+Aa-
    Zalo

    Mỗi vụ "trèo trám" thu vài chục triệu nhưng không mấy ai dám làm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cứ đến mùa trám, những người làm nghề “trèo trám” ở Thanh Chương (Nghệ An) lại tất bật trèo cây, hái quả - công việc tuy mạo hiểm nhưng lại mang nguồn thu nhập chính.

    Cứ đến mùa trám, những người làm nghề “trèo trám” ở Thanh Chương (Nghệ An) lại tất bật trèo cây, hái quả - công việc tuy mạo hiểm nhưng lại mang nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình.

    Báo Nghệ An đưa tin, hiện nay, ở những địa phương có nhiều trám, thường hình thành đội ngũ những người chuyên đi hái trám - nghề “trèo trám”. Họ mua trám khi mới đậu quả, chờ trám chín là đến thu hoạch, để bán lẻ hoặc nhập cho các điểm thu mua. Dụng cụ hái trám khá đơn giản, chỉ là những chiếc sào gắn liền với lưỡi hái, bằng sắt, hình trăng khuyết.

    Nghề trèo trám là nghề nguy hiểm nhưng lại cho thu nhập cao. Ảnh: báo Nghệ An

    Nghề "trèo trám" là một nghề tương đối nguy hiểm, không phải ai cũng có thể làm được. Muốn theo nghề này, trước hết phải biết trèo cây, gan dạ, sau nữa là cần có chút kinh nghiệm đong đếm để mua bán. Hái trám, khó khăn nhất là lúc trèo lên, vì thân cây trơn tru, thẳng đuột, không có chỗ bám víu. Lúc hái trám, cứ đứng trên cây dùng sào xỉa vào cắt các chùm quả. Cành trám giòn, dễ gãy nên chỉ cần sơ suất là người trào trám có thể rơi xuống đất. Tuy nhiên, hầu hết người trèo trám lại chủ quan trong việc bảo đảm an toàn, không mấy ai đeo dây đai bảo hiểm...

    Những người trèo cây thành thục thì chủ yếu là trèo buông, thoắt một cái đã lên tận ngọn. Người trèo dùng hai tay, hai chân quặp lấy thân cây, cứ thế phối hợp cả tay lẫn chân để đưa người lên cao.

    Làm nghề trèo trám thường đi theo nhóm, mỗi nhóm có 2 - 3 người, đông thì 7 - 8 người, có khi cả gia đình. Họ đi khắp các huyện trong tỉnh, có khi sang cả Hương Sơn, Vũ Quang (Hà Tĩnh)… để tìm trám. Đàn ông, con trai thì chuyên trèo hái, phụ nữ chuyên nhặt quả. Do trám tự nhiên thường mọc ở những địa hình chênh vênh, nhiều cây bụi rậm rạp nên nhặt trám cũng là một công việc đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó.

    Ông Hoàng Văn Trí (54 tuổi) ở xóm Tiền Chính xã Võ Liệt (Thanh Chương) cho biết: “Nghề "trèo trám" có thu nhập khá, mỗi mùa trám, gia đình tôi cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, đây là một nghề mạo hiểm, liều mạng, không phải ai cũng muốn làm và làm được”.

    Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, cây trám chịu hạn tốt, thích ứng rộng với nhiều loại đất, chất đất. Gỗ trám không được bền chắc như các loại gỗ khác nhưng rừng trám không mấy khi bị gió đánh đổ. Trám có thể trồng cạnh bờ rào, trên đỉnh núi, trong vườn… Có lẽ vì thế, cây trám đen phân bố khắp vùng Cát Ngạn gồm Cát Văn, Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Mỹ… và một số huyện khác như Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ… Dù thế, cây trám mọc trên vùng đất một số xã của huyện Thanh Chương thơm ngon hơn hẳn những vùng đất khác.

    Báo VnExpress cũng thông tin thêm, trám được chế biến thành nhiều món ăn như trám om chấm chẻo, trám muối, trám kho thịt ba chỉ, xôi trám, trám ngâm tương... ăn bùi, thơm mà không bị ngậy. Trước đây, trám đen chỉ dùng trong gia đình, bán không được giá nên ít người quan tâm, nay cây trám đem lại giá trị kinh tế cao nên một số hộ dân đang ươm trồng, sau khoảng 7 - 8 năm cho quả.

    Hiện, trám là mặt hàng rất được ưa chuộng ở các chợ, giá bán lẻ từ 65.000 - 70.000 đồng/ kg. Trước đây có câu thơ là "trám bùi để rụng măng mai để già", nay trám đen không để rụng nữa mà được tận thu, mỗi cây trám là "cây tiền".

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/moi-vu-treo-tram-thu-vai-chuc-trieu-nhung-khong-may-ai-dam-lam-a203134.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan