Báo Quảng Ngãi đưa tin, sáng 14/11, Sở GD&ĐT tỉnh có thông báo đến các cơ sở giáo dục, các phòng GD&ĐT về việc chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trước, trong và sau mưa lũ.
Nguồn tin cho biết, Sở GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục, các phòng GD&ĐT theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình mưa, lũ trên các phương tiện truyền thông để chủ động triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Chủ động cho học sinh nghỉ học, nhất là ở các vùng trũng, ven sông suối của các huyện miền núi và hạ lưu các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố.
Để đảm bảo hạn chế thiệt hại về tài sản, Sở cũng yêu cầu các trường tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài sản, có nguy cơ ngập nước, di chuyển đến vị trí khác đảm bảo an toàn. Chủ động phân công cán bộ, bộ phận có liên quan trực ban nghiêm túc, sẵn sàng ứng phó với các tình huống. Chủ động các phương án theo kế hoạch, sau lũ khẩn trương khắc phục để đảm bảo tiến độ chương trình năm học.
Nguồn tin địa phương cho biết, trong sáng cùng ngày, nhiều huyện đã chủ động cho học sinh nghỉ học vì trên địa bàn 2 địa phương này có nhiều điểm sạt lở, ngập cục bộ do mưa lớn trong 2 ngày qua. Đặc biệt là huyện miền núi Sơn Hà đã cho 20.000 học sinh nghỉ học.
Cập nhật tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, báo Tuổi trẻ đưa tin, ông Nguyễn Ngọc Trân, chủ tịch UBND huyện miền núi Sơn Tây, cho biết huyện có mưa lớn, cường độ mưa có nơi lên đến hơn 300mm, nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây chia cắt giao thông.
Ông Trần Thanh Trung - phó chủ tịch UBND huyện miền núi Sơn Hà - cho biết mưa xối xả, lũ trên sông Rin đang lên nhanh, sạt lở diễn ra ở nhiều nơi, cầu Sông Rin cũng đã ngập, chia cắt giao thông.
Tại huyện Sơn Hà, mưa lớn làm các cầu Thạch Nham, Sơn Giang - Sơn Linh, Tầm Linh, Sơn Kỳ ngập sâu gần 1m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Tuyến quốc lộ 24B đoạn qua các xã Sơn Thành, Sơn Hải, Sơn Thủy và Sơn Kỳ bị chia cắt cục bộ; huyện cũng di dời 5 hộ dân tại điểm sạt lở núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng).
Để đảm bảo cho người dân, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo và cử lực lượng canh gác ở những nơi ngập sâu và sạt lở, không cho người và xe qua lại.
Tại huyện miền núi Ba Tơ, rạng sáng 14/11 xảy ra vụ sạt lở đất khiến ngôi nhà của bà Đỗ Thị Yến Nhi (thôn Làng Mạ, xã Ba Tô) bị sập một mảng tường. Rất may, không có thiệt hại về người.
Trước nguy cơ sạt lở đất, chính quyền xã Ba Tô đã di dời một số hộ dân ở thôn Làng Mạ đến nơi an toàn.
Tại các huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ cũng chia cắt cục bộ một số tuyến đường giao thông. Nước lũ trên các sông đang ở mức báo động 1, dự báo trong 24 giờ tới sẽ lên báo động 3.
Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, lượng mưa 24 giờ qua đo được tại các trạm thấp nhất là 289mm, cao nhất là 473mm.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn, sáng 14/11, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã phát công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên địa bàn, thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó.
Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu đến nơi an toàn.
Đặc biệt, lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở và có nguy cơ cao bị sạt lở tại các huyện miền núi: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà.
Bảo An(T/h)