(ĐSPL) - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 từ ngày 19 - 21/8 ở khu vực phía Bắc có 13 người chết, 3 người mất tích và 5 người bị thương.
Tin tức trên báo Thanh niên, chiều 21/8, ông Lại Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La, cho biết địa phương này có thêm 1 người mất tích do bị lũ cuốn trôi.
Nạn nhân là cháu Mùa Thị S. (10 tuổi, ở bản Cán Mang, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên), đến cuối giờ chiều vẫn chưa tìm được thi thể.
Còn tại huyện Mường La, lũ lụt quét qua khu dân cư ở bản Lò Phon, xã Ngọc Chiến đã làm 2 người bị thương.
Nguồn tin cho biết, ở Sơn La, trong đêm 20/8, mưa lũ gây nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh với trên 360 ngôi nhà bị ngập, trên 40ha hoa màu bị cuốn trôi, 80 hộ dân phải sơ tán tránh lũ và hơn 137km kênh, cầu cống thủy lợi bị mưa lũ phá hủy, làm hư hỏng với tổng thiệt hại lên tới hơn 33 tỉ đồng.
Theo ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, tính đến chiều 21/8, tổng thiệt hại do hoa màu mất trắng, sạt lở đường giao thông, các công trình thủy lợi, cầu cống dân sinh bị mưa lũ phá hủy đã lên tới trên 200 tỉ đồng.
Thống kê ở tỉnh Lào Cai cho thấy, đến ngày 21/8, mưa lũ đã gây thiệt hại trên 100 tỉ đồng ở tỉnh này. Các điểm sạt lở đất lún nứt trên QL4D từ TP Lào Cai đi Sa Pa và Lai Châu cơ bản đã được khắc phục, nhưng qua rà soát, nhiều đoạn trên QL4D thuộc địa phận huyện Sa Pa xuất hiện nhiều vết lún nứt có nguy cơ cao sạt lở và đứt gãy đường.
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các tỉnh miền núi phía bắc, mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 từ ngày 19 - 21/8 đã làm 13 người chết, 3 người mất tích và 5 người bị thương.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, theo báo cáo nhanh của các địa phương Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ và Thanh Hóa, số liệu trên đã loại trừ các trường hợp chết người do vớt củi trên sông hoặc những nguyên nhân khác ngoài tác động của mưa lũ.
Bão, mưa lũ làm 44 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 651 nhà bị tốc mái, hư hại; 1.511 nhà bị ngập nước; 2.154 nhà di dời khẩn cấp.
Về nông nghiệp có khoảng 8.843ha lúa và 1.189ha hoa màu bị ngập úng (Hà Nội có 3.064ha; Vĩnh Phúc đã có 2.560ha lúa và 138ha hoa màu bị ngập, trong đó 955ha bị mất trắng); 595ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 252 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy đổ.
Nhiều diện tích hoa màu của người dân xã Hòa Mạc (huyện Văn Bàn, Lào Cai) bị hư hỏng. Ảnh: Thanh niên. |
Về giao thông có 14 cầu nhỏ, ngầm tràn bị cuốn trôi, nhiều vị trí tại các quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập nước hoặc bị đất đá vùi lấp gây ách tắc giao thông.
Về ngành điện có 1 lộ đường dây 500KV, 22 lộ đường dây 110kV bị sự cố, lưới điện phân phối có 115 sự cố, 63 cột điện bị gãy, đổ.
Tại Bắc Giang, nước lũ gây 2 sự cố sạt lở mái đê phía sông thuộc tuyến đê tả Cầu, tại K40+080 huyện Việt Yên xuất hiện cung sạt dài 5m, rộng 2m, sâu 1m; tại K49+700 xuất hiện cung sạt, dài 3m, rộng 2m, sâu 1m.
Tại Hải Dương, đê tả Lạch Tray bị sạt lở mang cống Đầm Tôm dài 4m, sâu 1,2m, lấn sâu vào mái đê 0,4m. Sạt mái đê phía đồng tại K41+381 đê hữu Kinh Thầy, cung sạt dài 6m, sâu 1m, lấn sâu vào mặt đê 1m.
Tại Ninh Bình đã xảy ra sự cố sạt lở 2 tuyến kè trên đê hữu Đáy thuộc địa bàn huyện Yên Khánh gồm kè Độc Bộ đoạn K41+150-K41+540 đê hữu Đáy với 390m mái kè bị hư hỏng, bong xô. Đặc biệt, đoạn K41+200-K41+225 với 25m bị sụt toàn bộ mái kè, sạt sâu vào trong bãi 4,2m, vị trí cung sạt cách chân đê 12m; đoạn K41+400-K41+510, dài 110m, sụt toàn bộ mái kè, sạt sâu vào trong bãi 3,9m, vị trí cung sạt cách chân đê 6m.
Kè Âu Xanh đoạn K44+450-K44+790 đê hữu Đáy dài 340m, toàn bộ mái kè bị sụt, sạt nghiêm trọng.
Cơ quan khí tượng cảnh báo ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam, Thanh Hóa.
BẢO KHÁNH(Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud]khPpMnlPCf[/mecloud]