Việt Nam là một trong hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua với 39 cải cách. Trong năm 2017, Việt Nam đã tăng hạng, xếp thứ 68 trên 190 nước về điều kiện kinh doanh.
Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo 2018 (Doing Business 2018 report): Cải cách để tạo việc làm do World Bank công bố.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục tăng hạng trong bảng xếp hạng này. Trước đó một năm, Việt Nam đứng vị trí thứ 82/190, với số điểm 63,83 trên thang 100 (tăng 9 bậc so với năm 2016) thì nay Việt Nam đã đạt 69,93 điểm, xếp thứ 68, tăng 14 bậc.
Hai nền kinh tế của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đứng trong số 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của Môi trường kinh doanh, đó là Singapore (xếp thứ 2) và ĐKHC Hồng Kông của Trung Quốc (thứ 5).
Các nền kinh tế có thứ hạng thấp nhất của khu vực là Myanmar (thứ 171) và Timor-Leste (thứ 178).
Những nền kinh tế lớn khác trong khu vực và thứ hạng tương ứng gồm có Trung Quốc (thứ 78), Indonesia (thứ 72), Nhật Bản (thứ 34), Malaysia (thứ 24), Philippines (thứ 113), Thái Lan (thứ 26) và Việt Nam (thứ 68).
World Bank xếp hạng môi trường kinh doanh được dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.