+Aa-
    Zalo

    Minh “bớt” và câu nói: Cướp để trả lại tài sản đã trộm?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hơn 35 năm trôi qua, nhưng nhắc đến vụ án Minh “bớt” và nhóm côn đồ cướp súng bạo loạn và gây ra cái chết cho 17 người, ai ai cũng phải rùng mình.

    (ĐSPL) - Hơn 35 năm trôi qua, nhưng nhắc đến vụ án Minh “bớt” và nhóm côn đồ cướp súng bạo loạn và gây ra cái chết cho 17 người, ai ai cũng phải rùng mình.

    Bắt nguồn từ thói côn đồ và rượu chè, cả bọn nghĩ ra chuyện trộm cướp để trả nợ. Khi bàn tay đã nhuốm máu, kẻ cầm đầu nhớ lại mối hiềm khích với cán bộ, chính quyền địa phương nên đã kêu gọi đồng bọn gây bạo loạn giết hơn chục mạng người chỉ trong vài ngày.

    Trước khi đầu hàng, Minh “bớt” còn nhẫn tâm giết chết 3 đồng bọn, trong đó có cậu ruột của mình, hòng thoát tội chủ mưu.

    Minh “bớt” là ai?

    Minh “bớt” có tên đầy đủ là Nguyễn Minh (SN 1950), trú tại thôn 5, xã Quế Phước, huyện Quế Sơn (nay thuộc huyện Nông Sơn), tỉnh Quảng Nam. Do ở phía gò má có cái bớt nên y có biệt danh Minh “bớt”.

    Minh là anh cả trong gia đình có bốn anh em. Trước năm 1975, Minh “bớt” tham gia trong nhiều lực lượng thuộc ngụy quân như lính dù, lính biệt kích, lính biệt động, lính nghĩa quân quận Đức Dục (một trong 9 quận của tỉnh Quảng Nam thời bấy giờ). Do trải qua nhiều loại quân nên Minh “bớt” rất giỏi võ nghệ và là tay thiện xạ bắn “bách phát bách trúng”.

    Ảnh minh họa.

    Khi tham gia chế độ cũ, Minh “bớt” được Quận trưởng Nguyễn Tú Lạc tin dùng nên cậy thế tỏ rõ tính gian ác và ngông cuồng. Minh ra chợ thích gì lấy cái đó, bà con nghe danh Minh “bớt” đã chết khiếp không dám hé răng. Nhiều lần, bọn lính ngụy giết các chiến sĩ cách mạng, Minh “bớt” cắt tai họ phơi khô rồi xâu vào, đeo lên cổ để “xưng hùng xưng bá”.

    Với hành động này, ngay cả lính ngụy quân cũng ghê sợ Minh “bớt” chứ không riêng gì những người dân lành. Bởi vậy, trước năm 1975, y có cuộc sống vương giả, ăn sung mặc sướng, muốn gì được nấy. Minh cùng đám bạn là Huỳnh Dũng, Phạm Luyến và cậu ruột Lương Lực kết thành một nhóm ngông cuồng quậy phá cả một vùng sơn cước.

    Sau ngày giải phóng, Minh “bớt” được đưa đi cải tạo khoảng vài tháng rồi được cho về nhà, sau đó y lấy vợ và có hai người con. Thấy Minh có chút thông minh, lanh lợi nên xã Quế Phước sử dụng Minh làm thống kê nông nghiệp, ghi biểu mẫu thuế… Làm được một thời gian thì Minh chứng nào tật nấy nhậu nhẹt, ăn chơi sa đọa nên bị sa thải. Từ đây, Minh lại càng bặm trợn hơn, ai thấy Minh “bớt” cũng phải tránh xa.

    Bí quá… hóa liều!

    Do tụ tập ăn nhậu không có tiền trả nên Minh rủ Lực và người bạn tên Nghĩa đi trộm tiền trả nợ. Biết nhà ông Phan Nhung (Trưởng ban Cách mạng thôn Đông An, xã Quế Phước, bố dượng của Nghĩa) có nhiểu tiền nên cả bọn tính kế để “chôm”.

    Rạng sáng ngày 18/1/1980, lợi dụng lúc ông Nhung mở cửa ra ngoài đi vệ sinh, Minh và đồng bọn lẻn vào cạy tủ lấy tiền và nhiều tài sản khác rồi bỏ chạy. Phát hiện nhà bị đột nhập, ông Nhung cầm súng đuổi theo, bắn chỉ thiên ba phát nhưng chúng đã cao chạy xa bay.

    Ngay trong ngày đó, Công an huyện Quế Sơn vào cuộc điều tra. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Minh và đồng bọn đã thừa nhận hành vi trộm cắp nhà ông Phan Nhung. Chúng còn khai thêm trước đó đã gây ra vụ trộm gỗ của vợ chồng bà Xa. UBND đã gia hạn cho Minh và đồng bọn đến ngày 20/1/1980 phải mang tiền, tài sản lên xã để trả lại cho các nạn nhân. Do tài sản trộm được đã tiêu xài hết nên cả bọn họp nhau lại tìm cách kiếm tiền để nộp. Sau hồi bàn bạc, Minh và đồng bọn thống nhất tiếp tục đi… trộm để trả tiền ăn trộm!

    Ngay tối hôm đó, bọn chúng lẻn vào hợp tác xã ở thôn Đông An nhưng không trộm được gì. Bí quá, chúng tiếp tục bàn nhau chuyển qua đi cướp. Rồi chúng lý luận, để đi cướp được thì phải có súng. Biết ông Trương Thành Tá có súng nên chúng rủ nhau vào nhà ông Tá để mượn. Chúng đưa ra lý do mượn súng để đi săn heo rừng nhưng thấy chúng không lương thiện nên để đề phòng bất trắc, ông Tá không đồng ý. Không thuyết phục được ông Tá chúng lớn tiếng sừng sộ khiến ông Tá phải lấy súng ra dọa bắn. Thấy ông Tá giơ súng lên, cả bọn co giò bỏ chạy.

    Vẫn không từ bỏ ý định phải tậu một khẩu súng để “làm ăn”, khoảng 16h ngày 19/1/1980, Minh “bớt” phân công Phạm Luyến đến nhà anh Võ Sáu (thôn đội) để cướp súng. Nhà vắng chủ, Luyến lục lọi nhưng không tìm ra súng. Tiếp đó, Luyến sang nhà anh Dũng (du kích), gặp mẹ anh Dũng nhờ lấy súng để đi săn heo rừng. Luyến còn bảo: “Hình như súng để trong bồ lúa”. Tin lời Luyến, bà cụ mở bồ lúa ra không ngờ lại có khẩu súng trong đó thật. Có bảo bối trong tay, Minh “bớt” và đồng bọn càng quyết tâm thực hiện mưu đồ trộm cướp để có tiền. Chợt nhớ tới những lần cán bộ địa phương gây sức ép với mình, Minh nghĩ ra việc thành lập lực lượng để cướp bóc, chống lại, bắn giết cán bộ để gây ra tiếng vang lớn. Minh vừa mở lời, cả bọn đã nhất loạt đồng ý và lên kế hoạch hành động.

    Tàn sát nhiều người chỉ trong một ngày

    Mục tiêu đầu tiên mà Minh “bớt” và đồng bọn nhắm đến đó là nhà ông Nguyễn Tảo (Trưởng Công an thôn 1, xã Quế Phước). Do trước đây Dũng có lần ăn trộm vịt trong thôn bị ông Tảo tát môt bạt tai nên Dũng rất ấm ức và xúi Minh “bớt” giết ông Tảo trước tiên. Trên đường đi đến nhà ông Tảo, bọn chúng gặp anh Lê Văn Nông (quân nhân thuộc thị đội Hội An, Quảng Nam, Đà Nẵng) đang cõng lương thực trên đường về đơn vị. Thấy anh Nông có súng, chúng liền bắn anh tử vong tại chỗ rồi cướp súng để tăng thêm uy lực.

    Đến nhà ông Tảo, lúc này ông vừa mới đi làm đồng về đang nằm nghỉ ngơi trên giường, chúng bắn một phát khiến ông Tảo chết tại chỗ. Vợ và 2 người con lớn của ông Tảo thấy vậy, kẻ quỳ lạy van xin, người trốn dưới bếp, trong buồng cũng bị chúng lấy đi mạng sống. Còn 3 người con nhỏ của ông Tảo đi chơi ở nhà hàng xóm, đang bế nhau về gần tới nhà thấy thế bỏ chạy thục mạng nên thoát chết. Tại nhà ông Tảo, trước khi đi, chúng cướp 1 súng M18 và 1 súng CKC cùng một túi đạn.

    Chưa dừng lại ở đây, đến 20h cùng ngày, bọn chúng kéo đến nhà anh Phan Thanh Đạt (thôn đội phó). Anh Đạt chưa kịp hiểu chuyện gì thì bị chúng bắn chết rồi cướp một khẩu súng. Nghe tiếng súng nổ, anh Trương Hường (đội trưởng sản xuất) cầm súng cạc-bin cùng anh Trương Quý (đội phó) chạy ra cơ quan thôn 1 đánh kẻng báo động. Bọn chúng thấy vậy lần theo tiếng kẻng, lao tới bắt hai ông này quỳ xuống. Minh “bớt” ra lệnh cho đồng bọn bắn chết ông Hường rồi cướp súng, riêng ông Quý được tha nhưng ông sợ quá trốn vào một bụi gai.

    Có nhiều vũ khí và giết được nhiều người, chúng càng hăng máu hơn, vừa đi vừa hét vang, xưng danh là “lực lượng trung trực” khiến bà con khiếp đảm đóng cửa ẩn ấp. Sauk hi giết ông Hường, bọn sát nhân đi về thôn 5, vào nhà Lực rồi tiếp tục đi tìm ông Phạm Tấn Dũng (tức Trí, trưởng công an thôn) để giết. Chúng đến trước ngõ nhà ông Dũng và phục tại đây. Vừa lúc đó ông Dũng đi họp về, chúng bắn chết ông rồi lôi vào giấu trong vườn mía. Sau đó, chúng cướp súng và đồng hồ của ông Dũng rồi bỏ đi. Chưa hết, chúng kéo xuống nhà ông Đỗ Xuân Lập (Trưởng ban nhân dân cách mạng thôn 5) thì may thay ông không có ở nhà. Chúng gọi bà mẹ của ông Lập ra, hét lớn: “Lập đâu?”. Bà cụ run lẩy bẩy trả lời: “Lập không có ở nhà, đi đâu tôi không rõ”. Nghe thế, chúng hậm hực bỏ đi.

    Liền sau đó, cả bọn xuống bến sông gần nhà ông Ba Trình để tìm giết bà Xa, vợ ông Trình, người trước đó bị mất gỗ và khai báo với cơ quan công an xã. Lúc này bà Xa đi buôn hàng trên núi chưa về nên bọn chúng lôi ông Trình ra dọa nạt. Thấy bọn chúng hung tợn lại mang theo nhiều súng, ông Ba Trình thất kinh hồn vía quỳ lạy van xin thảm thiết nên chúng chỉ cướp vàng rồi tha mạng cho ông Trình. Sau khi giết chết 7 người dân làng và 1 anh bộ đội, Minh cùng đồng bọn chạy vào khu vực núi Bằng Trĩ lẩn trốn.

    Ngày 19/1/1980 đó không khác gì ngày đại tang của xã Quế Phước. Chỉ trong một đêm, 7 người dân vô tội cùng 1 anh bộ đội đi công tác qua địa bàn đã bị bon thủ ác bắn chết dã man. Đêm đó, tiếng khóc thất thanh vang cả làng, người người rơi vào sợ hãi tột cùng. Đau thương nhất là gia đình ông Tảo, 4 xác chết nằm quanh nhà, trong đó có một số thai nhi vài tháng tuổi chưa kịp chào đời đã chung số phận bị sát hại cùng bố mẹ, anh chị mình…

    (còn tiếp)

    PHƯƠNG NAM

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/minh-bot-va-cau-noi-cuop-de-tra-lai-tai-san-da-trom-a92867.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan