(ĐSPL) – Cha nuôi bé Công- cháu bé trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, cho hay, anh rất sợ bé Công bị bán ra nước ngoài, bị bán nội tạng hay có một cuộc sống khổ cực, không tương lai.
Bé Cù Nguyên Công. |
Như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin, chiều 4/8, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an Hà Nội cho biết đã chính thức khởi tố vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.
Trước đó, ngày 1/8, PC45 nhận được đơn của gia đình trình báo cháu Cù Nguyên Công mất tích. Ngày 3/8, cảnh sát đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, bảo mẫu chùa Bồ Đề) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định việc hai nghi phạm đã thực hiện việc mua bán bé Cù Nguyên Công (trẻ sơ sinh được nuôi tại chùa Bồ Đề vào cuối năm 2013) với giá 35 triệu đồng. Ngay sau khi bị bắt, Nguyễn Thị Thanh Trang đã khai nhận hành vi “mua bán trẻ em” được nuôi tại chùa Bồ Đề của mình.
Báo Đời sống và Pháp luật đã tiếp xúc với cha nuôi của bé Công và ghi nhận nhiều tình tiết xung quanh sự việc trên.
Cơ duyên cha con gặp nhau
Cha nuôi của bé Công, anh Nguyễn Thanh Long (Hà Nội) có cơ duyên đến chùa Bồ Đề từ rất lâu, từ khi anh còn là sinh viên.
Thời gian gần đây, anh đã hợp tác với một quỹ từ thiện ở nước ngoài và trong những lần đến chùa làm từ thiện, anh đã gặp bé Công, sau đó nhận bé làm con đỡ đầu.
Cũng trong thời gian này, anh Long khá thân thiện với Nguyễn Thị Minh Trang (đối tượng vừa bị bắt- PV), do Trang luôn tạo điều kiện cho anh Long chăm sóc các bé. Chính Trang giới thiệu cho vợ chồng anh Long nhận bé Công làm con nuôi, sau đó anh đặt tên bé là Cù Nguyên Công.
Nhiều người hỏi tại sao lại không đặt họ Nguyễn mà lại là họ Cù, anh Long cho hay, đặt theo họ nhà chùa và tránh lấy họ Nguyễn, tránh việc nhà anh đã có 2 con trai rồi, khi Công về chơi nhà thì lại là “tam nam bất phú”. Hơn thế, anh muốn tương lai của bé bảo toàn về sự nghiệp nên gọi là “Nguyên Công”. Trong khi đó, vợ anh gọi tên cháu ở nhà là Lãi.
Khi Lãi về nhà anh Long (thỉnh thoảng anh chị đón bé Công từ chùa về chơi vài hôm), hàng xóm và hai con trai của anh Long đều thích, cảm thấy gắn bó.
“Trách nhiệm và sự nỗ lực của tôi không nằm ngoài mục đích đảm bảo cuộc sống của bé Công vì thực sự tôi rất sợ bé Công bị bán ra nước ngoài, bị bán nội tạng hay có một cuộc sống khổ cực không tương lai”, anh Long chia sẻ.
Bé Công chưa chết?
Cho rằng bé Công không thể mất tích một cách đột ngột và khó hiểu như thế, đồng thời khi phát hiện ra dấu hiệu bất thường cũng như những giải thích lòng vòng từ phía nhà chùa đã khiến anh nghi ngờ.
Anh Long kể: Chiều ngày 31/12/2013, Trang gọi điện cho vợ tôi nói rằng: “Chuẩn bị có đoàn kiểm tra đến nên đề nghị đưa bé về ngay. Tối hôm ấy vợ tôi buộc phải đưa Lãi về chùa theo yêu cầu, trong khi các anh chị của Lãi đều không muốn.
Đến ngày 4/01/2014, anh Long đã gọi điện cho Trang để hỏi thông tin về Lãi. Trang cho biết: Bé Công được gia đình đón về với sự chứng kiến của chính quyền địa phương và sự đồng ý của thầy (ý nói trụ trì Thích Đàm Lan).
Trang cũng không nắm được thông tin về địa chỉ bố mẹ đẻ của Lãi và hứa sẽ xem trong hồ sơ rồi báo lại. Trang chỉ biết rằng: mẹ đẻ của Lãi tự sinh Lãi trong một nhà nghỉ, tự cắn rốn và rồi bỏ Lãi ở đó. Nhà nghỉ phát hiện ra, sợ hãi quá mang Lãi đến chùa Bồ Đề. Không hiểu lí do gì mà gia đình của mẹ đẻ biết được chuyện này và ép mẹ đẻ Lãi đi tìm Lãi. Mẹ đẻ quay lại nhà nghỉ và biết Lãi đã được đưa đến chùa Bồ Đề. Gia đình và mẹ đẻ đã đến chùa Bồ Đề làm việc và xin nhận lại Lãi với sự chứng kiến của chính quyền.
Tuy nhiên, rất nhiều lần sau đó, khi vợ chồng anh Long hỏi thông tin về địa chỉ để tiếp tục giúp Lãi, thì không được trả lời. “Vợ tôi có hỏi thì nhận được những giải thích không khớp nên rất ấm ức trong lòng”, anh Long cho biết.
Khi lần mò liên lạc được với H., người được cho là mẹ đẻ của bé Công thì H. cho biết bé Công đang ở với Nguyệt (đối tượng đã bị công an bắt cùng với Trang- PV). Anh Long đã điện cho Nguyệt, chỉ với mong muốn hẹn Nguyệt đưa em bé qua nhà chơi, cho dù Nguyệt đã nhiều lần nhận lời nhưng cứ lần lữa.
Cất công về quê nhà H. tìm hiểu, sau khi anh Long gặp và nói chuyện thì H. thừa nhận đã chuyển bé Công cho người khác nuôi và có nhận tiền.
Trước thông tin cho rằng bé Công đã mất do bệnh tật, anh Long cho hay, trong sâu thẳm trái tim mình, vợ chồng anh không bao giờ tin vào điều đó.
Bởi, khi anh Long cùng một nhóm người về quê Nguyệt để xác minh thông tin và chứng kiến những tình tiết bất ngờ. Dù bố chồng Nguyệt có cho xem ảnh của một đứa bé rất giống bé Công, nhưng anh vẫn hỏi ông rằng liệu ông có nhìn thằng cu trước khi bé mất không, chỉ thấy ông ấp úng. Điều này khiến anh càng nghi ngờ.
Anh chia sẻ: “Thằng cu được cho rằng đã chết có phải thằng cu Công không thì tôi cho rằng không chắc. Cả hai vợ chồng tôi đều không tin rằng bé Công không còn trên đời này nữa. Có lẽ Công vẫn đang sống ở đâu đó. Nếu ở gia đình tốt thì không sao, nhưng nếu không thuận lợi thì gia đình tôi muốn đón cháu về nuôi”.
Một điều nữa khiến anh Long và nhóm người đi cùng rất ngạc nhiên khi đến nhà bố mẹ chồng Nguyệt là gia đình không có ban thờ riêng cho Công, người được coi là máu mủ, trong khi gia đình nói cháu mới mất. Khi hỏi đã có ai thay tã cho cháu chưa thì bà mẹ chồng ú ớ, lái câu chuyện sang hướng khác. Anh hỏi thêm bố chồng Nguyệt xem tai thằng cu giống ai thì ông cũng ú ớ như không biết. Tất cả những phản ứng đó xâu chuỗi lại làm anh Long và nhóm người đi cùng cảm giác nghi ngờ những gì Nguyệt nói và không tin là bé Công thực sự đã chết.