+Aa-
    Zalo

    Mưa lũ tại Quảng Ninh: Ngành than ước tính thiệt hại lên tới 1.200 tỷ đồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh, ngành than ước tính thiệt hại về tài sản và vật chất ước tính lên đến 1.200 tỷ đồng.

    (ĐSPL) - Theo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 4/8, trong trận mưa lũ vừa qua tại tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản và vật chất ước tính lên đến 1.200 tỷ đồng.

    Báo cáo tại buổi họp giao ban Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, trước những vấn đề cấp bách trong phục vụ phát điện, TKV đang dồn sức, tranh thủ lúc ngớt mưa để vận chuyển than tại các mỏ lộ thiên đến các điểm chuyên chở phục vụ cho các nhà máy điện, trong đó ưu tiên tối đa việc cấp than cho các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân…

    Trước mùa mưa, Tập đoàn đã có dự trữ hơn 10 triệu tấn than sạch để phục vụ sản xuất, nhưng do mưa lũ nên sản xuất có thể gián đoạn khoảng 1 tuần nữa.

    Ông Nguyễn Văn Biên cũng cho biết thêm, TKV tiếp tục sửa chữa các tuyến đường vận chuyển, đường sắt vận chuyển than và hệ thống tiêu thụ để cấp than trở lại cho các nhà máy điện; tiến hành thu dọn mặt bằng sản xuất, sửa chữa thiết bị và các công trình xây dựng, khôi phục sản xuất trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, củng cố đê bao các kho than, kè đập, tránh tình trạng đất đá, sạt lở bãi thải; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo…

    Theo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 4/8, trong trận mưa lũ vừa qua tại tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản và vật chất ước tính lên đến 1.200 tỷ đồng.

    Trong trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh, ngành than ước tính thiệt hại về tài sản và vật chất ước tính lên đến 1.200 tỷ đồng.

    Theo TKV, hiện nay, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ vẫn được TKV cũng như các thành viên trong Tập đoàn tiếp tục duy trì với nỗ lực cao nhất.

    Tại một số điểm trọng yếu như khu vực đập chắn suối 9.8 bãi thải Đông Cao Sơn, cơ bản TKV đã củng cố xong các đê ngăn nước trên các tầng từ +200 trở lên và chân bãi thải Đông Cao Sơn; gia cố đập chắn suối 9.8 bãi thải Đông Cao Sơn.

    Hiện, TKV đã đổ xong cơ đê phản áp phía hạ lưu, đang hoàn thiện phương án để khi điều kiện thời tiết cho phép tiến hành thực hiện các biện pháp gia cố, bảo vệ chân và sườn hạ lưu đập.

    Đồng thời, TKV tiếp tục bố trí lực lượng, thiệt bị ứng trực tại chỗ để kịp thời xử lý các nguy cơ phát sinh nếu trời tiếp tục mưa to. Vì vậy, hiện nay khu vực đập 9.8 vẫn được giữ vững.

    Tại khu vực đập chắn số 3 Vũ Môn, sau khi làm xong đê chắn tạm dọc chân bãi thải và xúc dọn bùn đất khơi thông suối Vũ Môn, Công ty than Cao Sơn đã triển khai đổ đá làm thêm đập chắn sát tuyến băng tải than để dự phòng trường hợp trời tiếp tục mưa to, bùn đất tràn qua đê chắn tạm.

    Đến hết ngày 2/8 vừa qua, đơn vị này đã đổ được 300m3 khối đá mỏ với chiều dài 20m, trong ngày 3/8 sẽ tiếp tục thực hiện, phấn đấu xong trong ngày 4/8.

    Đối với mỏ than Mông Dương, trạm bơm mức -97.5 duy trì 4 hệ thống bơm hoạt động bình thường; khu vực Bắc Mông Dương (mức -140) duy trì 2 hệ thống bơm chìm nối tiếp đang hoạt động bình thường.

    Lúc 17 giờ ngày 3/8 đã vận hành được ổn định bơm công suất 720 m3/giờ, bơm nước từ mức -138 lên mặt bằng +10, bơm 200 m3/giờ đầu ngầm T2 đã hoạt động lúc 1 giờ ngày 4/8. Suối thoát nước H10 cơ bản đã được nạo vét, khơi thông.

    Mỏ than Ngã Hai của Công ty than Quang Hanh duy trì trạm bơm mức -50 có 3 hệ thống bơm hoạt động thường xuyên; tầng -175 hiện mức nước dâng mức -146, vẫn tiếp tục duy trì ba hệ thống bơm hoạt động tối đa.

    Mỏ than Khe Tam thuộc Công ty than Dương Huy duy trì hoạt động thường xuyên bốn hệ thống bơm, mức nước vẫn đang kiểm soát được không dâng cao trong hầm lò. Còn tại moong lộ thiên chính đang duy trì hoạt động hệ thống bốn bơm, mức nước hiện dâng lên mức +28,86.

    Các đơn vị miền Tây như Công ty than Vàng Danh đang chỉ đạo việc bơm nước, nạo vét bùn đất. Đến 7 giờ 30 ngày 3/8 nước rút trong giếng mức ± 0 còn 0,3m. Hiện nay, các hệ thống bơm hoạt động bình thường và thường trực, duy trì bơm nước tối đa.

    Các mỏ than hầm lò khác vẫn đang tăng cường bơm thoát nước, duy trì và kiểm soát không để mức nước trong mỏ tăng; các mỏ than lộ thiên tiếp tục tranh thủ lúc ngớt mưa xử lý đất đá thông các tuyến đường, cứu chữa thiết bị, khôi phục tầng khai thác.

    Các mỏ cũng đang tiến hành thu dọn mặt bằng sản xuất, gia cố kè đập, khơi thông hệ thống thoát nước.

    Công ty Tuyển than Cửa Ông đã nỗ lực khôi phục các tuyến đường sắt miền Tây và miền Đông. Tạm thời có thể kéo than từ các mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu, Cao Sơn.

    Công ty Tuyển than Hòn Gai phối hợp với Công ty than Hà Tu tiếp tục xúc dọn đất đá bồi lấp và sửa chữa máng ga Lộ Phong do cơn mưa lớn ngày 3/8 gây nên sau rất nhiều nỗ lực để xử lý các sự cố ở ga này trong những ngày trước đó.

    Công ty than Hà Tu phối hợp với Công ty than Núi Béo và Công ty than Hà Lầm nỗ lực tối đa để sửa chữa thông tuyến đường vận chuyển than từ các mỏ về máng ga Lộ Phong.

    Ông Nguyễn Văn Biên cho hay, tại Công ty than Hà Lầm, đập chắn +70 do đất đá bãi thải của Núi Béo trôi gây sạt bờ kè dẫn đến nước tràn vào kho than +70 của Hà Lầm làm trôi mất khoảng 7 nghìn tấn than sạch. Còn tại khu vực Cẩm Phả, mỏ Mông Dương bị bùn đất lấp đầy làm gián đoạn hoạt động khai thác than. Mưa lớn, cũng làm sạt lở gây ách tắc tuyến đường sắt chuyên dụng vận tải than...

    "Nhiều mỏ bị ngập và lượng nước tăng lên hàng chục mét, dự kiến mất từ 3-5 tháng sản xuất mới hoạt động ổn định trở lại", ông Biên nói.

    Liên quan đến mưa lũ tại Quảng Ninh, ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thừa nhận, trong trận mưa lũ tại Quảng Ninh, phía TKV bị thiệt hại nặng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

    Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Vinh cho rằng, Tập đoàn cần quan tâm đến các đập chắn dưới chân các bãi thải xỉ than để tránh gây tác động đến môi trường. Nếu không giữ an toàn cho các đập chắn, thiệt hại về môi trường còn lớn hơn nhiều.

    "Mưa lũ trong thời gian tới, khả năng mưa lũ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do vậy, Tập đoàn cũng như các đơn vị liên quan cần bố trí tăng cường lực lượng thường trực, ứng phó với bão lũ…", ông Vinh nói thêm.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    [mecloud]e9FEygzHls[/mecloud]


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-lu-tai-quang-ninh-nganh-than-uoc-tinh-thiet-hai-len-toi-1200-ty-dong-a104826.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.