Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết đơn vị này hiện đang tích cực cứu chữa bệnh nhi 1 tuổi bị đuối nước, theo báo Người Lao Động.
Trước đó, vào chiều ngày 6/5, bệnh nhi 1 tuổi được chuyển từ Bệnh viện huyện Cần Đước (tỉnh Long An) lên TP.HCM cấp cứu trong tình trạng đã gồng người, được đặt nội khí quản từ tuyến trước.
Theo lời kể của người nhà, trước thời điểm nhập viện 3 tiếng, bệnh nhi còn khỏe mạnh và chập chững tập đi ngoài sân. Chỉ sau vài phút vào nhà tắm rửa, người mẹ quay trở ra thì không thấy bệnh nhi nên vội vàng đi tìm. 10 phút sau đó, người mẹ hoảng hốt phát hiện bệnh nhi nổi lên ở ao nước cạnh nhà.
Sau khi vớt bé lên, người nhà nhấn tim sốc nước và bé ọc ra vài ngụm nước. Lúc này, bệnh nhi đã tím tái, người gồng cứng đơ, được chuyển đi cấp cứu ngay lập tức tại Bệnh viện huyện Cần Đước.
VietNamNet dẫn lời bác sĩ Vũ cho biết sau 2 ngày chống phù não tích cực, phủ kháng sinh trị viêm phổi hít, thở máy hỗ trợ, bệnh nhi tạm qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, bác sĩ rất lo ngại về nguy cơ tổn thương não, chưa tiên lượng chính xác được.
"Hi vọng em sẽ may mắn cải thiện từng chặng đường điều trị, đáp ứng tốt các liệu pháp phục hồi chức năng tổn thương não và sẽ còn cơ hội trở về với gia đình", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Theo các bác sĩ, 70% trường hợp đuối nước ở trẻ xảy ra vào những mùa không liên quan đến nước, ao hồ, sông ngòi hay tắm biển. Trẻ có thể bị đuối nước trong xô, chậu với mực nước chỉ 4 – 5 cm.
Được biết, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố từng tiếp nhận một trẻ tại TP.HCM bị ngạt khi ngã vào xô nước trong nhà tắm. Mặc dù giữ được tính mạng nhưng bé bị tổn thương thần kinh do ngạt oxy quá lâu.
Các cha mẹ cần chủ động phòng tránh bằng cách rào kín ao hồ, hòn non bộ, bể bơi, đồng thời luôn quan sát trẻ cẩn thận, không cho trẻ vào nhà tắm một mình. Trẻ từ 4 tuổi trở lên nên đi học bơi. Các bé ở độ tuổi này đã đủ khả năng nhận thức để tham gia các lớp học kỹ năng bơi sinh tồn, đảm bảo an toàn khi xuống nước.
Đinh Kim(T/h)