, vận động bà con Đan Lai ra nơi ở mới.

    “Bà con Đan Lai sống ở đây nhiều đời nay. Giờ bà con rời bản làng, rời quê hương sang vùng đất mới cũng thấy có chút hụt hẫng, lưu luyến. Nhưng sang nơi ở mới, thuận lợi về cơ sở vật chất, hạ tầng, có đất sản xuất, mở rộng giao lưu... thì đời sống của người dân sẽ bớt đi khó khăn. Đề án có thể coi là một sự “cứu cánh” đối với tộc người ngủ ngồi trên thượng nguồn sông Giăng”, ông Hùng nói.

    Đón thêm 22 hộ dân mới, ông Ngân Văn Nhung, Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, tự tin khẳng định: “Đã có kinh nghiệm đón 42 hộ dân Đan Lai năm 2007, chính quyền địa phương sẽ nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con sớm ổn định cuộc sống. Ở bản Thạch Sơn bây giờ, diện mạo bà con Đan Lai đã thay đổi hơn rất nhiều. Hiện tại trên địa bàn có 13 bản, 4 dân tộc Thái, Kinh, Đan Lai, Hoa kiều cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 80%. Bà con các dân tộc sống đoàn kết và đùm bọc nhau”.

    Cuộc sống mới của tộc người ngủ ngồi

    Lần này, 22 gia đình sẽ được ở tại khu tái định Bá Hạ - Kẻ Tắt cũng thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Đây là khu tái định cư được quy hoạch với diện tích 100ha, trong đó 1,40ha đất ở; 95,19ha đất sản xuất. Cùng với đó, 35 ngôi nhà sàn và nhiều công trình phụ trợ kèm theo đã được hoàn thành từ năm 2011.

    Nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt, thân tình của những người Đan Lai đã đến định cư từ trước đó, đồng thời tận mắt chứng kiến nơi ở mới khang trang đã xua tan những lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu của bà con. Ông Lê Văn Nhị chia sẻ: “Lúc đầu gia đình không muốn đi đâu. Tiếc lắm. Nhưng nơi ở cũ thuộc rừng quốc gia, cấm săn bắn, phát rẫy, khai thác rừng, nên phải ra thôi”.

    Ông Nhị cùng gia đình 2 người con trai La Văn Hùng và La Văn Bảy là 3 trong số 10 hộ ở bản Búng ký cam kết tái định cư vào nơi ở mới tại Bá Hạ - Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Khi nhìn thấy cuộc sống mới, cả gia đình đều vui mừng, tin tưởng vào tương lai phía trước.

    “Tại bản cũ, đường sá đi lại cũng khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Nay cuộc sống đổi thay nhiều. Bản mới có nhà cửa, đất lâm nghiệp, có ruộng nương nên bà con ai cũng phấn khởi. Bọn trẻ đi học gần hơn, có tivi để xem cũng thấy sướng lắm rồi”, ông Nhị nói.

    Ông La Quang Vinh, Trưởng bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn là 1 trong 42 hộ dân đầu tiên đến bản tái định cư khẳng định lựa chọn ngày xưa không sai lầm. “Ngày đó, nhiều người muốn quay về bản cũ lắm. Tuy nhiên, so với trước đây, cuộc sống của bà con người Đan Lai chuyển ra nơi ở mới có cuộc sống ổn định hơn. Tại đây, bà con cấy lúa nước lấy gạo ăn trên thửa ruộng mới, trồng keo, trồng xoan lấy gỗ bán và nuôi trâu bò trên rẫy. Sau những khó khăn và bất ổn ban đầu, dân bản đã làm quen và yên tâm định cư”, ông Vinh nói.

    Đặc biệt, khi nghe tin có thêm người Đan Lai rời khe ra Kẻ Tắt, bà con ở Thạch Sơn cũng háo hức, đợi chờ. Giờ đây, họ đã là người đi trước, dựng xây cuộc sống ổn định để đón bà con, họ hàng thân thiết tiếp tục theo ra. Để giúp những người dân mới bớt bỡ ngỡ, những ngày đầu các hộ dân ở lâu năm đã tự nguyện sang giúp đỡ, hướng dẫn làm ruộng nước. Vì vậy, những ngày này, không có cảnh đàn ông, đàn bà bên hiên nhà sàn cùng với lũ trẻ ngồi nhìn ra đường chờ hết ngày. Bởi tất cả đang tất bật cấy lúa cho một mùa vụ mới và để sẵn sàng đón Tết cận kề.

    Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông thông tin: “Từ đầu năm 2018, huyện đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với dân nhằm vận động, thuyết phục các hộ tại hai bản trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát là Cò Phạt và Khe Búng chuyển ra nơi ở mới. Huyện cũng đưa người dân đến tham quan khu tái định cư để bà con yên tâm”.

    35 ngôi nhà đã được hoàn thành cách đây 8 năm, tuy nhiên do không ai sử dụng nên rơi vào cảnh bị bỏ hoang. Vì vậy, huyện Con Cuông cũng chỉ đạo ban Quản lý dự án tu sửa các hạng mục cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cộng đồng và các công trình phụ tạo điều kiện cho bà con tái định cư yên tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

    “Trong năm đầu tiên tại nơi ở mới, các hộ sẽ được hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, lương thực; được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất và mua sắm công cụ lao động... và được cấp các loại giấy tờ liên quan đến đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp và đất nông nghiệp. Chắc chắn họ sẽ sớm quen dần với cuộc sống mới ở nơi đây”, ông Sơn khẳng định.

    Xóa bỏ tâm lý tự ti sống khép kín

    Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2019, lần đầu tiên huyện tổ chức Hội chợ phiên của 13 xã, thị trấn tại Mường Quạ, xã Môn Sơn, giới thiệu sản phẩm của đồng bào các dân tộc trong huyện. Ngoài 13 gian hàng của 13 xã, thị trấn, huyện dành riêng một gian hàng cho đồng bào người Đan Lai. Mặc dù bà con chỉ bày bán những củ sắn, đọt chuối rừng, lá rừng để nấu canh nhưng đây là bước ngoặt để bà con Đan Lai xóa bỏ tâm lý tự ti, sống khép kín, dần dần tiếp xúc với kinh tế thị trường.

    ANH NGỌC

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in số 11+12+13+14+ Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-xuan-am-ap-o-khu-tai-dinh-cu-cua-nguoi-dan-toc-dan-lai-a308499.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan