+Aa-
    Zalo

    Mùa về trên tay mẹ

    (ĐS&PL) - Đến giờ, đã ăn nhiều loại bánh chưng ở nhiều miền khác nhau, trong tôi chỉ đọng lại dư vị bánh chưng đã qua tay mẹ. Là vì tôi yêu mẹ hay bởi mỗi mùa xuân qua là bớt đi một mùa mồ hôi trên áo mẹ?

    Khi cái nắng cuối xuân còn mơ màng, tiếc nuối chưa muốn dời khỏi những thảm lúa đương vào vụ, hạt đầy dần, thì mẹ tôi lại mang cuốc ra vườn. Người cặm cụi xới cho đất tơi lên và đặt hạt. Những hạt đỗ xanh tròn vo, chắc nịch, xanh thẫm như mắt một loài chim mà tôi không biết tên. Con chim ấy thường đến mổ nhè nhẹ vào ô cửa kính phòng ngủ của tôi vào mỗi buổi sớm mai, ngày Chủ Nhật. Nay tôi lại bắt gặp ánh mắt ấy, từ những hạt mầm trong đôi bàn tay đã bao mùa đi qua của mẹ. Mẹ bảo: “Ba ngày nữa, hạt sẽ mở mắt, đội mầm chui lên khỏi mặt đất”. Nhìn trên lưng áo mẹ, tôi thấy những giọt mồ hôi đã lấm tấm. Tôi bỗng nhận ra, những giọt mồ hôi ấy là chất dẫn tình yêu, kết nối tôi với mẹ. Mẹ tôi mồ hôi bốn mùa. Đến giờ đã ở tuổi trung niên, bàn chân từng vui buồn trên mọi nẻo, giọt mồ hôi mẹ vẫn luôn là một thứ dấu triện riêng để bừng thức bao nỗi niềm khiến trái tim đầy vết xước của tôi như luôn được mẹ ru vỗ.

    Tôi nhớ ngày còn học mẫu giáo, mẹ đã lôi tôi đi làm đồng. Công việc cơ quan bận tối mắt, cộng thêm hai đêm trực, nhưng mẹ vẫn xin thêm ba sào ruộng để tăng gia. Tôi lớn trước tuổi, xốc xếch như cái mạ tụt, nên dù mới học lớp mẫu giáo 5 tuổi, đã lớn như học sinh lớp 2. Tát nước bằng khau dai, bàn tay mũm mĩm chỉ quen ăn quà nên toàn vục khau hụt, mẹ phải dạy mãi mới biết tát. Lắm khi mệt, tôi cứ đứng ì ra, thế là hầu như buổi nào cũng chỉ đôi cánh tay mẹ dồn lực nhịp nhàng, còn tôi chỉ cầm dây khau cho có. Có buổi chiều quấn khau ra về, hoàng hôn đã xấp xểnh mím sông, cỏ đôi bờ tím rịm, sẫm vào chiều. Mặt sông phẳng lặng như tờ, hừng lên thứ ánh sáng sót lại của ngày, đẹp như là màu tôi chưa được thấy bao giờ. Nón mẹ đội bị gió thốc, lật ngược ra sau gáy, đựng cả buổi chiều. Lưng áo mẹ gió đùa, phồng lên như một cánh buồm. Tôi cọ nhẹ cánh mũi vào, thấy mùi mồ hôi mẹ hăng hăng.

    mua ve tren tay me dspl 1

    Mẹ tôi công tác ở bệnh viện huyện, tôi cất tiếng khóc chào đời ở đó và gắn bó với khu tập thể bệnh viện đến hết lớp 12. Nhà tôi là hai gian nhà cấp bốn thông nhau. Gian trong kê cái hòm đựng thóc bằng gỗ, nhìn ra cửa sổ là góc học tập của tôi. Cái bàn đánh véc ni màu vàng mà bố tôi kì công chở từ đơn vị về. Cạnh đó là cái chạn sơn xanh, ngăn trên cùng đựng thức ăn: Lọ muối vừng, chai mỡ, cá, tép khô, mắm, muối, ngăn giữa để úp bát đĩa, ngăn cuối cùng là chỗ của nồi niêu, xoong, chảo. Khoảng giữa hòm thóc và chảo để vừa đủ một chiếc xe đạp nữ của mẹ. Gian ngoài là chỗ của hai cái giường đôi, chiếc kê sát cửa ra vào vừa làm chỗ ăn cơm, vừa là chỗ ngủ của tôi, dĩ nhiên khi ngủ thì phải trải chiếc chiếu khác. Hai chiếc tủ đựng quần áo, một chiếc bằng gỗ, chiếc kia là cái hòm quân dụng bằng nhôm sơn đen, rất to, bố tôi dựng đứng lên thành tủ chắc chắn, giờ vẫn được kê trong nhà. Trên nóc chiếc tủ tận dụng ấy, bố tôi đặt cái bàn thờ nho nhỏ. Chiếc tủ đen, đến giờ vẫn chứa gia tài bí mật của bố mẹ tôi và có lẽ, chỉ khi nào về già, bố mẹ mới cho phép tôi niệm câu thần chú: “Vừng ơi, mở cửa” chăng?

    Kể dông dài như vậy, là bởi ngày đó nhà tôi nuôi lợn và rất nhiều gà. Bố mẹ phải trổ tài thợ xây, để dựng lên một gian bếp nho nhỏ sau nhà, kèm theo một chiếc bể trữ nước. Khi bắt đầu biết gánh nước, ngày nào tôi cũng vục gầu đầy mấy thùng tôn, kĩu kịt đổ đầy bể. Có hôm giếng trơ đáy, thả gầu xuống, nghe tiếng tôn cọ vào lòng giếng lạo xạo mà ngao ngán. Cái sự gánh nước của tôi hàng ngày là vì mẹ nuôi lợn. Con lợn là cả gia tài với mỗi gia đình viên chức thời bao cấp. Tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc lợn: Băm bèo, nấu cám, cho ăn, tắm táp, rửa chuồng. Mà mẹ mát tay, con lợn nào khi xuất cũng nặng hàng tạ. Vì những lứa lợn như thế mà mẹ tôi sắm sanh thêm được đồ dùng và ba chị em tôi không bị đói.

    Có lứa lợn, mẹ tôi mua được cái phích Hoa sen Trung Quốc rất đẹp. Bố cẩn thận thửa từ đơn vị cái giá đựng phích bằng gỗ. Vào một buổi tối mùa đông, mẹ tranh thủ tạt về nhà ăn cơm để kịp ca trực đêm. Ba đứa chúng tôi vẫn hau háu chờ mẹ về. Mâm cơm đơn sơ chỉ có bã đậu bác trứng với cà chua và đĩa rau muống xào quá lửa (vì ít mỡ nữa), đã quắt lại. Mẹ trệu trạo nhai, thế rồi mẹ ra lấy cái phích, đổ ít nước nóng vào cái bát tô, có chút mì chính để chan cơm. Khi để phích vào chỗ cũ, không may nó đổ ra, nước lênh láng nền nhà, nhưng tệ hơn cả, chiếc phích đã bị vỡ. Mẹ bỏ cả bữa cơm, cứ cầm mãi chiếc vỏ phích trên tay, mùa đông mà tôi thấy trên thái dương mẹ, những giọt mồ hôi rịn ra. Tôi cứ băn khoăn một nỗi, tôi phải mặc áo bông, chỉ mặc chiếc áo đông xuân mỏng, mà sao mẹ lại toát mồ hôi nhỉ? Mãi sau này, khi con gái tôi học lớp 11, tôi mới hỏi mẹ điều ấy. Mẹ thủng thẳng: “Mẹ tiếc của đến toát mồ hôi chứ sao nữa? Bán cả một con lợn, mới đủ tiền mua cái phích”. Ôi mẹ tôi. Người là hiện thân của một thế hệ tảo tần, mồ hôi mẹ rơi xuống, tôi lớn lên.

    Những hạt đỗ, dưới tay mẹ, như có phép màu, bừng lên sự sống tốt tươi. Mỗi bận về nhà, không thấy mẹ trong nhà, chạy ra vườn, chắc chắn tôi gặp mẹ. Người lom khom trên mảnh vườn nhỏ đủ loại cây trái, mùa nào thức ấy. Nhưng hình như người dồn chiu chắt nhiều nhất cho mấy luống đỗ. Mẹ bảo: “Để Tết gói bánh”. Những cây đỗ chấp nắng gió, ra hoa, kết trái, dụ ong bướm đến khu vườn. Có hôm, mẹ mải mê làm vườn, cánh bướm vàng mong manh sà xuống, đậu trên vai áo mẹ, như một niềm vui cứ đầy dần, đầy dần trong tim tôi. Vì một lẽ, chỉ khi ốm, mẹ tôi mới bỏ mảnh vườn.

    Khi đỗ chín, mẹ lại cặm cụi phơi trên những chiếc mâm nhôm. Mẹ bảo: “Phơi thế mới được nắng”. Nắng cuối tháng Sáu, nấu chín cả nước trên mặt vuông ao nhỏ trong vườn mẹ, những quả đỗ cựa mình, tách đôi vỏ, chào tôi bằng những hạt đỗ tròn xoe ngơ ngác. Mẹ cẩn thận, bóc, sàng, sẩy, phơi. Có trưa, đang ngủ thì một cơn mưa kéo đến, mẹ choàng tỉnh, nhớ đến mấy mâm đỗ. Tôi chạy ra cùng mẹ, giọt mưa bóng mây vừa chạm sân gạch đã biến mất, giữa cái nắng như nung. Tôi chưa kịp ra mồ hôi, đã thấy lưng áo mẹ thoáng ướt. Tôi hiểu, tuổi già đã gần hơn với mẹ rồi. Cả tôi cũng đâu còn trẻ, vì khi gặp những cơn gió nghịch mùa, lưng tôi lại ê buốt. Thời gian lạnh lùng và vô thường quá.

    Đỗ khô, mẹ cất trong những chiếc chai nhựa trắng tinh. Thứ đỗ chỉ dùng trong những dịp đặc biệt: Ngày giỗ ông bà nội tôi, ngày Tết. Mẹ tôi dè sẻn, coi đó như một thứ đặc sản. Có lần tôi bảo: “Mẹ mệt thì nghỉ, chợ bán đầy đỗ, cứ cặm cụi cho khổ”. Mẹ vẫn ngồi nhặt nhạnh từng mảnh vỏ đỗ nhỏ còn vương sót lại, thủng thẳng: “Các chị lương được bao nhiêu mà cái gì cũng tiền”. Là nói thế thôi, nhưng lần nào về nhà, mẹ cũng treo xe tôi đủ thứ: Rau, trứng, cá, gà, vịt, hoa quả. Trong mắt mẹ, con dù lớn nhường nào vẫn chỉ là một đứa trẻ.

    mua ve tren tay me dspl 3

    Mẹ về hưu được vài năm, thì căn bệnh đại tràng hành hạ. Tôi đưa mẹ ra bệnh viện Bạch Mai khám. Buổi trưa vạ vật chờ kết quả, tay còn ôm bụng vì đau, nhưng mẹ cứ than thở, lo tôi đi lại nhiều vất vả. Tôi gắt lên: “Mẹ ốm không lo, con khỏe thế sao phải lo”. Nhưng nói xong, tôi kiếm cớ ra ngoài một chút cho thoáng, thực ra là để lau nước mắt đấy thôi. Tôi không muốn mẹ nhìn thấy nước mắt của mình. Tôi đi lẫn vào đám đông, rồi ngó mẹ từ xa. Mẹ tôi mặc tấm áo hoa màu nâu, mái tóc lòa xòa, chưa kịp chải lại, bất giác trong tôi trào lên niềm lo âu mơ hồ. Vì tôi đã quen với việc, mỗi lần về nhà là được gặp bố mẹ khỏe mạnh, vui vẻ, tất bật bên mảnh vườn nhỏ. Đến giờ tôi mới thấy rõ sự ích kỷ của mình, dù tôi đã lớn, những vẫn cứ nhìn mẹ như hồi còn sức khỏe. Khi lấy được kết quả, mẹ cầm tờ giấy A4, đọc đi đọc lại, hồ hởi: “May quá, chỉ qua loa, nhỡ bệnh nặng thì khổ các con”. Tôi đăm đăm nhìn mẹ, trời cuối thu hanh hao mà những sợi tóc mai của mẹ bết mồ hôi. Làm mẹ, là không chỉ sống cho riêng mình, mà luôn sống cho con. Đi hết cuộc đời cũng không đi hết lòng mẹ.

    Cách đây mấy năm, bố tôi phải mổ cấp cứu ở ngoài Hà Nội vì căn bệnh Glocom. Tôi xin nghỉ để chăm bố, mẹ đuổi quầy quậy: “Cứ ở nhà an tâm làm việc, bố mẹ tự lo được. Thi thoảng sang tưới rau cho mẹ là được”. Mà thật lạ, ngày thường, có khi bận, cả tuần tôi mới về, nhưng khi bố nằm viện, ngày nào tôi cũng về. Chủ nhân đi vắng, ngôi nhà buồn tênh. Những lá khô quăn queo lạo xạo dưới chân tôi như nhắc nhớ nhát chổi đều đều của mẹ. Khu vườn của mẹ vẫn tốt tươi, mấy luống đỗ xanh, xòe lá đón gió hây hẩy, cạnh những cây su hào, súp lơ đã vào quả mây mẩy, nây tròn. Bàn tay của mẹ, dù tạm đi vắng, nhưng vẫn sắp xếp cho sự sống đủ đầy.

    Tôi mở căn bếp, xộc vào mũi mùi nấu ăn quen thuộc hàng ngày của mẹ. Sáng sáng, mẹ dậy sớm, bật bếp nấu mì cho bố, mẹ thường ăn cơm nguội cắm lại với muối vừng. Bát mì của bố bao giờ cũng đầy, ngoài thịt thì có thêm quả trứng. Dù bố hôm nào cũng kêu mẹ nấu nhiều, nhưng ông không bao giờ bỏ thừa. Bữa nào bố ăn không hết bát mỳ, mẹ lại lo âu: “Ông ốm rồi đấy”. Yêu thương của người già giản dị vậy thôi. Chợt đập vào mắt tôi là hình ảnh quen thuộc, những lọ nhựa trắng tinh đựng đầy đỗ xanh, mẹ cẩn thận xếp vào góc trong cùng của bàn bếp. Từ trong chai, muôn ngàn con mắt đỗ nhìn tôi không chớp, xanh veo, ngơ ngác lại như rủ rỉ chuyện trò. Tôi tưởng tượng ra tấm lưng mẹ miệt mài bên những vồng đỗ trong nắng sớm.

    mua ve tren tay me dspl 2

    Thế rồi, khi cái rét cắt ngọt vào da thịt, gió bấc thở dài trên cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ, khói bếp loang chiều, mưa lây phây, bầu trời sậm nước, ấy là lúc mẹ bắt tay chuẩn bị nồi bánh Tết. Người nhẩn nha, từng việc, từng việc, cẩn thận như một thứ nghi lễ. Mẹ ngả cái nia ra hàng hiên, đặt lên đó cái thớt và một chiếc chai thủy tinh, tất cả đều sạch sẽ. Mẹ trải một lớp đỗ lên đó, dàn đều và bắt đầu xiết đỗ. Tôi nhìn mẹ miệt mài, khi mẹ xong việc, lưng áo đã đẫm mồ hôi. Dù bao lần tôi nhắc mẹ mang ra hàng để xát, mẹ cứ gạt đi. Mẹ bảo: “Làm thủ công, bánh mới ngon”. Tôi thì cái gì cũng viện đến máy móc, nhưng mỗi khi ăn miếng bánh mẹ gói, tôi lại nhớ lời mẹ. Và tuyệt nhiên, đến giờ, đã ăn nhiều loại bánh chưng ở nhiều miền khác nhau, trong tôi chỉ đọng lại dư vị bánh chưng đã qua tay mẹ. Là vì tôi yêu mẹ hay bởi mỗi mùa xuân qua là bớt đi một mùa mồ hôi trên áo mẹ? Là gì tôi cũng đành bất lực. Chỉ biết rằng, từ khi còn là một đứa trẻ mẫu giáo, cho đến giờ, tôi hiểu ra rằng, giọt mồ hôi của mẹ, không chỉ là vất vả mà còn chi chút trọn vẹn lo thương của lòng mẹ cho con. Cả trong những giấc mơ tôi cũng nhập vào giọt mồ hôi mẹ. Giọt thân thương ấy vẽ ra hình vóc mẹ, đi suốt 46 tuổi mùa tôi. Trên tay mẹ, nhịp nhịp mùa đi, nhưng đứa con như tôi được trở về để được bên mẹ những phút ấm lạnh của đường đời nhọc nhoài. Để tôi biết mang theo lòng trắc ẩn mà đi trong cõi người phù du, vô thường này.

    Nguyên Tô

    Bài đăng trên ấn phẩm đặc biệt tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp 12 số từ 13-24 (16/1 đến 28/1/2023)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-ve-tren-tay-me-a563029.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Với Đảng, mùa xuân!

    Với Đảng, mùa xuân!

    Đảng ta, Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - sáng lập và rèn luyện, ra đời vào xuân 1930 với sứ mệnh và lý tưởng giải phóng cao đẹp – giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc, mang lại tự do ấm no hạnh phúc cho toàn dân Việt Nam.

    Nỗ lực lật lại hồ sơ, tìm mùa xuân cho bị cáo vị thành niên

    Nỗ lực lật lại hồ sơ, tìm mùa xuân cho bị cáo vị thành niên

    Đối mặt mức án 2 năm 3 tháng về tội Cướp giật tài sản, bị cáo chưa thành niên và gia đình rơi vào tình cảnh lo lắng, đứng ngồi không yên. Luật sư Vũ Quang Bá đã vào cuộc và lục lại toàn bộ căn cứ buộc tội và gỡ tội trong hồ sơ vụ án, giúp bị cáo hưởng án treo.