Thấy người phụ nữ đầu tóc rối bời, mặt mày sưng húp, mắt đỏ ngầu đến hỏi mua đồ tạp hóa khiến nhiều người chú ý. Liếc thấy con dao nhọn ở cửa hàng, người phụ nữ lóe lên ý nghĩ sẽ dùng nó để trả thù kẻ vừa đánh vừa xúc phạm mình. Nhân lúc mọi người không để ý, chị ta lén lấy trộm con dao, lạnh lùng tìm đến phòng cấp cứu...
Án mạng ở phòng cấp cứu
Số phận oan nghiệt đã biến Bạch Thị Bằng (SN 1980, trú tại bản Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) trở thành kẻ sát nhân. Bằng bị TAND tỉnh Hà Giang tuyên phạt 10 năm tù về tội Giết người theo quy định tại khoản 2, Điều 93, BLHS.
Nữ phạm nhân này hiện đã thụ án được hơn 3 năm tại trại giam Quyết Tiến – Bộ Công an.
Ngay khi được cán bộ quản giáo dẫn đến gặp chúng tôi, vẫn khuôn mặt quê mùa, hiền lành, Bằng rụt rè bỏ chiếc nón và ngại ngùng ngồi xuống ghế. Sau một thời gian thụ án, được các cán bộ trại giam động viên, quan tâm, hiện Bằng đã ổn định tâm lý, bớt suy sụp hơn lúc mới vào. Đã hơn 3 năm kể từ ngày Bạch Thị Bằng gây ra trọng tội, nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên má, chúng tôi hiểu nữ phạm nhân này vẫn chưa thôi day dứt, ân hận về tội lỗi của mình.
Hôm đó, nhận được tin em trai tên là Khánh bị tai nạn đang phải cấp cứu trong bệnh viện, Bằng hốt hoảng chạy đến. Khi biết chuyện Thượng (bạn Khánh) uống rượu say, lái xe gây tai nạn, vừa xót em, vừa tức giận nên Bằng đã lớn tiếng mắng cả Thượng lẫn Khánh ngay tại bệnh viện.
Hình minh họa |
Nghe tiếng ồn ào tại khuôn viên bệnh viện, anh Nguyễn Văn T. (SN 1992, người cùng xã) đến gần Bằng nói: “Loại cave (gái mại dâm) như mày thì biết gì mà can thiệp?”. Vừa bức xúc lại vừa xấu hổ khi bị anh T. sỉ nhục, trước mặt rất nhiều người đang có mặt trong phòng cấp cứu, Bằng chẳng nói chẳng rằng, tiến đến tát “bốp” một cái vào mặt anh này.
Không kém cạnh, anh T. giơ tay túm tóc Bằng đồng thời dùng tay phải đập vào đầu Bằng mấy cái liền làm Bằng đau điếng và sưng nề vùng đỉnh đầu bên phải. Chưa dừng lại, T. còn dùng chân trái đá túi bụi vào mông Bằng. Được mọi người can ngăn, người đàn ông này bỏ đi, còn Bằng ngồi khóc tức tưởi.
Những tưởng sự việc sẽ dừng lại tại đây, thế nhưng, khi Bằng đi vào cửa hàng tạp hóa ở ngoài cổng bệnh viện để mua sữa thì tình cờ nhìn thấy một con dao nhọn để trên giá bán hàng. Trong đầu sơn nữ lóe lên ý định trả thù anh T. nên đã lấy trộm dao, giấu vào ống tay áo khoác bên trái.
Quay lại phòng cấp cứu, thấy anh T. đang đứng nói chuyện với bạn, Bằng lạnh lùng bước đến, vòng ra phía sau lưng T., rút dao đâm một nhát rất mạnh. Vừa đâm, Bằng vừa nói: “Mày dám đánh tao à, dám xúc phạm tao à?”. Nhát đâm thấu phổi phải khiến nạn nhân tử vong do mất máu cấp. Về phần Bằng, sau khi gây án mới giật mình tỉnh lại. Đến khi cô ta nhận thức được hành vi của mình là phạm pháp thì đã quá muộn.
Sự ân hận muộn mằn
Bạch Thị Bằng sinh ra trong một gia đình dân tộc Cao Lan nghèo lại đông anh chị em nên sớm phải rời xa con chữ. Học chưa hết lớp 3, Bằng nghỉ học ở nhà trông em, phụ giúp cha mẹ công việc nhà cửa, nương rẫy. Thời gian trôi qua, anh chị em Bằng lần lượt đi tìm hạnh phúc của riêng mình, xa rời vòng tay chở che của cha mẹ.
Với hành vi trái pháp luật đã gây ra, Bằng không chỉ đánh mất quyền tự do mà còn làm gia đình nhỏ của mình tan vỡ. Nữ phạm nhân tâm sự, trước đây, như bao người phụ nữ khác, Bằng cũng có chồng và 1 cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn. Tuy kém Bằng 1 tuổi nhưng chồng Bằng hết mực yêu thương vợ, chăm lo cho con. Sau khi trở thành kẻ sát nhân, hạnh phúc cũng đã từ biệt Bằng.
Giọng đầy tiếc nuối, nữ phạm nhân này cho hay: “Tuy đã tha thứ và hết trách giận tôi nhưng chồng tôi đã bỏ tôi để đi lấy người khác. Biến cố liên tiếp ập đến khiến tôi gần như ngã quỵ vì không còn chỗ dựa, nhưng tôi không giận anh, có trách thì chỉ trách bản thân mình đã đánh mất tất cả. Điều tôi lo lắng nhất là con gái tôi không có người chăm sóc, rồi tâm lý của cháu sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng chồng tôi dù đã có gia đình mới song vẫn hết mực yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng cháu khiến tôi vô cùng biết ơn và cầu chúc anh luôn hạnh phúc bên gia đình mới của mình”.
Kể đến đây, Bằng không cầm được nước mắt. Bằng mếu máo chia sẻ, nhiều lúc chỉ muốn chôn chặt quá khứ trong lòng, nhưng mỗi lần nhớ con, nhớ gia đình thì những ký ức cũ lại ùa về giằng xé tâm can. Hiểu được tâm lý, suy nghĩ của Bằng nên người chồng cũ vẫn đều đặn gọi điện và cho con gái lên thăm Bằng. Bố mẹ, anh chị em của Bằng cũng vẫn động viên Bằng dù lâu lâu, họ mới lên thăm Bằng được vì điều kiện kinh tế không cho phép.
Điều khiến Bằng day dứt, đau khổ nhất là khiến cha đổ bệnh. Người đàn ông cả đời lao tâm khổ tứ, mưu sinh gồng gánh nuôi gia đình 7, 8 miệng ăn đã suy sụp khi hay tin con gái gây ra trọng tội. Trong thời gian Bằng thụ án, cha Bằng qua đời nhưng Bằng không thể về chịu tang cha. Nữ phạm nhân ôm mặt khóc nức nở vì giận bản thân là một người con bất hiếu. Nhiều lần, Bằng nhắn nhủ người thân gửi ảnh con gái vào cho Bằng ngắm nghía để thỏa nỗi nhớ nhung khi phải cô đơn trong bốn bức tường trại giam lạnh lẽo. “Có lẽ mọi người sợ gửi ảnh con gái vào cho tôi thì tôi lại càng thêm nhung nhớ, dằn vặt bản thân nên cứ khất lần hết lần này đến lần khác”, nữ phạm nhân cho hay. Khi nhắc tới con gái, mắt Bằng ánh lên niềm hạnh phúc, tự hào. Bằng rất xúc động khi biết con gái đã thông cảm và vẫn yêu thương, khao khát mẹ trở về sum họp.
Để có thể yên tâm cải tạo như ngày hôm nay, Bằng thầm cảm ơn các cán bộ giám thị trại giam đã hết sức quan tâm, động viên, cùng Bằng vượt qua những ngày tháng tối tăm, hoảng loạn nhất. Vào đây, Bằng được phân công làm công việc đính hạt cườm. Công việc tuy không có gì nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Nhờ công việc, Bằng rèn luyện được sự nhẫn nại, kiên trì và cũng là để tĩnh tâm, cân bằng lại cuộc sống.
Trước khi chia tay chúng tôi, Bằng muốn thông qua bài báo này, một lần nữa gửi lời xin lỗi tới gia đình nạn nhân đã bị Bằng gây ra nỗi đau ly tán, tang thương, gửi lời xin lỗi tới người thân của Bằng.
“Tôi muốn được sà vào lòng mẹ...” “Giờ đây, tôi chỉ muốn cải tạo thật tốt để nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sớm được ra trại và chạy thật nhanh về sà vào lòng mẹ, khóc cho thỏa nỗi nhớ mong. Ngay sau đó, tôi sẽ lên Hà Giang (gia đình chồng cũ) để đón con gái về chăm sóc. Tôi cũng sẽ kiếm một công việc nào đó và làm việc thật chăm chỉ. Lúc đó, hai mẹ con tôi sẽ nương tựa vào nhau, tôi sẽ bù đắp những thiếu thốn mà mình đã gây ra cho con suốt thời gian qua”, nữ phạm nhân Bằng nói. |
Chí Công - Thúy An