(ĐSPL) - Theo số liệu của Viện Sốt rét ký sinh trùng Trung Ương, tính đến tháng 10 dịch sốt xuất huyết tại nước ta đã lên đến đỉnh điểm. Bình quân mỗi ngày có khoảng 50 đến 100 người mắc bệnh.
Tin tức từ An ninh Thủ đô, hiện nay cả nước đã có hơn 51 tỉnh, thành trong cả nước xuất hiện bệnh sốt xuất huyết, trong đó TP.HCM có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất cả nước với 9.000 ca (tăng 70\% so với cùng kỳ năm 2014). Tại Hà Nội, chỉ riêng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, tính đến ngày 28/9 đã có 650 ca. Tháng 10 này con số này lại tăng với tỉ lệ đáng ngại là hơn 10\%.
Như vậy là bình quân mỗi ngày có tới 200-300 người đến khám trong đó có 50 đến 100 người mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh viện có 220 giường thì số bệnh nhận sốt xuất huyết nằm điều trị lên đến 400 người.
Do đó tình trạng ghép 2-3 bệnh nhân một giường đã thành phổ biến. Hơn 4\% số bệnh nhân vào viện là trường hợp bị nặng, một số tử vong do chủ quan. Cũng theo số liệu của bệnh viện cho biết thì đa số bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết ở đây đều tập trung ở các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì.
Bình quân mỗi ngày có tới 200-300 người đến khám trong đó có 50 đến 100 người mắc bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: VTV) |
Tính từ hai thập niên trở lại đây bệnh sốt xuất huyết thường xuyên xuất hiện ở nước ta và gần như đã thành quy luật. Ở các tỉnh phía Nam bệnh có thể xuất hiện bất kỳ thời gian nào trong năm vì địa hình nhiều sông rạch, cây cối phù hợp với môi trường phát và lây bệnh sốt xuất huyết.
Còn ở các tình miền Bắc và miền Trung, bệnh sốt xuất huyết thường bắt đầu vào tháng 5, tháng 6 khi mùa mưa và nóng bắt đầu và cao trào của bệnh thường rơi vào tháng 9, tháng 10.
Đà Nẵng ra quân diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết
Đứng trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biễn phức tạp và tăng cao, nhằm chủ động hơn trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), khống chế không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn thành phố, báo Nhân dân đưa tin, sáng 22/11, Sở Y tế TP Đà Nẵng tổ chức lễ ra quân diệt bọ gậy phòng chống SXH tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà – địa bàn xuất hiện nhiều ổ dịch SXH với 90 ca mắc bệnh, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Theo đó, các cán bộ Trung tâm y tế dự phòng cùng hàng trăm đoàn viên, thanh niên, cán bộ mặt trận, tổ dân phố đã phân chia thành từng nhóm nhỏ tiến hành xuống từng tổ dân phố, hộ gia đình, cùng các hộ dân tiến hành thay nước các dụng cụ chứa nước, đậy kín các lu khạp chứa nước, loại bỏ các dụng cụ phế thải không cần thiết xung quanh nhà.
Đồng thời, phát tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXH, thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh, khai thông cống rãnh, phát hoang bụi rậm, lấp các ao tù nước đọng, dọn đẹp vệ sinh thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và trường học để loại bỏ nơi sinh sản của lăng quăng và nơi trú đậu của muỗi…
Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng TP Đà Nẵng, tính đến ngày 20/11, toàn TP Đà Nẵng ghi nhận trên 1.000 ca mắc SXH, không có trường hợp tử vong nhưng SXH đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt trong thời tiết giao mùa.
Hiện đã có 42/56 xã, phường trên toàn thành phố có người mắc SXH và toàn thành phố đã ghi nhận 27 ổ dịch nhỏ. Tại quận Sơn Trà có 222 ca, nhiều nhất là hai hai phường An Hải Bắc, Phước Mỹ, số ca SXH tăng cao, xuất hiện nhiều ổ dịch SXH có nguy cơ lây lan trong cộng đồng, có hiện tượng bùng phát dịch.
Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng người dân vẫn còn quá thờ ơ với công tác phòng chống dịch, nhiều người dân chỉ trông chờ vào việc cơ quan chức năng phun thuốc diệt muỗi mà chưa chủ động trong việc diệt bọ gậy, loăng quăng tại nhà và khu vực nơi mình đang sinh sống.
Nhiều hộ dân tại các tổ 91,92,93,94 phường An Hải Bắc phản ánh về việc muỗi xuất hiện nhiều tại hồ nước thuộc khu vực đài phát sóng phát thanh An Hải (số 42 Nguyễn Trung Trực, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý ô nhiễm trường, phun thuốc diệt muỗi, cải tạo hồ, nếu không đây cũng là nguyên nhân góp phần làm bùng phát dịch SXH tại phường.
Sốt xuất huyết ở Khánh Hòa tăng bất thường
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng bất thường, ngày 19/11, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức hội nghị về công tác phòng, chống và điều trị sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh, VTV đưa tin.
Theo Sở Y tế Khánh Hòa, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 5.500 ca mắc sốt xuất huyết, 319 ổ dịch, tăng gấp hơn 5 lần so với cả năm 2014, trong đó có 2 ca tử vong, 170 ca bệnh nặng. Các địa phương có số ca sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái là thị xã Ninh Hòa, thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Vạn Ninh.
Tiến sỹ Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang nhận định dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa bùng phát trên diện rộng nên hiện rất khó khống chế, số bệnh nhân tăng cao bất thường từ giữa tháng 9 đến nay với gần 3.000 ca mắc mới.
Sốt xuất huyết bùng phát mạnh đã khiến các bệnh viện ở Khánh Hòa quá tải. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 70 giường, hiện đã phải kê bổ sung lên 130 giường nhưng vẫn bị quá tải do có ngày phải điều trị nội trú cho gần 200 bệnh nhân. Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa có 35 giường nhưng cũng phải kê bổ sung thành gần 100 giường để điều trị sốt xuất huyết.
Theo nhận định, với tốc độ bùng phát mạnh như hiện nay, cả năm nay tỉnh Khánh Hòa sẽ có trên 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ nhiều năm qua.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên yêu cầu các địa phương, sở, ban ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống và điều trị sốt xuất huyết, trong đó tăng cường chỉ đạo, cấp kinh phí cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết, trang bị thêm máy móc, giường cho bệnh viện điều trị sốt xuất huyết.
Tỉnh Khánh Hòa đã dành hơn 2,3 tỷ đồng cho công tác phòng chống sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay.
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]eFU8ul1zbz[/mecloud]