Theo Vnexpress, Công ty Gilimex (Việt Nam), doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM, kiện khách hàng lớn nhất của họ là Amazon Robotics vì dừng đơn hàng đột ngột và đòi bồi thường 280 triệu USD (hơn 6.500 tỷ đồng). Gilimex đã công bố thông tin trên HoSE ngày 15/12.
Tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Lê Hùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Gilimex, cho biết, Amazon là một trong những khách hàng của công ty từ năm 2014. Tuy nhiên, “trong quá trình hợp tác, Amazon đã vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận”. Việc vi phạm này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Theo đơn kiện, năm 2019, Gilimex đã bán 518.000 cấu trúc FPA cho Amazon. Con số này tăng vọt lên 936.000 cấu trúc vào năm 2021 và đạt mục tiêu sản xuất 1 triệu cấu trúc trong năm nay.
Đơn kiện viết rằng Gilimex đã mở rộng đáng kể công suất nhà máy, dành tất cả dây chuyền chế tạo để đáp ứng yêu cầu của Amazon, đồng thời cắt đứt quan hệ với các khách hàng khác theo đề nghị của tập đoàn đặt trụ sở tại Seattle này.
Cũng trong đơn khiếu nại dài 32 trang, mối quan hệ đối tác giữa hai bên được xây dựng dựa trên “sự tin tưởng”. Tức nhà sản xuất này dựa vào các dự báo của Amazon để mua nguyên liệu, đầu tư vào công suất nhà máy, nhân viên..., nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của Amazon.
Thậm chí, nhằm đáp ứng nhu cầu của Amazon trong lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh, công ty may đã phải di dời các cơ sở sản xuất, đóng gói để tiếp tục sản xuất.
Đơn kiện cho biết thêm Amazon cam kết với Gilimex rằng họ là đối tác chiến lược và Amazon sẽ thông báo đầy đủ trước cho Gillimex nếu chấm dứt quan hệ hợp tác.
Công ty may này cũng đã tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hàng năm. Nguồn tin thân cận với Gilimex tiết lộ 7.000 nhân viên của công ty này đã gặp nhiều khó khăn vì bị Amazon chấm dứt hợp đồng.
Nguồn tin thân cận với Gilimex tiết lộ 7.000 nhân viên của công ty tại Việt Nam này đã gặp nhiều khó khăn vì bị Amazon chấm dứt hợp đồng.
Việc chạy theo Amazon từng khiến Gilimex trở thành ngôi sao sáng, nhưng giờ đây trở nên bất định khi bị đối tác "quay lưng".
Theo báo cáo tài chính, doanh thu quý 3-2022 của Gilimex bị sụt mạnh xuống 213 tỉ đồng, tương đương giảm 83% so với quý trước và giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù khoản lãi ròng tăng lên mức 129 tỉ đồng, song lại chủ yếu đến từ khoản thanh lý đầu tư vào công ty liên kết.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu GIL của công ty đã ngay lập tức phản ứng với thông tin này. Mã này bị bán tháo ồ ạt trong phiên hôm nay, giảm kịch sàn xuống 26.250 đồng, với dư bán cuối phiên hơn 1,7 triệu đơn vị. So với mức đỉnh hồi đầu năm, thị giá GIL hiện đã giảm gần 70%.
Hoa Vũ (T/h)