+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện xúc động người con kể chuyện bố mẹ là nông dân tay chân thô ráp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có cha mẹ làm nông dân hay công nhân...thì chúng ta cần trân quý hơn nữa bởi để kiếm ra được đồng tiền nuôi chúng ta, họ đã phải hi sinh rất nhiều.

    Có cha mẹ làm nông dân hay công nhân...thì chúng ta cần trân quý hơn nữa bởi để kiếm ra được đồng tiền nuôi chúng ta, họ đã phải hi sinh rất nhiều.

    Viết cho những ai có bố mẹ cũng là những người nông dân chất phác...

    Những dòng chia sẻ rất nhiều cảm xúc của một người con gửi tới bố mẹ mình - những người nông dân hiền lành, chất phác được đăng tải trên NEU Confessions đã khiến người đọc thực sự xúc động.

    Dù bao nhiêu tuổi, làm nghề gì; dù bạn có như thế nào thì bố mẹ cũng chính là người yêu thương bạn nhất - đó là điều chắc chắn. Có thể khó khăn, có thể vất vả, có thể cuộc sống không được thoải mái và sung sướng như người ta, nhưng bố mẹ sẽ luôn là những người chúng ta trân trọng và biết ơn nhất cuộc đời.

    Đó chính là những chia sẻ rất nhiều cảm xúc của một người con gửi tới cho bố mẹ mình - những người nông dân hiền lành và chất phác vừa được đăng tải trên trang NEU Confessions. Những lời xúc động này đã nhận được sự đồng cảm từ rất nhiều người. Chỉ vừa đăng tải nhưng đoạn tâm sự này đã thu hút hơn 10k lượt like, hơn 700 chia sẻ.

    Cùng đọc bài viết này nhé!

    "Viết cho những ai có bố mẹ cũng là những người nông dân chất phác, thật thà.

    Vì bố mẹ tớ là nông dân nên ăn Tết chẳng phải là câu chuyện tiền thưởng Tết có nhiều không? Nghỉ Tết đi du lịch ở đâu? Mà là những câu chuyện về phân do, giống má, thóc lúa, vụ mùa.


    Vì bố mẹ tớ là nông dân nên chẳng bao giờ quan tâm hôm nay thứ 7 hay chủ nhật. Chẳng có ngày lĩnh lương. Chẳng mong ngày nhận thưởng. Mà chỉ có hôm nay là ngày bao nhiêu? Có phải lịch phun thuốc trừ sâu, bón phân, ngâm giống hay không?

    
Vì bố mẹ tớ là nông dân nên chẳng có chuyện nắng ngủ, mưa nghỉ, râm mát đi chơi. Mà đã là nông dân thì bất chấp thời tiết. Nắng như đổ lửa vẫn lao ra đồng mồ hôi chảy ướt áo. Mặn chát trong miệng. Cay xè khóe mắt. Mưa tầm tã vẫn cúi đầu cấy gặt.


    Vì bố mẹ tớ là nông dân nên chẳng biết Valentine là ngày gì? Facebook, Zalo thì tưởng là con nhà người ta. Mùng 8-3, 20-10 cũng chẳng hề hay biết. Sinh nhật mình cũng chẳng quan tâm. Thấy máy ảnh con chĩa đến chụp thì xua vội tay "con điên tao lôi thôi thế này đừng có chụp". Thế nhưng am hiểu tất cả các loại thuốc trừ sâu, loại phân nào bón đợt nào, lúa nào cho năng suất tốt. 


    Vì bố mẹ tớ là nông dân nên chân tay thô ráp. Quần áo chẳng mượt mà. Tóc tai chẳng kiểu cách. Thế nhưng đi chợ thấy quần áo đẹp cái gì ngon vẫn nghĩ đến con hàng đầu.


    Vì bố mẹ tớ là nông dân nên quanh năm chỉ trong ngôi làng nhỏ bé. Chẳng dám bỏ nhà để đi du lịch thăm quan vài ngày vì lo mấy con gà ai cho ăn, lợn trong chuồng ai chăm, lúa ngoài đồng ai nom.


    Vì bố mẹ tớ là nông dân nên chẳng biết dùng điện thoại sờ mạt phôn. Chỉ biết có ai gọi đến thì nút xanh là nghe. Nút đỏ là tắt. Tin nhắn đầy ắp hộp thư đến chưa mở. Thế nhưng đã nạp thẻ là đúng thời điểm khuyến mãi 50% luôn.


    Vì bố mẹ tớ là nông dân nên cứ thấy laptop là xa xỉ. Quanh năm chỉ xem tivi cứ đúng giờ là bật "Cô dâu 8 tuổi", "thời sự thời tiết".


    Vì bố mẹ tớ là nông dân nên lúc nào cũng muốn con thoát khỏi nghề nông, không lông bông để học Đại Học để khỏi phải lóc cóc chân lấm tay bùn.


    Vì bố mẹ tớ là nông dân nên đi chợ hay cân đo xem cái gì rẻ hơn cái gì? Rẻ hơn bao nhiêu? Thế nhưng tiền học của các con. Chưa bao giờ nghe thấy bố mẹ ca thán.


    Vì bố mẹ tớ là nông dân nên tớ trân trọng tất cả những gì thuộc về nghề nông!"

    Dù cha mẹ có làm nghề gì đi nữa, hãy luôn tự hào về họ

    Phút hối hận của cô con gái vì đã chê bai bố làm nghề công nhân hôi hám

    “Bố tránh xa con ra, người bố hôi lắm!”

    Công việc nào cũng là đáng quý cả, không phân biệt giàu sang nghèo hèn, chỉ cần là những công việc bỏ mồ hôi nước mắt ra để kiếm tiền. Thế nhưng, đối với cô bé mà nói, có một người bố làm công nhân khiến cô thấy xấu hổ với bạn bè, hàng xóm. Cô bé là con gái của một công nhân xây dựng, do sợ ánh mắt kỳ thị của người khác nên cô đã xa lánh bố, thậm chí từ chối cái ôm của bố mình. Cho đến khi lớn lên, cô mới thực sự hối hận về hành động của mình.

    Hồi nhỏ, vì công việc của bố mẹ bận rộn nên cô thường ở cửa hàng với dì, tối đến mẹ mới đón cô về nhà. Một lần nọ, bố từ công trường tan làm trở về qua đón cô, thế nhưng, khi nhìn thấy người bố đều là bụi bặm, quần áo lem luốc, cô bắt đầu tỏ vẻ khó chịu. Vừa nhìn thấy con, người bố mỉm cười dang tay ra để ôm con. Cô bé xị mặt rồi nói: “Bố tránh xa con ra, người bố hôi lắm!”.

    Khi đó, cô không biết được rằng, câu nói đó như hàng trăm ngàn mũi dao đâm vào tim bố. Sau một ngày làm việc vất vả, bố cô chỉ muốn được ôm con, nhìn thấy tiếng cười của cô con gái bé nhỏ để xóa tan đi mọi mệt nhọc nơi công trường nắng gió và những giọt mồ hôi mặn đắng. Ấy vậy mà, cô đã làm cho bố bị tổn thương.

    Cô vẫn xa lánh bố như vậy cho đến khi tốt nghiệp Đại học, thỉnh thoảng cô phải đến công trường làm việc. Hôm đó, tranh thủ giờ nghỉ trưa, cô đi quanh công trường để khảo sát, bất chợt cô nhìn thấy một cảnh tượng…

    Một cậu bé chừng 4, 5 tuổi một tay cầm khăn lau mồ hôi cho người đàn ông bên cạnh, một tay cầm cái bánh bao từ từ đút cho ông. Người đàn ông hình như cũng là công nhân của công trường đó, người ông cũng lem luốc, mặt mày bẩn thỉu nhưng khuôn mặt ông nở nụ cười rạng rỡ.

    “Bố ơi! Bố có mệt không ạ?”

    “Không, bố không mệt, chỉ cần được ôm con, được nhìn thấy nụ cười của con là bố hết mệt rồi!”.

    Cậu bé cười tít mắt rồi nói:

    “Vậy thì ngày nào con cũng cười thế này cho bố hết mệt nhé, khi nào bố mệt, con sẽ lau mồ hôi cho bố, ôm bố để bố có thêm sức lực để làm việc!”.

    “Con ngoan của bố!”.

    Nói rồi, người đàn ông nở nụ cười hạnh phúc ôm cậu bé vào lòng, khoảnh khắc ấy khiến cô bừng tỉnh.

    “Phải rồi, chỉ cần được nhìn thấy nụ cười, được ôm con vào lòng là mọi sự mệt mỏi của bố đều tan biến, tại sao, tại sao bao nhiêu năm qua, mình lại không thấu hiểu được nỗi vất vả của bố mà lại làm bố đau lòng chứ? Tại sao?...”

    Phút hối hận của cô con gái vì đã chê bai bố làm nghề công nhân hôi hám

    Dù bố mẹ có làm nghề gì đi nữa, hãy luôn tự hào về họ

    Cô vội vàng chạy về nhà, cô thực sự hối hận vì hành động của mình bao nhiêu năm qua:

    “Bố ơi! Con xin lỗi! Con xin lỗi vì đã không hiểu được sự nhọc nhằn, sự lặng lẽ cần mẫn của bố. Con xin lỗi, con xin lỗi vì đã nói những lời làm tổn thương đến bố như vậy! Con là đứa con vô dụng!…”

    Bố nhẹ nhàng vuốt mái tóc cô, ông mỉm cười:

    “Con có thể hiểu được như vậy là tốt rồi, hãy mạnh mẽ lên, hãy nhớ rằng, dù bố có làm nghề gì thì bố vẫn luôn yêu con, con gái ạ!”.

    Từ đó trở đi, cô luôn ôm người bố toàn thân đầy mùi mồ hôi trước khi đi làm, cô hãnh diện vì có một người bố cao cả và tuyệt vời như thế.

    Đừng bao giờ để ý đến những dị nghị của người khác đến công việc của bố mẹ mình mà hãy luôn tôn trọng, hãy luôn tự hào về công việc của họ. Ngành nghề nào, công việc nào cũng đáng quý cả. Chỉ cần được sự ủng hộ của con cái, được nhìn thấy nụ cười của con gái thì với họ, dù có vất vả, có mệt nhọc đến đâu, họ cũng cảm thấy nhẹ nhõm!

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-xuc-dong-nguoi-con-ke-chuyen-bo-me-la-nong-dan-tay-chan-tho-rap-a192183.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan