Báo Công an Nhân dân đưa tin, chiều 31/3, TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã có mưa lớn kéo dài sau nhiều tháng hạn hán, nắng nóng gay gắt.
Mưa lớn kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, bắt đầu từ 13h20. Một số khu vực còn xuất hiện mưa đá cục bộ.
Anh Trần, người dân phường 4, TP Đà Lạt cho biết mưa đá rơi rất nhiều, tạo thành lớp trước sân nhà anh. Sau khoảng 15 phút, đá ngưng rơi nhưng mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống.
"Sáng nay trời vẫn nắng, đến khoảng 12h mây đen kéo tới, mưa như trút nước giải nhiệt cho thành phố", anh Trần nói với Vnexpress.
Cơn mưa chừng một giờ khiến các tuyến đường trung tâm quanh hồ Xuân Hương như Yersin, Trần Quốc Toản, Nguyễn Trãi... ngập úng do nước không thoát kịp. Xe đi qua khu vực gặp nhiều khó khăn.
Mưa kèm đá cũng được ghi nhận tại một số khu vực lân cận TP Đà Lạt. Chị Gia Hân, trồng hoa cúc ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, nói lượng đá khá dày làm sập một giàn tre ở khu vực nhà màng của gia đình, song không gây thiệt hại hoa cúc của gia đình do được trồng trong nhà kính.
Dù xuất hiện mưa đá những đối với những người dân làm nông nghiệp thì đây được ví như “cơn mưa vàng”.
Được biết, từ tháng 11/2023 tới nay, nhiều khu vực của tỉnh Lâm Đồng không có mưa.
So với năm trước, mưa đầu mùa tại Lâm Đồng đã tới trễ hơn nhiều tuần. Điều này khiến nguồn nước dự trữ ở các sông suối, ao hồ bị cạn kiệt.
Nhiều khu vực, không chỉ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn thiếu cả nguồn nước nguyên liệu để các nhà máy sản xuất nước sạch hoạt động. Hiện một số địa phương của TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương đã bị cắt nước luân phiên để tập trung nước cho các khu vực trung tâm, nơi tập trung đông dân cư và các dịch vụ kinh doanh nhà hàng, khách sạn.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, rất nhiều ao hồ thủy lợi trên địa bàn đã cạn nước, nhất là các ao hồ nhỏ thuộc sở hữu của người dân. Nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tháng qua khiến nhu cầu sử dụng nước tưới cho cây trồng, nhất là cà phê gia tăng đột biến. Nhiều khu vực, do ao hồ đã cạn sạch nước, người dân đành bất lực nhìn hoa màu chết dần.
Tại Lâm Đồng, khoảng 2.100ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng trước tình trạng khô hạn kéo dài, nguồn cấp nước bị sụt giảm cục bộ.
Những ngày gần đây, một số khu vực của tỉnh Lâm Đồng đã có mưa. Tuy nhiên, năm nay lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt thấp, chỉ bằng khoảng 20% so với năm trước. Số ngày nắng nóng tiếp tục tăng, biên độ nhiệt thay đổi giữa ngày và đêm lớn. Mực nước trên các sông suối vẫn đang giảm mạnh.
Theo Đài khí tượng Thủy văn Lâm Đồng, cơn mưa đến sau khoảng hai tháng Đà Lạt không mưa. Thời tiết này do ảnh hưởng rìa phía Đông Nam của vùng áp thấp phía Tây đang phát triển gây mưa rào và giông.
Một chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, mưa đá ở Đà Lạt xảy ra do mây đối lưu phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng trước đó. Điều này khiến không khí có sự bất ổn định lớn và chuyển động đưa khối mây nóng ẩm lên cao, vượt qua tầng đối lưu. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, đến mức 0 độ C, hơi nước ngưng kết, đóng băng (cơ chế như nước đá) tạo thành hạt đá rơi xuống. Đây không phải là hiện tượng thời tiết bất thường. Các năm trước vào những cơn mưa đầu mùa, Đà Lạt và khu vực lân cận cũng xuất hiện mưa đá.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, nhận định tỉnh Lâm Đồng đang vào giai đoạn chuyển mùa, những hình thái thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét thường xảy ra, tần suất nhiều vào những ngày tới, đặc biệt ở các huyện Đơn Dương, Đức Trọng.
"Những trận mưa này thường gây ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp. Người dân cần quan tâm những bản tin dự báo thời tiết, đề phòng nguy cơ sạt lở đất, ngập úng", ông Huấn nói.
TD(T/h)