Chiều nay 6/9, một trận mưa lớn đã trút xuống TP.HCM trong suốt hơn 2 giờ liền, gây ngập nhiều tuyến đường.
Mưa kèm theo giông đã quật ngã một cây cổ thụ bên trong hàng rào của Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Tán cây đổ ra vỉa vè và một phần lòng đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn gần đến cầu Thị Nghè. Một người bán hàng rong trú mưa gần đó cho biết, may mắn không ai bị gì.
Tại ngã tư Hàng Xanh, nhiều người dừng xe đứng trú mưa phía dưới cầu vượt, đã khiến cho khu vực này bị tắc nghẽn lưu thông. Càng về tối, tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng do lượng xe dồn ứ, không thoát kịp.
Nhiều người cho xe chạy vòng về phía đường D2, nhưng lại gặp cảnh ngập đường trên các hành trình từ đường D2 về đường D5, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh và Quốc lộ 13. Còn tại đường Đinh Bộ Lĩnh, nước ngập kéo dài khoảng 1 km. Nhiều xe chết máy khi đi qua những đoạn ngập sâu, phải dắt bộ.
Tại đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) tình trạng nước ngập xảy ra trên đoạn đường dài, có nơi nước ngập đến nửa bánh xe. Chị Nguyễn Thị Hiệp, một người dân sống ở đường Bạch Đằng cho biết: “Do cống ở nơi đây không thông thoáng nên mỗi lần mưa lớn là ngập. Nhà tôi phải lập bờ bao để chắn nước lại”.
Tại đường Tân Hóa (Q.11), Hồng Bàng (Q.Tân Phú)… được xem là “rốn lũ” của thành phố, cũng diễn ra tình trạng ngập nước tương tự; có nơi ngập sâu 30 - 50 cm.
Ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, nguyên nhân mưa lớn là do gió mùa tây nam đang hoạt động mạnh trên toàn khu vực Nam bộ, đồng thời còn chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông.
Chiều nay, tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Theo ông Giám, mưa lớn ở Nam bộ sẽ còn tiếp tục xảy ra vào ngày mai, 7/9. Trong lúc đó, vùng hạ lưu các sông Nam bộ đang bước vào kỳ triều cường Rằm tháng tám Âm lịch.
Dự báo mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới. Đỉnh triều cường cao nhất trong đợt này sẽ xuất hiện trong các ngày từ 10 - 12/99 (17 - 19 tháng tám Âm lịch). Thời gian xuất hiện đỉnh triều cao nhất trong ngày từ 16 - 18 giờ. Đỉnh triều buổi sáng thấp hơn, xuất hiện từ 4 - 6 giờ.
|
Mưa to kèm theo giông mạnh đã quật ngã một cây cổ thụ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn. |
|
Cảnh ùn tắc giao thông khu vực ngã tư Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh, vào chiều tối 6/9. |
|
Cảnh ngập trên đường D2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. |
|
Đường Tân Hóa (Q.11) luôn trong tình trạng ngập nặng mỗi khi trời mưa. |
|
Nước ngập tại đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh). |
|
Nhiều xe phải di chuyển chậm, kéo dài suốt tuyến đường. |
|
Tại đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) nước ngập khiến con đường như một con sông. |
|
Xe chết máy, nhiều người dân phải đẩy bộ. |
|
Tại đường Hồng Bàng (Q.Tân Phú). |
|
Nước tràn vào nhà dân lênh láng trên đường D1. |
|
Nhiều người phải cõng con vượt qua đường đang bị ngập sâu trên đường D.1. |
|
Nước mênh mông ở tuyến đường D1. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-hon-2-gio-lien-sai-gon-menh-mong-nhu-song-a49640.html