+Aa-
    Zalo

    Mổ xẻ tham vọng qua kiến nghị thanh toán NDT trực tiếp tại VN

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Kiến nghị trên thể hiện tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng với nỗ lực “quốc tế hóa NDT” của Trung Quốc.

    (ĐSPL) - Chỉ ngay sau khi thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thanh toán đồng Nhân dân tệ (NDT) trực tiếp tại Việt Nam, báo Đời sống và Pháp luật đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ các chuyên gia kinh tế, tài chính.

    Theo đó, đa số các chuyên gia tỏ ra lo ngại, đưa ra nhiều quan điểm và khẳng định rằng, chúng ta cần phải lắc đầu dứt khoát với bản kiến nghị này. Bởi, trong khi Việt Nam đang chống “đô la hóa”, không có lý gì để chấp nhận giao dịch trực tiếp bằng NDT. Hơn nữa, trên đất Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một loại tiền là Việt Nam đồng.

    Nhiều chuyên gia kiến nghị không cho thanh toán nhân dân tệ trực tiếp ở Việt Nam. (Ảnh: báo Thanh niên)

    Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm: Đừng để kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào tỉ giá đồng NDT

    Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Cao Sỹ Kiêm.

    Tôi nghĩ, ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa nên chấp thuận đề nghị này. Về lâu dài, chúng ta sẽ xem xét sau, nhưng trước mắt cần phải cân nhắc nhiều yếu tố như quan hệ kinh tế, năng lực cạnh tranh, nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc nhiều hay ít vào Trung Quốc là từ vấn đề này.

    Ở thời điểm hiện tại, nước ta đang nhập siêu hàng hoá của Trung Quốc rất lớn. Nếu không kiểm soát được, hàng hoá Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của chúng ta còn chưa lớn, khả năng quản lý thị trường của ta chưa được nâng lên. Nếu chấp thuận thanh toán bằng đồng NDT, khả năng chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào tỉ giá khi đồng NDT biến đổi. Không chỉ có thế, khâu điều hành chính sách tiền tệ của ta cũng sẽ bị hạn chế.

    Hiện nay, số lượng hàng hóa mà Việt Nam giao dịch với Trung Quốc đang tăng lên, chiếm tỉ lệ lớn nên nhu cầu thanh toán bằng đồng NDT cũng phải tăng theo. Nếu đồng NDT được cho phép thanh toán ở Việt Nam, đồng nghĩa với việc Trung Quốc mở rộng được phạm vi thanh toán và như một lẽ tất yếu, hàng hóa của họ sẽ tràn lan ở thị trường Việt Nam. Khi đó, nếu không quản lý được, nền kinh tế của ta sẽ gặp rất nhiều bất lợi, khó khăn.

    Cần phải cân nhắc hết sức cẩn trọng

    Cùng quan điểm, một cán bộ từng công tác tại Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước, đề nghị giấu tên-PV) khẳng định: “Đây là vấn đề không mới. Tôi được biết, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị từ cách đây khoảng 4-5 năm và bị Bộ Công Thương thẳng thừng từ chối. Tuy nhiên không hiểu vì sao, thời điểm này, họ lại đưa ra bản kiến nghị này. Theo tôi, đây là vấn đề rất lớn, cần phải cân nhắc hết sức cẩn trọng.

    Từ nhiều năm trước, Việt Nam và Trung Quốc đã có hiệp định về thanh toán biên mậu bằng đồng NDT. Nội dung chính là đôi bên được sử dụng tiền của hai nước trong phạm vi giới hạn thanh toán nhất định. Ví dụ, hàng hóa mua của Việt Nam, có thể thanh toán bằng NDT và hàng Việt Nam mua của Trung Quốc, được phép trả bằng Việt Nam đồng. Tuy nhiên, nếu phía các doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra kiến nghị thanh toán đồng NDT trực tiếp ở Việt Nam, tôi nghĩ thời điểm hiện tại là chưa nên. Hai đồng tiền này đều chưa thể tự do chuyển đổi được”.

    Cũng theo vị này, các cơ quan chức năng có liên quan cần xem xét lại toàn bộ việc thanh toán trong làm ăn với Trung Quốc hiện nay, trên nhiều phương diện khác nhau, chứ không chỉ liên quan đến đề xuất sử dụng đồng NDT. Vì thực tế, sức mạnh và độ tin cậy của đồng NDT trên thị trường quốc tế vẫn chưa được đánh giá cao...

    Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Phạm Tất Thắng: Không thể đồng tình với bản kiến nghị

    Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Phạm Tất Thắng.

    Theo tôi, vấn đề này nằm trong chiến lược lâu dài và rất bài bản của Trung Quốc. Họ muốn đồng NDT thay thế đồng USD trong quản lý thương mại thế giới. Trên thực tế, Trung Quốc đã làm nhiều việc trước đó, ví dụ như thành lập ngân hàng tại các nước. Họ tài trợ khoản tiền rất lớn để các ngân hàng này cạnh tranh với World Bank. Trong quan hệ với phương Tây, đặc biệt là với Nga hoặc với các nước mới nổi, họ đã dùng đồng NDT để thanh toán. Trong buôn bán với các nước, nếu chấp nhận thanh toán bằng NDT, phía Trung Quốc sẵn sàng giảm giá hoặc để cho đối tác có một số điều kiện có lợi hơn một chút...

    Trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đẩy mạnh tiền NDT sang Campuchia, Lào, kể cả Thái Lan, Việt Nam. Ở trong biên giới của Việt Nam, Trung Quốc tích cực đẩy đồng NDT sang trao đổi ở khu vực vùng biên. Thời gian vừa qua, công tác quản lý của chúng ta không triệt để, việc giao dịch ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc bằng đồng NDT là có thật. Nhà nước cần phải vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn. Việc này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng nhân dịp này, khi phía doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị cho thanh toán NDT trực tiếp ở Việt Nam, nó lại gióng lên một hồi chuông, cần phải có biện pháp chặt chẽ hơn để ngăn chặn.

    Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, không có bất cứ một lý do gì để cho phép bất kể một đồng tiền nào, trong đó có cả đồng NDT được phép thanh toán trực tiếp trên đất nước Việt Nam. Chúng ta khẳng định, trên đất nước Việt Nam chỉ có một đồng tiền duy nhất để làm phương tiện thanh toán đó là tiền Việt Nam đồng. Vì vậy, với tư cách là chuyên gia thương mại, tôi tin Nhà nước sẽ không đồng ý với kiến nghị của phía hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc.

    Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Sẽ có nhiều rủi ro khi cho thanh toán trực tiếp bằng đồng NDT

    Chuyên gia Vũ Vinh Phú.

    Kiến nghị trên thể hiện tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng với nỗ lực “quốc tế hóa NDT” của Trung Quốc. Trên thế giới, đồng NDT đã được phép chuyển đổi ở một số nước. Tuy nhiên đối với nước ta, quan hệ với Trung Quốc tương đối phức tạp. Nếu có đột biến trong quan hệ, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, tài chính và chỉ tiêu về tiền mặt của nước ta. Cũng có thể khi thị trường thanh toán NDT được đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể quản lý giám sát nguồn vốn này một cách có hiệu quả. Song phải xem cái nào được nhiều hơn và cái nào mất nhiều hơn.

    Tôi nghĩ, ở thời điểm này, không nên chấp nhận kiến nghị trên. NDT chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Vì vậy, nếu giao dịch bằng đồng tiền này, doanh nghiệp có thể sẽ chịu nhiều rủi ro.

    Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu: Sẽ có nhiều ý kiến phản đối

    Ông Nguyễn Thanh Toại.

    Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực loại bỏ vàng, USD ra khỏi phương tiện thanh toán, thu hẹp phạm vi cấp tín dụng bằng đồng USD. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không cho vay và huy động đồng USD. Bên cạnh đó còn chống “vàng hoá”. Theo logic đó, có ngoại tệ khác xin vào giao dịch, tôi nghĩ, Ngân hàng Nhà nước và nhiều chuyên gia sẽ phản đối. Ngoài đồng tiền Việt Nam, hiện tại chúng ta chưa chấp nhận một đồng tiền nào khác mua bán trao đổi trực tiếp ở nước ta.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mo-xe-tham-vong-qua-kien-nghi-thanh-toan-ndt-truc-tiep-tai-vn-a78668.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan