(ĐSPL) - Để tổ chức đám ma cho cha, gia đình già làng Kpuih Hyom đã mổ bò, mổ trâu, còn người trong làng thì góp heo, góp rượu. Tổng cộng, đám ma của cha già làng đã mổ hết 115 con heo, 3 con bò và 1 con trâu.
Theo quan niệm của người Jrai ở làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ (Gia Lai), đám ma là việc của cả làng chứ không riêng gì gia đình có người chết. Khi trong làng có người "ra đi", già làng sẽ là người đứng ra chỉ dẫn các nghi lễ cần thiết để tổ chức đám ma, còn những hộ gia đình khác trong làng có nghĩa vụ đến chung tay cùng gia chủ tổ chức đám ma cho chu đáo.
Dù lớn hay nhỏ, đám ma ở làng Ghè đều được tổ chức trang trọng và không thể thiếu 3 con vật cúng tế là trâu, bò và heo. Gia đình nào thiếu heo, bò, anh em họ hàng và người trong làng sẵn sàng góp lại giúp đỡ.
Chính vì tục góp heo tham dự đám ma mà cả cả làng Ghè, nhà nào cũng nuôi heo. Chuyện các gia đình làm đám ma tốn kém trên 100 con heo là chuyện bình thường của làng Ghè. Người giết bò, người đập heo, người cắm rượu, người nấu cơm... mỗi người mỗi việc, quần tụ thành nhiều nhóm trong sân của gia chủ.
Chia sẻ về những ngày tổ chức đám ma cho cha mình, già làng Kpuih Hyom kể, lúc ấy gia đình làm 1 con trâu và 3 con bò, còn 115 con heo kia là người trong làng góp lại. Khi nghe tin cha già làng mất, trong 3 ngày, người trong làng nườm nượp gánh heo đến chung tay tổ chức. Sân nhà heo chứa không hết, phải kéo ra khu nhà mả. Tuy số lượng thịt rất nhiều nhưng chỉ trong 3 ngày đám ma đã dùng hết.
|
Già làng Kpuih Hyom kể lại đám ma của cha mình |
Theo anh Rơ Lan Hin, cán bộ văn hóa xã Ia Dơk, luật của làng đã quy định góp lễ vật trong đám ma cũng phân ra 3 cấp độ khác nhau, anh em ruột thịt thì góp bò, họ hàng thì góp heo, còn người trong làng thì góp rượu. Cũng có những gia đình còn nghèo không lo đủ bò, heo thì có thể 2 hoặc 3 nhà góp chung.
“Không ở đâu có một tục lễ mang tính chất nhân văn đến như thế. Từ đám ma cho đến ngày bỏ mả, chia tay người chết bằng một nghi lễ hoành tráng, với những phẩm vật cả vật chất và tinh thần, vừa lộng lẫy vừa sang trọng nhưng cũng tinh tế và huyền diệu. Những phẩm vật được dân làng dâng một cách thành kính và không vụ lợi”, anh Rơ Lan Hin nói.
Đám ma người Jrai ở làng Ghè thường được tổ chức trong vòng 3 ngày. Sau 3 ngày, người chết được mang về nhà mả để chôn. Tùy theo từng làng, người chết có thể được chôn theo kiểu địa táng hoặc thiên táng. Tuy nhiên, dù là cách gì thì đều chôn chung. Nhiều người trong gia đình được đặt chung một quan tài và chia của cải cho người chết. Người sống có gì người chết cũng được chia như vậy, kể cả ti vi, xe máy nhưng nhiều nhất là chiêng, ghè rượu...
|
Khu nhà mả của làng Ghè nằm sâu trong khu rừng rậm, nơi đây được tổ chức những đám ma tiêu tốn nhiều heo và trâu, bò. |
Già làng Kpuih Hyom kể: “Hàng ngày, người sống vẫn ra mồ tiếp tế thức ăn cho người chết, họ bón cơm cho người chết thông qua một cái lỗ chừa lại trên quan tài. Họ ngồi nói chuyện với người chết hàng tiếng đồng hồ, kể về sự việc diễn ra trong ngày, trong làng như ai dựng vợ gả chồng, ai say rượu đánh nhau, ai sinh con đẻ cái... Họ cho rằng người nằm dưới kia vẫn đang đồng hành với mình”.
Người Tây Nguyên quan niệm thế giới vạn vật hữu linh, nhất cử nhất động của họ đều có thần linh tham gia chứng giám và điều khiển. Khi một người Tây Nguyên chết đi, đấy chưa phải là chết mà họ mới tạm rời cõi sống để chuẩn bị sang thế giới bên kia. Đám ma chỉ là một hình thức tiễn biệt người chết và dân làng chung tay góp lễ vật đưa tiễn.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mo-115-con-heo-3-con-bo-de-to-chuc-dam-ma-a66885.html