Điều lo lắng nhất của một cô gái 22 tuổi khi mẹ đang nằm viện do bị ung thư không phải sức khỏe của bà mà là ai sẽ nấu cơm cho mình ăn.
Những đứa con không thể tự lo cho bản thân
Câu chuyện do Cựu bộ trưởng năng lượng Mỹ Steven Chu kể lại đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải suy nghĩ về cách giáo dục choc con mình.
"Tôi có một người bạn ở Trung Quốc bị ung thư cổ tử cung, sắp tiến hành phẫu thuật, cả nhà phải vào đó để chăm sóc, trừ cô con gái 22 tuổi. Khi vào viện thăm mẹ, cô gái đã nói: "Con không ở bệnh viện được vì con đâu phải bác sĩ, con biết làm gì bây giờ?". Đồng thời, cô không quên quay lại nói với mẹ: "Mẹ nằm ở đây rồi thì ai nấu cơm cho con?".
Điều lo lắng nhất của cô gái 22 tuổi này khi mẹ nằm viện không phải là sức khỏe của mẹ mà chỉ là ai sẽ nấu cơm bởi từ bé cô đã không được dạy điều đó.
Kết thúc câu chuyện của mình, Steven Chu khẳng định: "Thất bại lớn nhất của cha mẹ là cung cấp đầy đủ cho con cái mọi thứ nhưng không dạy chúng kỹ năng trở thành người độc lập".
Chưa đầy 5 tuổi, trẻ em Nhật đã có thể tự đi bộ đến trường mà không cần ba mẹ đưa đón. |
Dường như những bậc cha mẹ ở những nước Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc... thường phạm vào những lỗi chiều con kiểu này.
Chế độ giáo dục nặng về học thuộc, thụ động kèm với rất nhiều bài tập về nhà, rồi học thêm khiến đứa trẻ dường như quá tải. Thương con vất vả và mong cho con dồn sức cho học tập để khỏi thua bạn kém bè, các ông bố và đặc biệt là những bà mẹ đã ôm đồm hết mọi việc nhà cho con.
Một ông cụ ở Thanh Hóa, thường hay lên Hà Nội thăm con cháu kể: "Cháu nội tôi một đứa học lớp 11, một đứa học lớp 8 nhưng các cháu quả thật rất "gà tồ". Các cháu lớn tướng rồi mà vẫn nằm dài xem ti vi hoặc đọc sách trong thời gian chờ mẹ nấu cơm.
Tôi bảo: "Con nên cho cháu vào bếp" thì con dâu tôi xua tay: "Ôi thời nay chúng nó học vất vả lắm ông ạ. Học miết như thế thì còn thời gian đâu mà làm việc nhà giúp bố mẹ nữa ạ? Cứ học thật giỏi thì chúng nó chẳng phải làm gì hết ông ạ".
Các cháu tôi cứ ăn xong là nhổm dậy về phòng, mặc kệ mẹ dọn bàn, rửa bát. Ấy vậy mà con dâu tôi còn bao biện: "Chúng con chỉ cần các cháu học giỏi ở trường là đủ".
Vậy nên từ nồi cơm điện đến bếp gas, máy giặt, các cháu tôi đều không biết sử dụng. Cháu gái tôi còn thanh minh rằng: "Mẹ dặn kỹ là mấy thứ đó dễ cháy nổ nên không cần mó tay vào ông ạ".
Cháu trai nói theo: "Bố cháu còn bảo là sẽ tạo điều kiện để bọn cháu được tập trung vào chuyện học ạ".
Nhìn hai đứa cháu đeo cặp kính cận dày cộp, lúc nào cũng dán mắt vào điện thoại, máy tính, tôi chỉ biết thở dài".
Tình trạng chiều con đang có tín hiệu thay đổi
Tuy nhiên, đã có rất nhiều ông bố bà mẹ ý thức được vấn đề này và đang tích cực thay đổi.
Trong một chương trình tạp kỹ có tên "Thanh niên nói" ở Trung Quốc, một cậu bé đã hét lên với mẹ mình: "Mẹ, mẹ có thể dừng bắt con làm việc nhà được không? Con quá vất vả rồi, đi học về còn phải làm bao việc, con mới chỉ 13 tuổi thôi".
Nhìn thấy thái độ gay gắt của con, người mẹ vẫn cương quyết: "Con vẫn phải làm việc nhà". Khi cậu bé này nguôi cơn giận, người mẹ nhẹ nhàng giải thích 3 điều: "Tương lai khi con có gia đình, vợ con cũng là con cưng của bố mẹ cô ấy, hà cớ gì cô ấy phải chịu khổ khi một mình làm việc nhà mà con thì không?".
Để trẻ học làm việc nhà là cách giúp gia đình bạn hạnh phúc hơn. |
"Khi con biết làm việc nhà, những người sống cạnh con sẽ rất hạnh phúc. Con biết san sẻ công việc chung với những người thân yêu, có phải gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc hay không?"
"Cho dù con lớn đến đâu, con có đi năm châu bốn bể, chu du thiên hạ cũng không phải vấn đề gì quá lớn. Mẹ chỉ hy vọng con là người có trách nhiệm với gia đình. Đó mới chính là đức tính quý báu nhất của một người đàn ông hiện đại".
Làm việc nhà giúp trẻ độc lập, thành công trong cuộc sống
Khi bố mẹ dạy con biết làm việc nhà từ bé chính là tạo cơ hội cho trẻ biết sống tự lập. Nếu không dạy trẻ làm việc nhà thì mãi mãi sẽ không bao giờ biết làm.
Không có cha mẹ nào có thể chắc chắn bảo vệ con cái mình suốt đời. Vậy làm thế nào để những đứa con có thể sống độc lập sau khi rời khỏi bố mẹ?
Công trình nghiên cứu có tên Grand Study của chủ nhiệm khoa vệ sinh dịch tễ trường Đại học Harvard - giáo sư Arlie Bock - thực hiện từ năm 1938 đã cho thấy tầm quan trọng của làm việc nhà đối với tương lai của đứa trẻ sau này.
Nghiên cứu trên đã thực hiện trên 268 nam sinh viên ưu tú của Đại học Harvard và 456 thanh niên sinh ra trong các gia đình nghèo ở gần Boston, được tìm hiểu, phân tích toàn diện trong hơn 75 năm.
Hiện nay, có khoảng 60 người vẫn còn sống khỏe mạnh và vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc nghiên cứu, hầu hết họ đã trên 90 tuổi.
Giáo sư Robert Waldinger giới thiệu thành quả nghiên cứu 724 người trong vòng 75 năm. Ảnh: johnwernerphotography. |
Vào năm 2015, người chịu trách nhiệm đời thứ 4 của công trình nghiên cứu Grand Study là giáo sư Robert Waldinger đến từ khoa Y Đại học Harvard đã giới thiệu thành quả nghiên cứu của họ trên diễn đàn TED Talks.
Một trong những điểm đáng chú ý của nghiên cứu là:
Thu nhập bình quân của những đứa trẻ thích làm việc nhà cao hơn 20% so với trẻ không làm việc nhà.
Giữa nhóm trẻ làm việc nhà và không làm việc nhà thì tỷ lệ có việc làm là 15:1 ở tuổi trưởng thành và tỷ lệ tội phạm là 1:10.
Có lẽ trong mắt các phụ huynh, làm việc nhà chỉ là công việc chân tay đơn giản, không tốn công sức. Thế nhưng từ nghiên cứu trên có thể thấy ý nghĩa mà nó mang lại to lớn hơn nhiều.
"Ngoài việc học kiến thức văn hóa ra, còn có cái gọi là kỹ năng về cuộc sống. Hai kỹ năng này luôn bổ trợ cho nhau và đừng để chúng tách rời, con bạn sẽ không thành công được", nghiên cứu Grand Study kết luận.
Minh Khôi(T/h)