+Aa-
    Zalo

    Mì tươi chứa hàn the "tái xuất": Cách "vạch mặt" bún, mì độc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thông tin bún phở chứa chất huỳnh quang vừa dịu đi thì mới đây, cơ quan chức năng lại phát hiện một cơ sở sản xuất mì tươi có pha trộn hàn the.

    (ĐSPL) - Thông tin bún phở chứa chất huỳnh quang vừa dịu đi thì mới đây, cơ quan chức năng lại phát hiện một cơ sở sản xuất mì tươi có pha trộn hàn the. Giữa "ma trận" thực phẩm không đảm bảo, người tiêu dùng cần "thông thái" hơn để tự bảo vệ mình và gia đình. Dưới đây là những cách phân biệt thực phẩm có chứa hàn the.

    Ngày 9/5/2015, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường vừa phối hợp cùng Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng khoa học công nghệ Đồng Tháp và Công an địa phương tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất mì sợi Phú Hiền tọa lạc Tổ 27, khóm 3, phường 6, TP.Cao Lãnh, do Phan Thị Diệu Hiền (SN 1975) làm chủ cơ sở.

    Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sản xuất này có hành vi pha trộn chất hàn the vào nguyên liệu để sản xuất mì tươi. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện 60 lít dung dịch đã pha trộn chất hàn the.

    Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản niêm phong 120kg mì sợi thành phẩm và 60 lít dung dịch đã pha trộn chất hàn the, để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

    Trước đó, năm 2013, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh vừa công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu bún được thu thập từ các cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh canh, bánh canh xắc trên địa bàn thị xã Tây Ninh trong tháng 5. Kết quả xét nghiệm mẫu bún lấy từ 2 cơ sở cho thấy có chất huỳnh quang (Tinopal) - một loại hóa chất có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, còn có chất chống mốc (Sodium benzoat) và hàn the.

    Tiến sĩ Nuyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Tinopal là chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy… vì có màu óng ánh, đẹp. Chất này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm. Lâu nay để tăng độ dai cho bún, người sản xuất thường dùng hàn the và chất tẩy bột trắng sunfit.

    Đối tượng Diệu Hiền trước tang vật bị cơ quan chức năng phát hiện.

    Chất Tinopal - huỳnh quang cho vào chỉ cải thiện độ bóng bề mặt sợi bún, làm cho sợi bún hấp dẫn về mặt hình thức song chất này rất nguy hại, có khả năng gây ung thư. Đáng lo ngại, bún lại được xếp vào danh sách nhóm thực phẩm thường xuyên dùng của người dân, nhất là trong mùa hè. Còn Sodium benzoat theo quy định của Bộ Y tế là chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng vào một số nhóm thực phẩm như sản xuất mì và các sản phẩm tương tự để chống vi sinh vật, chống thiu và chua. 

    Theo các chuyên gia, bún trước đây làm bằng gạo nguyên chất, sợi bún có màu trắng đục chứ không trong như hiện nay. Bún được làm bằng bột khoai mì tươi, bột lọc sợi bún thường có màu đen, dễ bị nát vụn. Còn loại bún có hóa chất Tinopal nhìn rất trắng, bóng đẹp, hoàn toàn không để lại mùi vị, khi đưa ra ánh sáng mặt trời sợi bún thường trắng óng ánh. Loại bún ngon nhìn thường có màu trắng ngà của bột gạo, làm bằng bột gạo thơm, dẻo và nhanh có mùi chua. Bún có hóa chất Tinopal thì để lâu khó thiu mà sẽ chuyển sang màu xanh, khô cứng.

    Hóa chất Tinopal nguy hại nhưng lại được các trang mạng rao bán rất nhiều, giá khoảng 600.000 đồng một kg. Theo tiết lộ của một chủ xưởng chuyên làm bún thì hóa chất này có bán tại các chợ đầu mối với tên là Tinopal-DMS, Tinopal-AMS... giá 400.000-550.000 đồng một kg.

    Phó giáo sư Hoàng Đức Như, Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng TP HCM cho biết, trong danh mục cho phép của Bộ Y tế vẫn có một số chất khác có thể làm trắng bún nhưng đắt tiền nên người sản xuất không chọn. Việc tẩy trắng bún, bánh canh bằng chất huỳnh quang là một hành động gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt có thể làm tổn thương nhung mao khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng.

    Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết, nếu ăn bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hơn nữa, đây là một chất dùng trong công nghiệp nên khó tránh khỏi trong đó có chứa các tạp chất gây hại cho sức khỏe. Hàn the khi vào cơ thể không đào thải hết mà tích tụ lại gây ngộ độc cấp tính với liều lượng thấp (khoảng 5g) và ngộ độc trường diễn làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn, trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận…

    Ông Thịnh cho hay chất Tinopal dễ dàng nhận biết vì bản thân chất Tinopal là màu phát huỳnh quang, để trong bóng tối có khả năng phát ánh sáng. Khi mua bún, người tiêu dùng nên dùng đèn cực tím như đèn soi tiền chiếu vào, nếu thấy bún phát sáng thì có nhiễm chất Tinopal. Với hàn the, người tiêu dùng có thể dùng que thử hoặc dùng bột nghệ cho vào, nếu thấy bún chuyển sang màu xám thì trong đó có chứa hàn the.

    Video: Hơn 100kg mì sợi chứa hàn the[mecloud] MsXmyJNuFg[/mecloud]

    Hàn the tác hại thế nào?

    Hàn the, tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric. Đây là một chất sát khuẩn và nấm yếu, được dùng trong y tế để làm săn, dùng ngoài để diệt khuẩn và nấm nhẹ. Trước đây, borax có trong các công thức thuốc điều trị loét aptơ, nước súc miệng, trị viêm miệng, viêm nhiễm mắt mũi... nhưng hiện ít được dùng vì có thuốc khác tốt hơn và ít tác dụng phụ. Nhiều y văn và dược văn ghi rõ: Không dùng boric hoặc borax đường uống.

    Theo y thư cổ, hàn the còn gọi là bồn sa, bàng sa, bồng sa, nguyệt thạch; vị ngọt, tính mát mặn, giúp chữa sốt, tiêu viêm, giải độc. Có một thời hàn the được dùng bào chế bột trị đau dạ dày và thuốc ho. Không biết từ bao giờ, người ta cho hàn the vào bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa, thạch, xu xê, giò, chả và nhiều thức ăn khác.

    Hàn the không có trong danh mục các chất được Bộ y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó. Hàn the sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính.

    - Với tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy.

    - Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể.

    - Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loại chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.

    Giò ngon phải có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt có nhiều lỗ rỗ (Ảnh minh họa)

    Cần lưu ý rằng hàn the mà các gia đình sản xuất bánh phở, bún... cho vào sản phẩm đều là loại hàn the công nghiệp, lẫn rất nhiều tạp chất độc hại khác như asen, chì...

    Cách phân biết một số thực phẩm dễ "ngậm" hàn the

    Cách phân biệt giò chả có chứa hàn the

    Giò

    - Phân biệt bằng cách nhìn: Giò lụa được gọi là ngon khi cắt ra có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt có nhiều lỗ rỗ, nhìn miếng giò mịn và hơi ươn ướt. Lý do là bởi giò được làm từ thịt nạc ngon, khi được nghiền thịt sẽ quánh dẻo lại và bọc lớp không khí bên trong nên lúc luộc hoặc hấp giò không khí ấy sẽ nở ra và tìm cách chui ra ngoài tạo ra những lỗ rỗ bên trong khoanh giò.

    Nếu giò không có những lỗ rỗ này tức là giò đã bị pha lẫn bột và làm bằng thịt không đảm bảo chất lượng.

    - Phân biệt bằng cách ngửi: Giò ngon là loại có mùi thơm thoang thoảng của thịt hòa quyện với mùi của lá gói. Nếu thấy một khoanh giò có mùi thơm nồng, thơm sực thì nên thận trọng bởi đó là loại giò đã được tẩm chất phụ gia hương thịt.

    Mùi giò do chất lượng giò tạo nên, chỉ thoang thoảng, quyện với hương của lá gói là ngon. Nếu thấy một cây giò có mùi ôi, thiu, lá gói khô, cũ, dính nhớp tay hoặc có triệu chứng của nấm, mốc thì nên bỏ qua ngay lập tức.

    - Phân biệt bằng cách nếm: Một khoanh giò ngon thì khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, hơi giòn, mềm mềm, không dai giòn bất thường, không có cảm giác khô rắn, không bị bã và cũng không bị bở.

    Nếu giò quá bở, không có mùi thơm, không có lỗ rỗ trên bề mặt thì tức là đã bị trộn với bột, còn nếu giò giòn, dai, mịn bất thường thì đã bị pha với hàn the trong khi chế biến.

    Chả

    Phân biệt chả ngon cũng tương tự như phân biệt giò, tuy nhiên vì chả không có lớp lá gói bên ngoài nên dễ dàng phân biệt hơn giò. Một phên/miếng chả được gọi là ngon khi lớp vỏ có màu vàng tự nhiên của thịt rán nhưng vỏ hơi sần sùi, không mịn, lớp bên trong mềm, mịn, có nhiều lỗ rỗ nhỏ.

    Nếu các mẹ sờ tay thử vào miếng chả thấy mềm, hơi ươn ướt nhưng không dính nhớp mà chỉ dính một chút mỡ ở tay (lý do là bởi chả được pha với liều lượng mỡ nhiều hơn giò nên khi sờ vào chả sẽ dính nhiều mỡ ra tay hơn giò). Chả ngon có mùi thơm nhẹ, khi ăn không bị nát, không bở mà cũng không quá khô cứng.

    Nếu miếng chả quá bở, ăn không còn vị béo ngậy đặc trưng của thịt, bề mặt không có lỗ rỗ thì tức là trong lúc chế biến thịt đã bị pha lẫn với bột. Còn nếu miếng chả có mùi thơm, dai, giòn bất thường thì tức là nó đã bị trộn lẫn với hàn the.

    Hàn the khi vào cơ thể không đào thải hết mà tích tụ lại gây ngộ độc cấp tính với liều lượng thấp (khoảng 5g) và ngộ độc trường diễn làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn, trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận…

    Bún, bánh phở

    Màu sắc

    Bún bánh phở không có hàn the: Màu trắng đục, trắng ngà tự nhiên như hạt gạo. Sợi bún cũng có thể có màu hơi tối, không quá trắng sáng.

    Bún bánh phở có hàn the: Màu trắng trong, sáng, có độ bóng do được pha trộn nguyên liệu và sử dụng hóa chất, hàn the để bảo quản.

    Mùi vị

    Các bà nội trợ có thể dễ dàng nhận biết bún có chứa hàn the và không chứa hàn the qua mùi vị của sợi bún.

    Bún, bánh phở không chứa hàn the: Mùi hơi chua dịu, không quá nặng mùi. (Mùi chua này hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm trong quy trình chế biến bún).

    Bún, bánh phở có chứa hàn the: Không có mùi chua dịu của gạo ngâm. Nếu bạn đi chợ vào cuối ngày mà thấy bún không có mùi chua, thiu thì chắc chắn bún đó đã được tẩm hàn the và hóa chất.

    Độ dai của sợi bún

    Bún, bánh phở không chứa hàn the: Sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn do không sử dụng hóa chất và hàn the.

    Bún bánh phở có chứa hàn the: Sợi bún dai giòn hơn, khó đứt gãy. Chạm vào không có cảm giác nhuyễn, dính của bột gạo do đã sử dụng hàn the và hóa chất giúp sợi bún dai, giòn hơn.

    Độ bóng

    Bún có chứa hàn the, sợi bún dai và bóng bẩy, mượt mà hơn

    Bún, bánh phở không chứa hàn the: Không có độ bóng, sợi bún không quá mượt mà và có màu hơi trắng đục hoặc tối màu. Khi dùng đèn pin soi vào hoặc nhìn kỹ dưới ánh mặt trời không thấy sáng óng ánh hoặc phản quang.

    Bún, bánh phở có chứa hàn the: Có độ bóng, nhìn kỹ dưới ánh mặt trời thấy hơi óng ánh, cảm giác sợi bún khá mượt mà. Nếu soi đèn pin sẽ thấy sợi bún phản quang.

    Kiểm nghiệm

    Bún, bánh phở không chứa hàn the: Bún mua về để hơi lâu hoặc qua ngày, sẽ bị chua và ôi thiu. Khi ăn có vị của bột gạo như ăn cơm.

    Bún, bánh phở có chứa hàn the: Có thể để 2 - 3 ngày chưa bị ôi thiu. Nếu lấy bột nghệ thử sẽ thấy sợi bún chuyển sang màu xám do tác dụng hóa học của hàn the. Khi ăn thấy sợi bún giòn, dai hơn và không cảm thấy vị của bột gạo như ăn cơm.

    Không chỉ các loại bún, bánh phở tươi mới có chứa chất bảo quản và hàn the, mà các loại bún, bánh phở khô cũng được nhà sản xuất sử dụng hóa chất trong quy trình sản xuất.

    Để lựa chọn bún, bánh phở khô an toàn, không chứa hóa chất và hàn the, các bà nội trợ nên chú ý, mua hàng ở những nơi uy tín và quen biết. Hoặc cũng có thể nhận biết bằng cảm quan khi quan sát sợi bún.

    Bún khô không chứa hàn the, sợi bún thường ngắn và có màu trắng đục

    Bún, bánh phở khô không sử dụng hàn the: Sợi bún, phở sẽ có màu đục, hơi xám, sợi ngắn và không thấy độ bóng, sáng. Khi nấu, nước nấu sẽ trong hơn, không có màu đục, dù nấu lâu hơn nhưng sợi bún càng dai, ngon hơn mà không bị nát.

    Bún, bánh phở khô có chứa hàn the: Sợi bún có màu trắng trong hơn, bóng hơn, sợi dài hơn. Khi nấu nước nấu hơi đục do hóa chất bị phai trong quá trình nấu nướng. Sợi bún nhanh nát hơn khi thả vào nước sôi.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mi-tuoi-chua-han-the-tai-xuat-cach-vach-mat-bun-mi-doc-a94863.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.