Đây là lời dự báo của GS.TS Huỳnh Văn Sơn- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam tại buổi khai giảng “Chương trình bồi dưỡng thấu hiểu và nâng đỡ tâm lý cho trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch Covid” do trường ĐHc Sư phạm TP.HCM phối hợp cùng ngành giáo dục TP.Thủ Đức và quận Tân Phú tổ chức.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM và các trường ĐH khác như: trường ĐHSP – Đại học Thái Nguyên; trường ĐHSP – Đại học Đà Nẵng. Đặc biệt là sự đồng hành của 1829 giáo viên ở TP.Thủ Đức, quận Tân Phú, quận 5 và quận 3 (TP.HCM).
Mục tiêu sau khi hoàn thành xong chương trình, các giáo viên sẽ phân tích được các lý thuyết cơ bản về tổn thương tâm lý, từ đó rèn luyện kĩ năng, vận dụng một số biện pháp nâng đỡ tâm lý cho trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch COVID.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/8 có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334. Ở phạm vi rộng hơn, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm COVID-19.
Với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, GS Huỳnh Văn Sơn đánh giá là sự tổn thương ghê gớm dù ở độ tuổi nào, là một trải nghiệm đau đớn, không thể chối từ ngay cả cố gắng dùng ý chí để ám thị hay đánh lừa bản thân.
Tổn thương ấy sâu sắc không chỉ bù đắp hay xoa dịu trong thời gian ngắn, bằng các buổi ăn, bằng sự gần gũi vừa vặn của một quan hệ thay thế, của một sự chăm sóc chừng mực.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho hay theo nghiên cứu, cứ 1 trẻ em yếu thế hay không may mắn cần có 4 -5 thầy cô giáo thấu hiểu, chia sẻ và nâng đỡ tinh thần.
Việc tiếp cận, làm việc với các em không chỉ cần sự thân thiện, đồng cảm mà cả sự tương tác thiện ý, tôn trọng tinh tế, sẻ chia linh hoạt và giúp đỡ tinh tế…
Đây là thử thách không chỉ cho các giáo viên chủ nhiệm mà cả những giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ giáo dục các em rất cần có sự chuẩn bị tâm lý, rèn luyện về kỹ năng để thực hiện công tác dạy học và giáo dục sao cho hiệu quả. Vì vậy, ngoài sự đồng cảm cần sự chăm sóc, dạy dỗ của nhà tâm lý để dưỡng dục, nâng đỡ cũng như cần một tấm lòng nhân ái để trao tặng cho trẻ.
Ba trường sư phạm là trường ĐHSP TP.HCM, trường ĐHSP- ĐH Thái Nguyên; trường ĐHSP- ĐH Đà Nẵng sẽ đào tạo giáo viên giúp trẻ mồ côi do dịch COVID-19.
Chương trình đào tạo gồm phân tích được các lý thuyết cơ bản về tổn thương tâm lý của trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch COVID-19; Vận dụng được một số nguyên tắc trong việc nâng đỡ tâm lý cho trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch COVID-19 và vận dụng được một số biện pháp trong việc nâng đỡ tâm lý trẻ em yếu thế liên quan đến đại dịch.
Bạch Hiền (t/h)