+Aa-
    Zalo

    Mô hình “1+5” cho kẻ lỡ lầm cân bằng cuộc sống

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sẽ được 5 lực lượng: công an, đoàn thể, gia đình, dòng tộc, nhà trường quan tâm, giúp đỡ.

    Ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sẽ được 5 lực lượng: công an, đoàn thể, gia đình, dòng tộc, nhà trường quan tâm, giúp đỡ để sớm “cân bằng” với cuộc sống.

    Ai cũng có thể vấp ngã nhưng đứng lên được để làm lại cuộc đời là cả một sự cố gắng với tất cả nghị lực bản thân, sự hỗ trợ, động viên của chính quyền, đoàn thể và sự cưu mang của gia đình.

    Vượt qua nghịch cảnh

    Năm 2000, anh Võ Văn Hòa, ngụ thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên rơi vào vòng lao lý với mức án 13 năm tù. Vào tù chưa bao lâu, anh nhận được hung tin cha mẹ qua đời, bão lũ tàn phá nhà cửa… Sau cánh cửa nhà tù, anh tưởng như tương lai đã đóng sầm trước mặt. Trong nỗi bi quan và tuyệt vọng, anh đã nghĩ đến những điều tồi tệ nhất…

    Thế rồi, từ trong cánh cửa tưởng chừng lạnh lùng ấy, Hòa gặp những tấm lòng nhân ái, bao dung của cán bộ quản giáo. Sự quan tâm giúp đỡ, động viên tinh thần của những cán bộ nơi đây đã giúp anh động lực để cải tạo tốt, được tha tù trước thời hạn. Giờ đây, anh là chủ cơ sở điêu khắc mỹ nghệ có tiếng ở huyện Duy Xuyên.

    Mô hình “1+5” cho kẻ lỡ lầm

    Công an xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, thường xuyên thăm hỏi, động viên anh Võ Văn Hòa

    “Khi trở về với gia đình, tôi nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, người thân và bạn bè. Anh em cho mượn tiền, địa phương cho vay 20 triệu đồng. Từ số vốn đó, với nghề nghiệp được học từ trong tù, tôi đã làm lại cuộc đời mới và đạt kết quả như ngày nay”, anh Hòa tâm sự. Hiện, cơ sở của anh tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3 lao động, đồng thời đào tạo nghề cho 2 người khác.

    Với anh Đỗ Văn Bổn, ngụ làng Bàn Thạch, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, sau 4 năm cải tạo, trở về với cộng đồng, anh đã nhận được sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương. Hiện nay, anh là một trong những người nổi tiếng ở làng chiếu Bàn Thạch với việc mạnh dạn áp dụng công nghệ cải tiến nghề dệt chiếu, giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập tương đối ổn định.

    Anh Bổn cho biết, lúc mới trở về, gia sản chẳng còn gì, vợ chồng phải chạy ăn từng bữa lại còn lo chuyện học hành của các con. Để phát triển kinh tế, chăm lo cho đời sống gia đình, anh học nghề làm đèn cầy nhưng vẫn không đủ sống.

    Nhận thấy hoàn cảnh và quyết tâm của Bổn, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho anh vay vốn mở xưởng dệt chiếu bằng máy để duy trì và phát triển nghề truyền thống. “Ban đầu, tôi chỉ đủ vốn đầu tư 3 máy dệt chiếu. Sau đó, thấy thị trường có tiềm năng, hơn nữa, đây là nghề truyền thống của quê hương nên vợ chồng tôi tích cóp đầu tư thêm 1 máy nữa để sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Bổn thổ lộ.

    Anh Hòa, anh Bổn là 2 trong hàng trăm trường hợp lầm lỡ hoàn lương trở về đã tìm lại được chính mình.

    An ninh trật tự luôn bảo đảm

    Đến xã Duy Sơn, hỏi mô hình “1+5”, không ai không biết. Mô hình này được ví như 5 ngón của một bàn tay nhân ái sẵn sàng dìu dắt, giúp đỡ người lầm lỡ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

    Theo thống kê, từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn xã Duy Sơn có 45 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Mỗi người đều sẽ được 5 lực lượng (công an, đoàn thể, gia đình, dòng tộc, nhà trường) cùng quan tâm, động viên giúp đỡ để sớm “cân bằng” với cuộc sống.

    Với cách làm trên, thời gian qua, đã có 28 trường hợp được giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, 11 người được các hội, đoàn thể bảo lãnh tín chấp vay vốn làm kinh tế với tổng số tiền 150 triệu đồng; 12 người tham gia các tổ chức chính trị - xã hội như: tổ an ninh nhân dân, đội dân phòng. Các ban, ngành, đoàn thể cũng đã vận động hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 8 trường hợp.

    “Ở xã Duy Sơn, với hiệu quả của mô hình “1+5” và những biện pháp khác, tình hình an ninh trật tự luôn bảo đảm, lòng tin của người dân được củng cố, đối tượng hình sự ngày càng giảm mạnh”, thượng tá Lê Trung Hai, Phó trưởng Công an huyện Duy Xuyên, khẳng định.

    Từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) có hơn 500 người chấp hành xong án phạt tù trở về. Trong đó, hơn 380 người đã tìm được việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mo-hinh-15-cho-ke-lo-lam-can-bang-cuoc-song-a43461.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan