Mối liên kết giữa cà phê và sức khỏe thận
Thông tin từ báo Dân Trí cho biết, theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nghiên cứu dịch tễ học dựa trên quần thể dân số đã cho thấy mối liên hệ giữa tiêu dùng cà phê và tác dụng bảo vệ đối với chức năng thận.
Trước đó, một nghiên cứu năm 2008 của Hàn Quốc với hơn 2.600 phụ nữ cho thấy tiêu thụ cà phê có liên quan đến giảm nguy cơ bệnh thận, kể cả ở phụ nữ bị tiểu đường.
Tuy nhiên trong y học, các cuộc điều tra dựa vào dân số không đủ để đưa ra những kết luận chính xác.
Với tính chất có thể gây tranh cãi của chủ đề này, một nghiên cứu phân tích công bố năm 2016 đã cố gắng trả lời câu hỏi này.
Phân tích này cho thấy: Không có sự liên quan giữa tiêu thụ cà phê và tăng nguy cơ bệnh thận ở nam giới, nhưng điều thú vị là tiêu thụ cà phê lại có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận ở phụ nữ nếu sử dụng với liều lượng vừa phải.
Các kết quả của nghiên cứu phân tích nói trên cũng tương tự như một nghiên cứu khác ở bờ biển Thái Bình Dương của Nicaragua, nơi tỷ lệ lưu hành bệnh thận mãn tính ở các làng trồng cà phê thấp hơn đã được ghi nhận.
Cơ chế chính xác về tác dụng bảo vệ thận của cà phê vẫn còn phải được nghiên cứu nhiều hơn nữa, nhưng những lý giải ban đầu được đưa ra là do vai trò của các chất chống oxy hóa có trong cà phê, cùng với tác dụng chống tiểu đường của cà phê.
Caffein có hại cho thận không?
Caffein không có hại cho thận. Nói chung, caffein không có khả năng gây hại cho thận miễn là nó được tiêu thụ với liều lượng ít.
Điều quan trọng cần lưu ý là caffein là chất kích thích, có thể ảnh hưởng đến huyết áp ở một số người. Bệnh thận thường dẫn đến tăng huyết áp. Người bị huyết áp cao chỉ nên uống không quá 2 tách cà phê mỗi ngày, thông tin từ báo Thanh niên.
Mẹo để người bệnh thận an toàn khi uống cà phê
Uống ít hơn 3 tách mỗi ngày
Người bệnh thận nên uống ít hơn 3 tách cà phê mới pha mỗi ngày, theo Presenius Kidney Care.
Uống nhiều hơn mức này có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe theo thời gian. Uống lượng cà phê vừa phải sẽ giúp kiểm soát mức kali cũng như mức tiêu thụ caffein.
Hạn chế đường, sữa hoặc kem thêm vào
Những thứ này có thể làm tăng mức phốt pho và kali ở người bệnh thận. Một số loại kem được bổ sung phốt pho. Sữa cũng có hàm lượng kali cao. Ở người bệnh thận, thận đã suy giảm chức năng và không thể lọc lượng phốt pho và kali dư thừa ra khỏi máu, từ đó có thể dẫn đến các biến chứng về tim.
Vì vậy, cần phải hạn chế hoặc tránh dùng kem và sữa trong cà phê.
Lưu ý lượng chất lỏng trong cà phê với người chạy thận
Đối với người chạy thận phải hạn chế lượng chất lỏng, cần phải tính lượng chất lỏng trong cà phê vào mức tiêu thụ chất lỏng của mình để đảm bảo nằm trong mức an toàn.
Nguyễn Linh(T/h)