Lan tỏa nhiệt huyết
Nhìn vệt thời gian trôi ngoài phố, hòa với bầu trời trong xanh cùng cái nắng dịu dàng đã dệt nên bức tranh Thu Sài Gòn ấn tượng mà không bất cứ nơi nào khác có được. Tiếc là năm nay, Thu Sài Gòn vắng và buồn! Dịch bệnh thật phức tạp và căng thẳng!
Họ cũng có sự lo lắng, sợ hãi... nhưng không vì thế mà dừng lại, ngồi nhìn! Với tinh thần quyết tâm, can đảm của người trẻ, họ đã làm. Lấy cảm hứng bởi sự êm ả của tiết trời mùa Thu Sài Gòn, Young Battlers Team – 20 sinh viên trẻ của trường đại học Nguyễn Tất Thành đã cùng nhau chọn thực hiện chuyên đề tốt nghiệp mang tên “Sắc Thu giữa lòng Sài Gòn”.
Chuyên đề là dự án thể hiện kiến thức và học hỏi thêm các kỹ năng cho bản thân, như: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, xây dựng ý tưởng, nội dung và hiểu biết thêm về các phương pháp, chiến lược maketing, quảng bá hình ảnh...
Mong muốn của dự án là tạo ra lớp học cho chính mình, tạo nên sân chơi cho những bạn trẻ yêu mến Sài Gòn, đam mê du lịch và trải nghiệm. Từ đó, Nhóm xây dựng nên thước phim thể hiện rõ nét ý tưởng về nét đẹp gần gũi của Thu Sài Gòn.
Đứng trước thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nên có nhiều sự thay đổi mới mẻ của hình thức chuyên đề. Nếu như trước đây, việc thực hiện chuyên đề tốt nghiệp làm trực tiếp, nay đổi sang làm online. Dù ngành du lịch hết sức đặc thù nhưng nhà trường đã tìm hướng đi mới cho phù hợp tình hình, vì vậy, nhóm đã gặp không ít khó khăn ngay từ những bước đầu xây dựng kế hoạch chi tiết.
“Nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhà trường, lãnh đạo Khoa và thầy cô, sự dẫn dắt như người tiên phong dẫn đường của giảng viên - Th.s Thanh Tùng, nhóm đã bước vào “cuộc chiến” thực sự: xây dựng kế hoạch, vẽ được diện mạo, lập các kênh truyền thông liên quan như Fanpage, Youtube... Từ đó, có thể bước đi đúng con đường và hướng đến đích mà nhóm đã đặt ra”, Trần Thị Như Thảo, Trưởng nhóm cho biết.
Trong suốt thời gian thực hiện chuyên đề (từ ngày 15/6), nhóm đã thực hiện rất nhiều các hoạt động, như: Viết các bài viết về mùa thu Sài Gòn, cung cấp bán các sản phẩm thiết yếu trong mùa dịch như (khẩu trang, nước rửa tay...) cho người dân. Số tiền thu được từ các hoạt động trên, nhóm đã trích tiền ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng COVID-19. Đồng thời, quyên góp, ủng hộ các chương trình thiện nguyện của khoa Du lịch và Việt Nam học (trường Đại học Nguyễn Tất Thành).
Sau hơn 2 tháng nỗ lực thực hiện chuyên đề, nhóm đã đạt được một số kết quả cụ thể, khiến cho các thành viên vui hơn bao giờ hết. 20 clip và hình ảnh truyền thông trên fanpage của khoa đạt gần 500 lượt thích và theo dõi ở mỗi bài. Fanpage cá nhân tiếp cận được khoảng 1.000 người, với bài raido mỗi tuần, những hình ảnh bán hàng, các hoạt động quyên góp...
Hàng trăm hộp khẩu trang, chai nước rửa tay cũng đến với người có nhu cầu ở hơn 10 tỉnh thành trên cả nước. Rõ nét hơn, nhóm đã kêu gọi được một số lương thực - thực phẩm hỗ trợ cho Bếp ăn của khoa và tặng cho người khó khăn tại Thành phố, gồm: 300kg gạo, 100kg cá tươi, 300kg rau, củ, quả.
Vào giữa đầu tháng 8, nhóm đã thành lập chương trình “Tiếp sức chống dịch”, kêu gọi tài trợ từ các nhà thiện nguyện và mạnh thường quân. Những bài viết đầu tiên đầy bỡ ngỡ để kêu gọi, vận động ra đời... Rồi nhóm nhận được sự động viên và ủng hộ đến từ nhiều người.
Cứ thế, “người soạn, người gói, tháng đầu tiên phát động chương trình, nhóm đã nhận hàng trăm đơn hàng: khẩu trang, nước rửa tay. Những phản hồi tích cực và lời cảm ơn của khách hàng ngày càng nhiều, đó cũng chính là động lực để Nhóm tiếp tục cố gắng hơn nữa”, Thảo chia sẻ thêm.
Để chuyên đề được tốt hơn, nhóm đã chủ động triển khai các kế hoạch truyền thông, makerting nhằm đưa chuyên đề “Sắc thu giữa lòng Sài Gòn” hài hòa với Chez-Mimosa (hệ thống lưu trú tại TP.HCM) đến thật gần hơn với mọi người, tuy nhiên, do dịch bệnh nên công tác này gặp nhiều khó khăn.
Mùa thu này thật đặc biệt
"Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm thực hiện video tổng kết, hứa hẹn sẽ bùng nổ và tạo cho người xem sự phấn khích. Song song đó, nhóm tiếp tục cung cấp các sản phẩm như khẩu trang, nước rửa tay và giới thiệu sản phẩm/dịch vụ tại chuỗi Chez-Mimosa.... Đồng thời, không quên kêu gọi tài trợ, tiếp sức cho hoạt động thiện nguyện”, Thảo cho hay.
Với slogan “I can do it, you can do it”, cá nhân hỗ trợ cá nhân, cá nhân chủ động hỗ trợ tổ chức, nhóm mong muốn lan tỏa tinh thần tích cực đến người trẻ. Young Battlers Team hi vọng chính sự nỗ lực của nhóm có thể góp thêm động lực và tiếp lửa cho nhiều người trẻ tự tin, dám nghĩ dám làm, cố gắng không ngừng trên con đường đã chọn.
“Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, trường đã có những động thái thích ứng kịp thời: Tất cả chuyên đề tốt nghiệp được thực hiện trên nền tảng số. Theo đó, sản phẩm chuyên đề được thực hiện dưới dạng hình ảnh và video đăng tải trên các Fanpage chuyên đề. Cách làm này là sự ứng biến trước tình hình dịch bệnh nhưng giúp sinh viên vận dụng kiến thức, kỹ năng vào lĩnh vực truyền thông đa phương tiện - lĩnh vực đang rất phát triển hiện nay.
Hơn hết, hình thức “chuyên đề kỹ thuật số” còn phù hợp với tính năng động và thức thời của thế hệ trẻ. Các đề tài rất đa dạng, phong phú thể hiện sự dày công, trau chuốt của sinh viên, từ các điểm du lịch nổi tiếng, khách sạn, nhà hàng tiêu biểu... cho đến ẩm thực, lịch sử, văn hóa, lối sống ở khắp các vùng miền đất nước...”, bà Phan Thị Ngàn, đại diện khoa Du lịch và Việt Nam học, trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết.
“Sẽ không bỏ ai lại phía sau, nhóm đã và đang cố gắng hơn nữa, để có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa những mảnh đời, những hoàn cảnh khó khăn, cùng chung tay góp sức chống dịch. Cầu mong cho Sài Gòn mau khỏi bệnh trở lại quỹ đạo vốn có như lúc trước nhé”, Trần Thị Như Thảo chia sẻ thêm. |
Chí Thanh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (139)