+Aa-
    Zalo

    Mẹ già rơi nước mắt khi con trai khai về lý do phạm tội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời điểm Khăm bị bắt, người mẹ như đứt từng khúc ruột. Tại phiên tòa xử Khăm, bà không thể ngừng rơi nước mắt...

    Trong phiên tòa hôm ấy, người chúng tôi chú ý nhất là bà S., mẹ của bị cáo Khăm. Chồng mất sớm, người phụ nữ này nuôi 7 người con, trong đó, có 2 con bị khuyết tật và câm điếc bẩm sinh. Khăm là điểm tựa, đồng thời giúp mẹ chăm sóc các anh tật nguyền. Thời điểm Khăm bị bắt, bà như đứt từng khúc ruột. Tại phiên tòa xử Khăm, bà không thể ngừng rơi nước mắt...

    Bị cáo Vi Khun Khăm tại phiên tòa. Ảnh: Báo Nghệ An

    Vận chuyển ma túy vì 2 triệu đồng

    TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Vi Khun Khăm (34 tuổi, trú xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

    Người đáng chú ý nhất phiên tòa là bà Lương Thị S. (65 tuổi), mẹ Khăm. Khi bước sang sườn dốc bên kia cuộc đời, lưng đã còng thì người phụ nữ này phải nhận nỗi buồn vì đứa con thứ tư vướng vòng lao lý.

    Để tham dự phiên tòa xét xử con trai mình, bà S. cùng vợ của Khăm đã bắt xe vượt 300km để xuống TP.Vinh. Bà muốn xuống để động viên tinh thần cho con trai. Người phụ nữ này muốn động viên con trai cố gắng cải tạo tốt để trở về với gia đình. Vừa nhìn thấy con, người phụ nữ này bật khóc.

    Nhìn thấy mẹ và vợ, Khăm cũng rưng rưng nước mắt. Khăm bảo nhớ các con bởi từ ngày bị bắt, bị cáo chưa được nhìn thấy các con mình, cũng chưa kịp nhắn nhủ gì với gia đình cả.

    Rơm rớm nước mắt, bà S. cho biết, Vi Khun Khăm có 7 anh chị em, Khăm là con thứ tư. Trong 7 anh chị em của Khăm có 2 người anh bị khuyết tật và câm điêc bẩm sinh. Bố thì mất sớm, không có điều kiện nên Khăm chỉ được học đến lớp 5 rồi nghỉ giữa chừng. Nghỉ học, Khăm giúp mẹ làm nương rẫy và chăm sóc 2 người anh khuyết tật.

    Khi đã có gia đình riêng, Khăm vẫn không ngần ngại đón mẹ và các anh bị câm điếc về nhà mình sinh sống. Người đàn ông này chăm sóc các anh của mình rất tận tình. Cuộc sống khó khăn nhưng Khăm vẫn luôn lạc quan và cố gắng động viên mẹ. Nhưng cay đắng thay, 1 trong 3 đứa con của Khăm cũng bị câm điếc và bệnh về mắt. Vợ chồng Khăm đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng vẫn không có kết quả.

    Vì có đứa con bệnh tật, công việc chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nên cuộc sống gia đình Khăm muốn phần khó khăn. Có lẽ vì cuộc sống quá khó khăn nên Vi Khun Khăm đã không còn giữ được mình nên tham gia vào việc mua bán ma túy để đổi lấy số tiền 2 triệu đồng. Ngày nhận được tin con bị bắt bà S. vô cùng sốc.

    Cụ thể, vào khoảng đầu tháng 6/2019, Khăm đi chơi và trao đổi số điện thoại với người đàn ông tên Việt. Đến ngày 11/6, người đàn ông đó gọi điện và hẹn gặp Khăm tại đường ở bản Buộc, xã Bắc Lý. Tại đây, Việt nhờ Khăm đi mua ma túy hộ. Nếu được, Việt sẽ chia đôi tiền lời cho người đàn ông này. Tuy nhiên, Khăm nói chỉ cần đưa 2 triệu đồng là được. Thỏa thuận xong, Việt đưa cho Khăm 5 triệu đồng để mua ma túy.

    12h cùng ngày, Khăm đến gặp người đàn ông tên Phò Phương, ở bản Huổi Bắc, xã Bắc Lý dò hỏi nơi bán ma túy rồi đưa 5 triệu đồng. Phương cầm tiền rồi hẹn ngày mai có ma túy.

    Đến 19h cùng ngày, Phương đưa cho Khăm ma túy. Sau khi kiểm tra xong, Khăm giấu vào chiếc áo đang mặc trên người rồi về nhà. Vào 6h ngày 12/6, Khăm mặc lại chiếc áo cất giấu ma túy xuống trang trại cho gia súc ăn. Trên đường đi về thì bị tổ công tác đồn Biên phòng Mỹ Lý kiểm tra, phát hiện ma túy với khối lượng 38,4 gam Methaphetamine.

    Nước mắt mẹ già

    Thời điểm biết Khăm bị bắt bà S. sốc nặng. Người phụ nữ này không thể ngờ con trai lại liều mình đi buôn ma túy. Tại phiên tòa, Vi Khun Khăm thừa nhận mọi hành vi phạm tội của mình.

    “Bị cáo biết hành vi phạm tội của mình là sai trái rồi. Cũng vì khó khăn, áp lực con cái bệnh tật và các anh chị ốm đau nên bị cáo đã phạm tội. Bị cáo mong HĐXX giảm nhẹ tội cho bị cáo cơ hội sớm về cùng vợ chăm sóc các con. Vợ bị cáo ốm yếu, con còn nhỏ và bệnh tật nên cuộc sống rất khó khăn. Mẹ đã già, 2 anh trai tật nguyền của bị cáo cũng cần người chăm sóc”, Khăm lí nhí nói.

    Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Khăm không nói rõ lý do cần 2 triệu đồng để làm gì. Nghe những lời nói của con trai, bà S. đã bật khóc nức nở. Đến giờ nghị án, bà S. động viên con cố gắng cải tạo tốt để hưởng khoan hồng sớm về với gia đình. Vợ của Khăm ngồi bên cũng rơi nước mắt khi được gặp chồng. Họ tâm sự với nhau bằng tiếng dân tộc, mắt ai cũng đỏ hoe.

    Người mẹ một đời lam lũ trên rẫy không ngờ rằng đứa con mình đặt nhiều niềm tin lại sa chân. Khi Khăm bị vị đại diện VKSND đề nghị mức án cao, bà S. đã rơi nước mắt.

    Việc buôn ma túy, Khăm không hề nói với gia đình. Giá như Khăm nói chuyện này với mẹ hoặc vợ, chắc chắn họ sẽ ngăn cản và Khăm sẽ không phải hầu tòa như ngày hôm nay. Tuy nhiên, không thể lấy lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái bệnh tật mà Khăm có thể đánh liều đi buôn thứ hàng cấm này được.

    Xem xét toàn diện vụ án, Vi Khun Khăm bị tuyên phạt 15 năm tù về tội Mua bán ma túy. Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án này còn có người đàn ông tên Việt, là người nhờ Khăm mua ma túy, công an đã tiến hành điều tra nhưng không có căn cứ để làm rõ.

    Đối với Phò Phương, cơ quan điều tra đã lấy lời khai nhưng Phương không thừa nhận việc mua bán ma túy cho Khăm nên không đủ căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

    Kết thúc phiên tòa, Khăm được cán bộ dẫn giải về trại giam. Bà S. chạy theo con khóc nức nở. Vợ Khăm dự định sẽ đi làm công nhân nên gửi mấy đứa con cho bà S. chăm sóc. Không biết rồi đây, bà S. có đủ sức khỏe để chăm sóc cho các con của Khăm không nữa. Giờ bà chỉ mong Khăm cải tạo tốt để sớm về với gia đình.

    Hà Hằng

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 183

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/me-gia-roi-nuoc-mat-khi-con-trai-khai-ve-ly-do-pham-toi-a301110.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan